17/03/2015 01:19

Giải pháp nào ngăn chặn bạo lực học đường?

Bạo lực học đường lâu nay đã và đang âm thầm diễn ra với nhiều mức độ khác nhau. Câu chuyện hiện đang làm xôn xao dư luận liên quan đến một nữ sinh lớp 7 tại Trà Vinh, vì không nghe lời bạn lớp trưởng, đã bị đánh dã man.

 


Cha mẹ, thầy cô chính là những tấm gương để các em học sinh học tập, noi theo
(Ảnh: TH)


Trong mấy năm gần đây, các vụ đánh nhau của học sinh, sinh viên không những không giảm đi, mà còn xảy ra với mức độ ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Theo một khảo sát gần đây, hơn 50% giáo viên và phụ huynh cho rằng, bạo lực học đường hiện nay rất phổ biến. Điều đáng nói là, các vụ bạo lực học đường không còn đơn giản là các vụ ẩu đả, làm bị thương đối phương, mà hành động bạo lực ấy đã dẫn đến những hậu quả nặng nề cả về thể chất và tinh thần, không chỉ cho học sinh mà cả chính giáo viên và phụ huynh.

Câu chuyện liên quan đến nữ sinh lớp 7 vì không nghe lời bạn lớp trưởng, đã bị đánh dã man tại Trà Vinh trở nên đặc biệt, nhức nhối ở chỗ câu chuyện ẩn chứa một sự vô cảm đáng sợ. Đó là học sinh này bị đánh ngay tại chính lớp học, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh trong và ngoài lớp. Thậm chí, nhiều em đứng xem với sự bàng quan, cổ vũ và có em còn dùng điện thoại ghi lại hình ảnh… Tại sao các em lại thờ ơ, vô cảm và không dám phản ánh với giáo viên chủ nhiệm, với nhà trường, với Ban giám hiệu như vậy?

Nói về trường hợp này, một giáo viên phải thốt lên: Qua sự việc cho thấy sự ngang tàng, xem thường môi trường giáo dục, kỷ luật, nội quy nhà trường, nếu không muốn nói là... xem thường pháp luật của một số học sinh. Không chỉ có cái sai của người đánh, mà cần nhìn nhận và lên án cả cái sai của “những kẻ đứng nhìn”. Các em vô tình hay cố ý đã “bán rẻ” nhân cách, ý thức cộng đồng của mình.

Liên quan sự việc này, chiều 16/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã tổ chức họp báo công bố kết luận kỷ luật vụ việc này. Theo đó, hội đồng kỷ luật quyết định 3 em bị thôi học 1 tuần, 5 em bị cảnh cáo. Hiệu trưởng, Hiệu phó nhà trường và giáo viên chủ nhiệm bị tạm đình chỉ công tác 1 tháng. Trong thời gian tạm đình chỉ, sẽ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân để có hướng xử lý.

Có thể nói, hình thức kỷ luật các cá nhân liên quan vừa có tính răn đe, thể hiện tính nghiêm minh, nhưng cũng thể hiện tính nhân văn, nhất là đối với các em học sinh. Bởi các hình thức kỷ luật đuổi học như đề xuất của một số người là không hợp lý, vì nếu đuổi học các em trong lúc này có thể gây hậu quả khôn lường... Đối với các giáo viên liên quan, đây cũng là bài học đắt giá. Bởi nếu vụ việc này không được tung lên internet sau hơn 1 tháng diễn ra, thì chỉ có học sinh bị đánh và những người chứng kiến vụ việc biết được. Các thầy, cô giáo sẽ là những người vô can, trong khi đó, sự việc xảy ra ở trong tầm quản lý, kiểm soát của các thầy, các cô...

Từ sự việc này và các vụ bạo lực trong thời gian gần đây đã đặt ra nhiều câu hỏi không chỉ cho những nhà quản lý giáo dục, cho giáo viên, mà đặc biệt là cho phụ huynh và cả xã hội. Đó là nguyên nhân vì sao nạn bạo lực học đường phổ biến?

Trong một hội thảo mới diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số nhà giáo dục cho rằng, đây là hậu quả của việc nhà trường quá chú trọng việc dạy chữ, dạy kiến thức mà chưa cân bằng, chưa chú trọng đến việc dạy làm người. Ở trường học, nhà trường và các thầy cô giáo vẫn coi việc dạy văn hóa là chính. Nhà trường đánh giá chất lượng học sinh dựa vào kết quả thi các môn: Văn, Toán, Lý, Hóa,… mà chưa quan tâm thật sự đến các môn dạy làm người như: Đạo đức, Giáo dục công dân… Đã có những khảo sát, nghiên cứu cho thấy, nhiều học sinh coi môn học Đạo đức, Giáo dục công dân là môn phụ, thậm chí một số em còn cho rằng, những kiến thức của môn học xa rời thực tế.

Ở một khía cạnh khác, nguyên nhân của bạo lực học đường không chỉ đến từ nhà trường, mà nó bắt nguồn từ rất nhiều lý do như: Gia đình, bạn bè, hàng xóm, phim ảnh…, hay nói rộng ra là môi trường sống, trong đó, gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, các bậc phụ huynh cần nhận thức được rằng, gia đình chính là cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho kỹ năng sống của các em được thuần thục. Tất cả những hành vi, quan hệ xã hội, giao tiếp, cách ứng xử… từ cha mẹ là yếu tố chủ đạo để các em hình thành nên nhân cách của mình.

Thiết nghĩ, nhà trường cần phải chú trọng hơn tới giáo dục đạo đức cho học sinh. Bởi nếu chúng ta tiếp tục chạy theo thành tích học tập, đặt nặng việc học chữ, “nhồi nhét” kiến thức hơn dạy đạo làm người, thì những câu chuyện về bạo lực học đường chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Để cải thiện tình trạng này, ngành Giáo dục cần có chương trình giáo dục kỹ năng sống một cách cụ thể bên cạnh việc giáo dục về văn hóa…

Mỗi bậc cha mẹ và thầy cô hãy là những tấm gương cho học sinh học tập và noi theo. Hãy giúp các em học cách làm người, ứng xử nhân văn, tự tin mở lòng với thầy cô, bè bạn.

Bạo lực sẽ giảm, thói hung hãn sẽ không lên ngôi nếu mọi phụ huynh đều có ý thức giáo dục con em mình cách học làm người bằng chính lòng yêu thương, sự bao dung và hướng dẫn các em ứng xử, giải quyết các tình huống trong cuộc sống một cách ôn hòa, độ lượng và nhân văn./.

Nguồn: ĐCSVN/ Thu Hà