21/02/2015 09:25

Ở nơi những mảnh đời không cô đơn

Những ngày giáp Tết Ất Mùi, chúng tôi đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Một ngày mùa đông, nhưng nắng ấm trải vàng suốt con đường đến với Trung tâm đầy tình thương ấy. Nơi đó, có những em nhỏ khuyết tật bị bỏ rơi và những cụ già neo đơn không nơi nương tựa được che chở. Những con người rất cô đơn ấy, đã không còn cô đơn dưới mái nhà ngập tràn ấm áp này.

Mọi người vẫn nói, đường về với Thụy An luôn là con đường yêu thương, vòng tay của Trung tâm Thụy An là vòng tay che chở, sẻ chia. Nhận định đó thật đúng với những gì mà tất cả chúng tôi, cũng như các đoàn đã đến với Trung tâm cảm nhận được. Đón tiếp chúng tôi, ông Đỗ Đức Hồng - Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm được thành lập từ năm 1966, trên địa bàn xã Thụy An - Ba Vì - TP. Hà Nội. Trung tâm có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người già cô đơn, trẻ em tàn tật và trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, toàn Trung tâm có 82 cán bộ, công nhân viên đang chăm sóc, nuôi dưỡng 360 đối tượng bảo trợ xã hội, gồm 170 người già và người tàn tật, 160 trẻ em, trong đó có 80 trẻ bị bại não, 30 trẻ sơ sinh, còn lại là trẻ bị các khuyết tật khác. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi căn bệnh khác nhau.

Chúng tôi được Giám đốc Trung tâm Đỗ Đức Hồng dẫn đi thăm khu nhà trẻ. Nhà trẻ bao gồm 8 khu nhà, được chia theo từng mức độ khuyết tật của các em. Quả thật, có đến tận nơi, chứng kiến tận mắt, cảm nhận bằng cả con tim mới thấu hiểu hết sự thiếu thốn tình cảm, thiệt thòi của các em nhỏ nơi đây. Đa số các em ở Trung tâm đều bị khuyết tật: dị tật khuôn mặt, cơ thể không lành lặn; tất cả đều thiếu đi tình yêu thương, vòng tay của mẹ cha...

 

 
Phút quây quần cùng các em nhỏ được chuyển từ chùa Bồ Đề lên
Trung tâm Thụy An (Ảnh: Trường Quân).


Chị Nguyễn Thị Mùi - Cô nuôi dưỡng tại nhà trẻ số 2, đã gắn bó 18 năm với nơi đây tâm sự: "Các con ở đây, có con bị mù, con bị não úng thuỷ, con bị xương thuỷ tinh, có con thì bị bại não... chỉ biết nằm một chỗ; con thì bị sứt môi, hở hàm ếch. Vì cơ thể không hoàn thiện, nên các con thức ngủ rất bất thường, không theo một quy luật nào, và cũng rất hay ốm đau… Những lúc ốm, nhìn các con rất tội nghiệp". Trong căn phòng nhỏ có 20 cháu. Các bé đều ngồi, nằm trên những chiếc giường sắt, những chiếc cũi gỗ, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên những chiếc giường, chiếc cũi ấy. Nằm, ngồi ngả nghiêng, u ơ, nụ cười ngơ ngẩn và ánh mắt dài dại, khiến mỗi ai đến thăm đều không thể cầm lòng. Mọi việc ăn uống, thay rửa, chăm sóc thuốc men đều do các cô nuôi dưỡng, như những người mẹ - đảm nhiệm.

Chị Mùi cho biết, ở nhà trẻ số 2, một phòng có 20 con thì sẽ có 4 “mẹ” chăm sóc cả ngày lẫn đêm. Do đó, cứ bốn ngày thì các “mẹ” lại trực một đêm. Những đêm trực, hầu như các mẹ không có thời gian để ngủ, vì mỗi con một kiểu sinh hoạt. Khi gạn hỏi về chế độ lương thưởng, chị Mùi nhỏ nhẹ chia sẻ, lương của các chị theo hệ số của nhà nước, mặc dù đã công tác gần 20 năm nhưng lương nhân viên nên tương đối thấp, ngoài ra, mỗi đêm trực, các chị được bồi dưỡng 25.000 đồng. Nhẩm tính, một người như chị Mùi, thu nhập chưa đến 5 triệu đồng. Với đồng lương khiêm tốn ấy, nếu không thực sự gắn bó với nghề, không coi các cháu là con của mình thì chắc các chị đã không gắn bó với nơi này lâu đến thế. Mảnh đất và con người nơi đây, đúng như lời bài hát của một nhạc sĩ nào đó đã viết tặng Trung tâm “…luôn rộng vòng tay nhân ái, đón những trẻ thơ người già cô đơn từ khắp mọi nơi, tràn đầy hy vọng bao nhiêu năm trung tâm chăm sóc người già, bao nhiêu năm trung tâm biết mấy tự hào…”.

