Với mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp để mọi người sum họp, quây quần với gia đình. Cứ mỗi độ Xuân về, khi hoa đào, hoa mai khoe sắc thì hết thảy già, trẻ, gái, trai, người người đều háo hức chuẩn bị đón Tết.
Trước kia, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, ngày Tết được các gia đình hào hứng đón chờ. Không khí Tết có thể thấy bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo lên chầu Trời. Bắt đầu từ ngày 24, không khí Tết đã trở nên rộn rã hơn. Trẻ con mua pháo lẻ ở chợ về đốt chơi. Người lớn thì tất bật với các công việc chuẩn bị đón Tết, nào là tổng vệ sinh nhà cửa cho đến cổng ngõ, đường sá; nào chỉnh trang, lau dọn bàn thờ tổ tiên; đi chợ mua nốt những món đồ thiết thực cho Tết...
|
Phong tục đẹp của người Việt là xin chữ trong ngày đầu năm mới vẫn còn được lưu giữ. Ảnh minh họa (Thế Dương)
|
Từ ngày 27 đến 30 tháng Chạp, nhà nhà cùng nhau chuẩn bị lá dong, gạo nếp cùng nhau quây quần gói bánh chưng, bánh tét và rồi cùng bên bếp lửa hồng nấu nồi bánh chưng vào đêm tiết trời se lạnh giáp Tết.
Chiều 30 Tết là một khoảng thời gian hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với mỗi gia đình. Mọi người tề tựu về bên đại gia đình của mình, cùng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, cùng ăn bữa cơm tất niên chung vui. Đây là mốc thời gian đánh dấu những ngày lễ Tết chính thức được bắt đầu. Đêm 30 Tết, cả nhà quây quần cùng chờ đợi thời khắc giao thừa. Lũ trẻ con thì chăm chú lắng nghe bà kể chuyện bánh chưng, bánh dầy mà quên đi giấc ngủ thường nhật. Cuối cùng thì cái thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy cũng đã đến!
Năm mới, Xuân mới đã sang! Ông bà, cha mẹ phát cho con cháu tiền mừng tuổi đầu năm. Con cháu lại mừng tuổi ông bà, bố mẹ một năm mới sức khỏe dồi dào. Ai hay chữ nghĩa thì khai bút, còn lại thì đi hái lộc, xin lộc đầu năm…
Ngày xưa, mỗi dịp Tết đến Xuân về, không thể thiếu câu đối đỏ, tranh vẽ Đông Hồ dán trước cửa, bàn thờ gia tiên là cây hoa, chậu cảnh. Nhắc đến Tết xưa, người ta cũng không thể không nhắc tới hội hè, hát xướng, chơi bài tổ tôm, chọi trâu, thi thả hoa đăng, xem đua ghe, hát bội…
Trải qua thăng trầm của thời gian, một số tập tục truyền thống của ngày Tết đã biến đổi, thậm chí là biến mất.
Nếu như hương vị ngày Tết của xưa cũ được thể hiện đầy đủ nhất ở "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ", thì Tết nay, việc cỗ bàn ăn uống không còn trở nên quan trọng. Ngày nay, không khí chuẩn bị Tết của người dân vẫn rộn rã, nhưng hầu như không còn cảnh tất bật đãi gạo, rửa lá rong, cảnh đầm ấm quây quần bên nồi bánh chưng trong tiết trời se lạnh. Bây giờ, hầu như các gia đình đều đặt mua dưa hành, bánh chưng, bánh tét…
Ở các thành phố, việc sắm Tết đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều. Cái gì cũng làm sẵn, bán sẵn rất thuận tiện. Nếu gia đình nào quá bận, chỉ cần đến ngày 30 Tết, đi một vòng quanh chợ hay siêu thị cũng sẽ mua được đầy đủ những thứ cần thiết cho 3 ngày Tết từ: Bánh kẹo, hoa quả đến xôi, gà, mứt Tết, bánh chưng,...
Bên cạnh đó, khi xã hội ngày càng phát triển, khái niệm “ăn Tết” đã được thay thế dần bởi cụm từ “nghỉ Tết, chơi Tết”. Mọi người có nhiều sự lựa chọn phù hợp cho mùa xuân của mình. Có gia đình chỉ sau ngày mồng Một, cúng gia tiên xong xuôi là xách vali đi du lịch để khám phá những điều mới lạ từ cuộc sống. Và mâm cơm gia đình ngày Tết nay không chỉ có thịt mỡ, dưa hành, củ kiệu, bánh chưng… mà bia, rượu, các đồ ăn nhanh như: xúc xích, lạp xường... cũng đã được bày biện thêm vào để tăng hương vị, tăng độ ấm nồng cho bữa cơm ngày Tết.
Nhưng dù là Tết xưa hay Tết nay, hay những cái Tết mãi mãi sau này nữa, chỉ có một điều không bao giờ thay đổi: Tết chính là dịp sum họp gia đình, là Tết đoàn viên!
Nguồn: ĐCSVN/ Phương Thảo.