Ca khúc Ai bảo tôi là người già của nhạc sĩ Doãn Thịnh được bác sĩ Nguyễn Minh Phượng (nguyên là bác sĩ chuyên khoa cấp 1 về sản khoa) hát cho tôi nghe trong buổi gặp gỡ khi tôi buột miệng khen bà hơn 70 tuổi mà vẫn linh hoạt và sôi nổi.
Ca khúc Ai bảo tôi là người già của nhạc sĩ Doãn Thịnh được bác sĩ Nguyễn Minh Phượng (nguyên là bác sĩ chuyên khoa cấp 1 về sản khoa) hát cho tôi nghe trong buổi gặp gỡ khi tôi buột miệng khen bà hơn 70 tuổi mà vẫn linh hoạt và sôi nổi. Ai bảo rằng chúng tôi là người già/Xin trả lời chúng tôi đâu có già/60,70 mái đầu dù bạc trắng/Nhưng tinh thần ý chí vẫn hăng say...
Đúng là không ai đoán bà đã tuổi 72 bởi nói chuyện với bà vẫn thấy bà hoạt bát và thấu đáo lắm. Sự sắc sảo toát lên từ ánh mắt, giọng nói và đặc biệt niềm đam mê ca hát thì dường như tràn trề, bà có thể say sưa kể với rất nhiều kỷ niệm. Có lẽ đây là bí quyết khiến bà luôn tươi trẻ và người đối diện khi tiếp xúc với bà như được truyền thêm năng lượng về niềm yêu cuộc sống.
BS. Nguyễn Minh Phượng biểu diễn trong ngày 8/3.
Vốn là sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội khóa 1963-1969, đúng vào giai đoạn đất nước có chiến tranh ác liệt, sinh viên khóa của bà cũng ra phục vụ chiến trường. Có lẽ tác phong sôi nổi đã được hình thành từ thời sinh viên. Bà kể, dạo còn là sinh viên Trường đại học Y, bà cũng tham gia đội văn nghệ của trường, hay hát song ca cùng bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Khi đó bà thường được bạn bè nhắc đến với các ca khúcNhạc rừng, Con kênh xanh xanh.
Những năm chiến tranh ác liệt, chồng bà là kỹ sư cầu đường phải ra chiến trường phục vụ. Ra trường, bà được phân công về Xí nghiệp may 10 của Bộ Quốc phòng. Ngày đó, việc ra trường xin làm ở một bệnh viện nào đó không khó, nhưng xí nghiệp quân nhu với gần 2.000 nữ công nhân khi đó đang cần một bác sĩ sản khoa để làm công tác kế hoạch hóa gia đình và đỡ những ca đẻ thường. Khoảng chục năm sau đó, bà về làm Trưởng phòng Y vụ của Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng cho đến khi nghỉ hưu. Những năm công tác ở đây, bằng sự kiên trì nỗ lực, bà tranh thủ đi học tại chức tiếng Anh ở Trường đại học Ngoại ngữ và tốt nghiệp loại giỏi. Bà bảo, khi đó bà đi học cũng chỉ với mục đích làm gương về nghị lực phấn đấu cho các con noi theo. Nhưng cơ may đã đến với bà bởi thời đó, cán bộ y tế cơ sở vừa có chuyên môn lại vừa biết tiếng Anh rất hiếm. Vì thế bà là một trong những cán bộ y tế cơ sở hiếm hoi được đi dự hội thảo và tập huấn về Chăm sóc sức khỏe ban đầu dành cho các nước khu vực châu Á và Tây Thái Bình Dương do Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức tại Manila - Philipin (1987). Dù không trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại các bệnh viện, nhưng suốt cả cuộc đời công tác trong ngành y tế, bà luôn tâm niệm theo tinh thần lời dạy của người thầy đáng kính Hồ Đắc Di: Chúng ta phải học làm người trước khi học làm thầy. Làm thầy thuốc phải hết lòng, phải quên thân vì người bệnh, coi sự đau đớn của người bệnh như nỗi đau của chính mình, cứu người bệnh phải hết sức vô tư, dù người đó có ở bên kia chiến tuyến.