 

 
Chị Lê Thị Trạm chia sẻ về công việc và tình thương yêu của mình
với các em nhỏ tại Trung tâm (Ảnh: Trường Quân)


Ông Đỗ Đức Hồng cũng cho biết thêm, vừa rồi, Trung tâm có tiếp nhận 27 người từ chùa Bồ Đề chuyển đến, trong đó có 7 trẻ tàn tật, 1 người già, còn lại là trẻ mồ côi. Trong số này có cháu Kiều Ung Thủy nhỏ tuổi nhất (mới được 2 tháng tuổi) đã được đưa ngay vào khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh để các cô chăm nom tốt hơn. Các cháu khỏe mạnh hơn được tập trung nuôi ở khu nhà trẻ số 7, rộng khoảng 60m2 với đầy đủ quạt treo tường, lồng inox, bàn ăn. Chị Lê Thị Trạm - người trực tiếp chăm sóc các em nhỏ cho biết, ngày đầu mới chuyển đến, do chưa quen với môi trường mới nên một số cháu còn quậy phá đòi ra ngoài. Giờ các cháu đã ngoan ngoãn, nghe lời, cuộc sống, sinh hoạt đã đi vào nề nếp.

Không khí trở nên vui vẻ, rôm rả hơn khi chúng tôi cùng ngồi quây quần bên chị Trạm, bên các em nhỏ, cùng hát, cùng chơi và chụp những bức ảnh kỷ niệm. Một chút chia sẻ với các em thôi, nhưng chúng tôi thấy cuộc sống dường như thêm ý nghĩa biết bao.

Chia tay các em nhỏ, chúng tôi, được anh Đỗ Đức Hồng dẫn sang khu nhà của các cụ già neo đơn. Xa xa, những dãy nhà lợp ngói đỏ giản dị, trước sân là những luống rau xanh mướt trông thật yên bình. Ở đây, chỉ một số các cụ là có thể tự phục vụ, chăm sóc cho bản thân mình, còn lại rất nhiều cụ già neo đơn không người thân thích, một phần vì quá nghèo, một phần vì tâm thần không ổn định. Các cụ ở đây mỗi người mỗi hoàn cảnh éo le khác nhau.

  

 
Cụ Vũ Thị Điếng coi Trung tâm là
 ngôi nhà thứ hai của mình
(Ảnh: Trường Quân
)

Cụ Vũ Thị Điếng (70 tuổi) tâm sự với chúng tôi rất lâu: "Các ngành, cách cấp trong xã hội và cán bộ của Trung tâm rất quan tâm tới đời sống hàng ngày của chúng tôi, từ bữa cơm luôn được thay đổi món, đến chiếc chăn ấm khi mùa đông, gió lạnh về. Được sống đầy đủ, bên cạnh là những người bạn già cùng hoàn cảnh, tôi coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình". Còn cụ Nguyễn Đình Tước (73 tuổi), người đã gắn bó với Trung tâm được 9 năm phấn khởi kể với chúng tôi: "Tôi được bầu làm "tổ trưởng", sáng nào cũng dậy sớm, đi một vòng động viên, đôn đốc mọi người dọn dẹp xung quanh nơi ở của mình sao cho sạch sẽ, gọn gàng". Cụ chia sẻ "mình sống ở đâu cũng vậy, quan trọng nhất là tình người".

Trung tâm Thụy An rộng trên 5 ha, phủ kín cây xanh rất đa dạng; cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp, có vườn hoa cây cảnh xanh tươi và khu vui chơi, giải trí, không khí mát mẻ trong lành. Để chia sẻ, gánh đỡ một phần nào khó khăn, các nhân viên tại Trung tâm tiến hành tăng gia sản xuất như trồng rau xanh, nuôi lợn, nuôi gà, nuôi cá để cải thiện bữa ăn cho các cụ già, trẻ em. Sự hi sinh thầm lặng, tình cảm chan chứa tình người của cán bộ, nhân viên Trung tâm dành cho những mảnh đời bất hạnh quả thực rất to lớn.

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng..."! Đến những nơi này, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình người, sự cần thiết phải sẻ chia, quan tâm giúp đỡ người khác, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Chỉ một chút chia sẻ với cộng đồng, với xã hội, chúng ta sẽ nhận về nhiều ý nghĩa của cuộc sống.

Xuân mới Ất Mùi đã về trên khắp miền Tổ quốc, và Xuân mới cũng đã về mang theo niềm vui ngập tràn, tình người ấm áp và nhen lên niềm hy vọng trên khuôn mặt của mỗi người già, trẻ em, người khuyết tật và tập thể cán bộ, viên chức ở Trung tâm Thụy An.

Chào nhé, Thụy An! Hẹn một ngày không xa sẽ trở lại nơi này...!

Nguồn: ĐCSVN/T. L