18/02/2015 10:43

Chiều 30 Tết của những cụ già không nơi nương tựa

Tết này với các cụ già không nơi nương tựa sẽ không còn lẻ loi, cô độc mà được đón xuân với những người cùng hoàn cảnh một cách đầm ấm.

Tết là khoảng thời gian để con cháu về sum vầy cùng cha mẹ, ông bà, thể hiện những tình cảm yêu thương, hiếu thuận với đấng sinh thành. Với những cụ già không nơi nương tựa, đặc biệt là những cụ già lang thang ăn xin vừa được Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, tỉnh Bình Dương, Tết này họ không còn lẻ loi, cô độc mà được đón xuân với những người cùng hoàn cảnh một cách đầm ấm.

Tiếng hát cất lên từ khu nhà ở của người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, Bình Dương khiến buổi chiều cuối năm rộn ràng hơn. Bên nồi bánh chưng vừa nấu chín còn nghi ngút khói, cụ Đặng Xuân Đông, 75 tuổi đang tập hát để góp vui với bà con trung tâm trong đêm giao thừa đón chào năm mới. Không con cháu, chẳng còn người thân, cụ đã lang thang khắp nơi kiếm miếng cơm manh áo nhiều năm qua. Giờ đây, được ăn Tết cùng với những người đồng cảnh ngộ, được ở trong những khu nhà mới xây tinh tươm, mát mẻ, cụ như được trẻ lại và khỏe hơn.


Nhiều người già ở Trung tâm Chánh Phú Hòa được cán bộ chăm sóc nên cảm thấy vui vẻ, không phải lang thang dầm mưa dãi nắng xin ăn (Ảnh: Người lao động).
 

Cùng với cụ Đông, các cụ khác dù tuổi già sức yếu cũng trở nên nhanh nhẹn hơn ngày thường, mỗi người một việc nhỏ chung tay sửa soạn đón Tết. Chỉ có những người tuổi già với nhau nhưng không khí chuẩn bị đón xuân rộn ràng hơn bao giờ hết. Có cụ vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa cẩn thận dùng chiếc khăn ướt lau hết nhựa dẻo bên ngoài bánh chưng, để phụ với cán bộ trung tâm ép bánh, chuẩn bị bày lên bàn thờ trong các khu nhà, người phụ sắp mâm ngũ quả, bày biện các loại trái cây. Có cụ bà lưng đã còng vẫn mò mẫm quét sân để đường ra lối vào sạch sẽ đón xuân, bởi mùng 1 Tết các cụ thường kiêng quét nhà.

Các cụ ông người thì treo cờ đỏ sao vàng lên các cánh cửa, người cẩn thận ghép những dây bóng trang trí lấp lánh lên những cành mai vừa được các nhà hảo tâm mang tới tặng trung tâm. Có cụ khéo tay, cắt bỏ những cành khô, tỉa lá úa, làm dáng cho cành mai, khóm cúc, hoa hướng dương thêm tươi tắn.

Cụ Trần Thị Trầm, 89 tuổi đang cẩn thận xếp phân loại những tấm hình logo, đồ chơi giấy cuối cùng vào thùng, chốt lại lô hàng của năm cũ, bàn giao lại cho nhân viên trung tâm. Đây là lô hàng cuối cùng mà trung tâm nhận về để các cụ làm cho khuây khỏa tinh thần, vừa kiếm thêm thu nhập trong những ngày Tết.

Những ngày vừa qua, thấy mình cũng sống có ích, lại thêm phần vui khỏe, cụ Trần Thị Trầm vui mừng kể: “Có công việc gia công nhẹ nhàng vừa với sức chúng tôi nên thích lắm, vì có thêm tiền mua trầu cau, mua đồ mới đón Tết. Hơn nữa có thêm tuổi mà lại thấy khỏe, thấy vui”.

Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa có gần 350 cụ độ tuổi từ 60 đến 100 tuổi luôn hòa thuận, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Người còn sức có thể đi lại thì phụ giúp những người yếu hơn. Các cụ không đi lại thì được thì những cụ khác động viên tinh thần bằng những tiếng hát lời thơ, tuổi già an ủi nhau. Xuân này, các cụ được tặng 2 bộ quần áo để đón Tết, được nhận nhiều quà mừng tuổi từ những tấm lòng hảo tâm nên ai cũng vui, cũng mừng.

Cụ Lê Tấn, gần 80 tuổi cho biết, nhiều năm qua cụ chỉ trông chờ vào những ngày Tết để xin ít quà, ít đồng tiền lẻ từ người làm lễ, phát lộc năm mới ở các chùa. Mỗi năm, Tết đến, cụ lại lẻ loi lủi thủi trong khu nhà trọ lụp xụp, chưa bao giờ cụ có một cái Tết đầm ấm như năm nay. Cụ Tấn kể về cuộc sống trong trung tâm bằng những câu thơ ví von tự mình sáng tác: “Tha phương cầu thực nhiều năm/Được đưa vào tại trung tâm Phú Hòa/Có ăn, có mặc, có nhà/Ốm đau có thuốc tuổi già vui thay/Mới vào thân thể yếu gầy/Bây giờ mạnh khỏe, tháng ngày như mơ”.

Để tạo niềm vui cho các cụ trong thời khắc chuyển giao của năm cũ – năm mới, ngoài ảnh Bác Hồ được treo trang trọng nơi bàn thờ, còn có tượng Phật, tượng Chúa để các cụ thờ theo tôn giáo mình. Các cán bộ, nhân viên tại đây còn túc trực một nửa quân số để tận tình chăm sóc, cùng sum vầy đón Tết, mừng tuổi các cụ như con cháu trong nhà.

Theo ông Phạm Đắc Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, Trung tâm sẽ tổ chức chương trình đặc biệt đêm giao thừa, giúp bà con vơi đi nỗi nhớ nhà hay những nỗi khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, mùng 1 Tết, trung tâm sẽ gặp mặt, chúc Tết và mừng tuổi cho các cụ.

Xuân đã về trên mọi nẻo đường. Đâu đó ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận không còn thấy bóng dáng những cụ già ăn xin lang thang lủi thủi giữa dòng người nhộn nhịp qua lại. Chiều cuối năm, bên mâm cơm tất niên rộn ràng của Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, Bình Dương, có những nụ cười móm mém cùng cặp mắt rưng rưng hạnh phúc./.

Theo Kim Dung/VOV-TP HCM