Có lẽ ở thế hệ bà, vấn đề y đức còn được coi như một chốn thiêng và bao tấm gương của các thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, tận tụy ngày đêm đem lại sự sống cho con người đã được cả xã hội trân trọng. Cho đến những năm nghỉ hưu, bà bảo thấy tâm hồn mình thanh thản và cảm thấy tự hào vì chưa làm điều gì vi phạm đến y đức và lương tâm của người thầy thuốc. Trong quán cà phê nơi tôi và bà ngồi trò chuyện, giai điệu du dương của bản tình ca Hạ trắng đưa bà trở về một thời chưa xa. Nhấp ngụm trà thơm còn nóng nơi đầu lưỡi, bà kể: Thời bà còn làm nghề, chiến tranh ác liệt đã dẫn đến bao hoàn cảnh éo le. Người chồng ra chiến trường, những người vợ lính có phút yếu lòng đã dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Tôi đã phải giải quyết rất nhiều ca nhưng bao giờ cũng với sự cảm thông chia sẻ. Rồi bà khoe, hồi giải phóng Sài Gòn, tự nhiên có một chị phụ nữ đến tận nhà bà biếu một chiếc xe cá xám. Những năm đó, chiếc xe là một tài sản lớn. Chị ta kể lại là buổi trực ấy bà đã cứu chị thoát khỏi sự đe dọa của hai cậu em chồng bám theo để xem có phải chị đi nạo phá thai không. Sự giải quyết tình thế khéo léo đã khiến hai anh người nhà chồng yên tâm bệnh của chị dâu chỉ là bệnh thường tình của phụ nữ. Còn với bà, khi đó chỉ nghĩ một điều đơn giản: Lương tâm nghề nghiệp, bác sĩ phải bảo vệ bệnh nhân.
Người ta thường bảo: Nghề y, nghề giáo là nghề không có tuổi hưu. Càng có tuổi - thầy thuốc, thầy giáo càng có kinh nghiệm, tay nghề càng cao. Lứa của bà, sau khi nghỉ hưu, các bác sĩ có bằng cấp thường mở phòng khám hoặc tham gia trong các trung tâm khám chữa bệnh, nhưng bà thì lại dừng hẳn và dành cả thời gian, công sức cho một niềm đam mê từ thời tuổi trẻ là ca hát. Giải đáp thắc mắc của tôi, bà bảo: Khi mình đã lao động nghĩa vụ xong rồi, con cái đã trưởng thành rồi thì cũng cần nghỉ ngơi để thực hiện sở thích của mình, cả chồng tôi và con tôi đều rất ủng hộ, cổ vũ. Rất hồ hởi, bà nói luôn mục đích và cũng là niềm vui của bà trong việc tham gia Câu lạc bộ Bài ca đi cùng năm tháng là làm cho mình và những hội viên trong câu lạc bộ sống vui, sống khỏe, sống có ích để tăng thêm tuổi thọ.
Ngồi nghe người phụ nữ 72 tuổi nhưng đầy năng lượng đọc thơ, hát rồi say sưa cuốn hút với niềm đam mê của mình, tôi chợt thấy cảm phục và trân trọng bà. Trân trọng bởi một con người không làm nghệ thuật mà khi có tuổi lại có niềm đam mê đến lạ. Bà kể, bà đã tham gia sinh hoạt tại Cung văn hóa Việt Xô 11 năm nay rồi, ban đầu là ở Câu lạc bộ Người yêu thiên nhiên, đến đó cũng để được ca hát và đi dã ngoại. Sự nhiệt tình của bà đã khiến thạc sĩ, ca sĩ Quỳnh Hoa - cô giáo lớp thanh nhạc mà bà theo học tại Cung văn hóa Việt Xô đề nghị bà đứng ra làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài ca đi cùng năm tháng. Lúc đầu thì bà ngần ngại, nhưng rồi cũng nhận, cũng có quyết định của lãnh đạo cung và trở thành một trong 32 câu lạc bộ trực thuộc Cung văn hóa Việt Xô. Bây giờ thì bà gắn bó với nó lắm, coi câu lạc bộ như ngôi nhà thứ hai của mình - vừa là nơi ca hát, vừa là nơi chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Có lẽ sự nhiệt tình, quan tâm và hết mình của vị chủ nhiệm đã hấp dẫn nhiều hội viên. Ban đầu câu lạc bộ chỉ có 20 người, sau 4 năm hoạt động đã lên tới con số 70 hội viên. Họ là những người lao động, cán bộ công nhân viên chức, trí thức, cựu chiến binh kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giáo viên, sĩ quan quân đội... đã nghỉ hưu, người ít tuổi nhất là 55, có hội viên 85 tuổi vẫn nhiệt tình tham gia. Tất cả họ đều có chung một niềm đam mê là được ca hát. Cũng lạ là đa số hội viên ở đây đều mắc 1-2 bệnh mạn tính, bệnh xương khớp, bệnh hô hấp là bạn của tuổi già, tham gia sinh hoạt là cả một sự cố gắng rất lớn. Ngay cả vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ cũng đau khớp nặng, đi lại chỉ bằng taxi, nhưng không vì thế mà giảm sự nhiệt tình. Sống vui, sống khỏe, sống có ích trong giai đoạn quý giá của tuổi vàng là phương châm mà câu lạc bộ đề ra.
