19/02/2015 11:11

Khai bút đầu xuân – tôn vinh sự học

Với ý nghĩa đề cao truyền thống hiếu học, từ lâu ông cha ta đã có tục khai bút đầu xuân. Khai bút đầu xuân không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày tết nhưng đây là nét đẹp văn hóa mang chiều sâu ý nghĩa nhân văn trong truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Tục khai bút đầu xuân thường được các học sỹ, học giả xưa thực hiện nhân dịp đầu năm mới. Tuy chỉ là tượng trưng nhưng người xưa rất coi trọng tục lệ này. Để có thể khai bút, ngày xưa người ta thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bút viết trên giấy hoa tiên (giấy có in hoa) hoặc giấy hồng điều (giấy đỏ). Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại... Khi đưa những nét chữ đầu tiên của năm, người ta hướng tới điều tốt lành, tôn vinh chữ nghĩa, đề cao sự học. 



Trước đây những danh sĩ thường khai bút bằng cách làm một bài thơ đầu Xuân bày tỏ nguyện vọng, ý chí của mình. Họ quan niệm, khai bút đầu xuân sẽ nhận được mọi điều tốt lành, nhất là trong việc học hành, thi cử. Thế nên nếu viết hay, chữ đẹp thì người viết tin rằng cả năm sẽ hanh thông, suôn sẻ. Kỵ nhất là đầu năm viết chữ đầu tiên mà viết mấy từ có ý nghĩa xấu. Lại tối kỵ những trục trặc như cây viết hư hoặc bút hết mực... Những bài thơ khai bút được viết lên giấy hồng điều hoặc trên giấy hoa tiên - giấy có vẽ hoa. Viết xong, danh sĩ treo bài thơ lên tường để thưởng Xuân.

Khai bút đầu xuân - cái phong tục tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng với nhiều gia đình hiện nay, đặc biệt là các học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Ngày nay, tục khai bút đầu xuân cũng đã có nhiều thay đổi. Nó không còn phổ biến mà mang đậm ý nghĩa như xưa nữa. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, nó cũng vẫn luôn thể hiện được giá trị riêng. Mọi người vẫn luôn quan niệm, những nét bút đầu tiên của năm mới được viết ra cũng là tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới. Và hơn hết, gửi gắm trong những nét chữ đầu xuân là ước nguyện của người cầm bút về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới.

Trước đây thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ…mới thực hiện nghi thức khai bút. Bởi chỉ có thầy đồ, học sĩ mới biết chữ. Nhưng theo thời gian, khai bút đầu năm đã trở thành một nét đẹp dành cho tất cả mọi. Xưa các cụ nâng bút trịnh trọng đề thơ văn, câu đối thì đến ngày nay, con cháu viết cả danh ngôn hay thậm chí cả toán, lý, hóa… hoặc bất cứ thứ gì con trẻ thích. Các bạn trẻ hiện tại cũng không còn mặc áo the, đội khăn xếp và thắp lư trầm như các bậc cao niên, cổ nhân. Giới trẻ có thể trong lúc du xuân, ngẫu hứng viết một, hai dòng; và như thế đã là khai bút.

Để duy trì và phát triển mỹ tục này, đầu năm, ở các văn miếu, đền, đình... nhiều tỉnh thành, các nhà nho… thường tổ chức lễ khai bút đầu năm. Nghi lễ này không chỉ khơi dạy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo, học sinh, tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa địa phương.

Tuy nội dung và hình thức của tục khai bút đầu năm hiên nay có khác đi nhưng truyền thống hiếu học vẫn luôn được đề cao, được xem là ý nghĩa tinh thần, giá trị quan trọng hàng đầu của việc khai bút. Rất nhiều bậc phụ huynh rất chú trọng việc nhắc nhở con em mình khai bút đầu năm, hướng về cội nguồn, truyền thống dân tộc và cầu chúc một năm mới học hành tấn tới, gặp nhiều may mắn.

Nguồn: ĐCSVN/ Ngọc Chi