Vốn có kinh nghiệm làm quản lý trong những năm công tác ở Phòng Y tế quận, bà hiểu là: Muốn hoạt động tốt thì phải tập hợp được hội viên. Để làm được điều đó thì phải là người gương mẫu trong công việc, gần gũi, công minh với mọi người. Qua cuộc trò chuyện, dễ thấy rằng, trong người phụ nữ có tuổi kia là trái tim sục sôi nhiệt huyết và một nguồn năng lượng dồi dào, lúc nào cũng nhiệt tình và đam mê với công việc chung. Khổ nỗi, biết là như vậy nhưng cùng là phụ nữ, tôi tin, để đảm đương tốt công việc chung, bà cũng phải sắp xếp chu đáo công việc của người vợ, người bà, người mẹ. Hai con trai và con dâu của bà cũng đều tốt nghiệp cao học. May mắn là bà luôn có sự ủng hộ của chồng và con.
Dù chỉ là một tổ chức sinh hoạt tự nguyện, vui là chính, nhưng quan điểm của bà là luôn luôn phải tạo sự đoàn kết, kích thích mọi người phát huy khả năng của mình. Không chỉ hát cho nhau nghe, Ban chủ nhiệm còn nghĩ cách tìm đầu ra cho hội viên được thể hiện khả năng của mình ở những nơi trang trọng. Thế là bà tìm cách liên hệ, khi thì Nhà hát Lớn, lúc là Nhà hát Âu Cơ, rồi cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Liên tục trong 4 năm hoạt động, năm nào Câu lạc bộ Bài ca đi cùng năm tháng cũng được lãnh đạo Cung văn hóa Việt Xô tặng giấy khen vì hoạt động hiệu quả. Không chỉ vui chơi đơn thuần, câu lạc bộ còn tích cực làm công tác từ thiện. Đợt kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (2013), câu lạc bộ tổ chức chương trình ca nhạc Đền ơn đáp nghĩa, hội viên và khán giả tự nguyện quyên góp để góp giỗ 4.000 chiến sĩ cách mạng bị Mỹ giết hại tại nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang), đồng thời gửi quà tình nghĩa đến 20 gia đình chính sách tỉnh Kiên Giang, 20 gia đình chính sách tại Hà Nội và 20 gia đình khó khăn của cựu chiến binh tại Hà Nội. Năm 2014, khi giàn khoan 981 của Trung Quốc vi phạm thềm lục địa của Việt Nam, câu lạc bộ kịp thời tổ chức chương trình ca nhạc Hướng về biển đảo, số tiền quyên góp được nhờ Cục Cảnh sát biển chuyển ra các chiến sĩ ngoài biển đảo. Những chương trình ca nhạc xúc động lòng người như thế các hội viên rất nhiệt tình tham gia, thậm chí có tiết mục rất đặc sắc như bài Tổ quốc gọi tên mình diễn ở đâu cũng được ngợi khen.
Một người yêu văn nghệ, đầy cảm xúc và tâm huyết như thế thì không chịu ngồi yên là phải. Quan niệm của bà là trời còn cho mình sức khỏe thì mình còn phải hết mình với niềm đam mê của mình. Đừng bao giờ nghĩ cuộc đời đã hết mà phải tìm mọi cách sống vui, sống có ích cho xã hội. Chân thành với chính mình, dễ hòa đồng - cách này hay cách khác, bác sĩ Nguyễn Minh Phượng đã có được sự đồng cảm, yêu mến và kính trọng của mọi người, nhưng quan trọng là bà đã truyền được tinh thần sống vui, sống khỏe, sống có ích khi tuổi đã xế chiều cho nhiều người xung quanh.
Nguồn: Tố Lan/ Báo Sức khoẻ và Đời sống (ngày 26/03/2016)