13/03/2015 14:03

Để Chương trình 135 có hiệu quả hơn, cần đầu tư tập trung, tránh dàn trải

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội tập trung vào việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; vấn đề di cư tự do, đào tạo nghề, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số…

70% đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do vì lý do kinh tế

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) liên quan đến vấn đề di dân tự do của đồng bào dân tộc thiểu số - những hệ lụy cho địa phương tiếp nhận và giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Giàng Seo Phử dẫn số liệu chưa đầy đủ của 13/14 tỉnh vùng Tây Bắc, hiện có khoảng 13.671 hộ với 71.149 khẩu, trong đó, có cả di cư nội tỉnh, ngoài tỉnh và cả sang Lào. Các tỉnh có dân di cư tự do nhiều nhất là: Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng. Di cư tự do ngoại tỉnh chủ yếu đến các tỉnh Tây Nguyên.



Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/3. Ảnh: ĐT 

 

Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, tổng số dân di cư tự do đến 5 tỉnh Tây nguyên gồm: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng từ 2005 đến tháng 3/2014 là 18.920 hộ với 72.934 khẩu. Đời sống của đồng bào di cư tự do rất khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, thiếu đất sản xuất, bệnh tật khá phổ biến. Số hộ đói nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số là 84,7% và có đến 45,1 số hộ đang sống trong nhà tạm, 70% số hộ chưa có nước sinh hoạt, 83,5% chưa có điện sinh hoạt.

Phân tích nguyên nhân về việc di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, khoảng 70% những người di cư tự do vì lý do kinh tế, bao gồm di cư tìm việc làm và cải thiện điều kiện sống. Ngoài ra, một số đối tượng di cư tự do là do phần tử xấu lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để truyền đạo trái phép nhằm dụ dỗ, lôi kéo, kích động đồng bào gây rối trật tự xã hội.

Nói về giải pháp để khắc phục tình trạng di dân tự do của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, cần phải giải quyết vấn đề từ gốc, nghĩa là đầu tư mạnh mẽ cho các tỉnh có dân di cư để giữ người dân ở lại nguyên quán. Việc này còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh biên giới. Muốn hạn chế di cư, phải làm cho nơi ở cũ tốt lên.

“Chẳng hạn, chúng ta có thể mạnh dạn cấp gạo miễn phí cho đồng bào trên cao nguyên đá Hà Giang, để đồng bào yên tâm về cuộc sống” – ông Giàng Seo Phử gợi ý.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về đầu tư phát triển cho vùng dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, Chương trình 135 về hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Chương trình 135) thực chất là giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi nhằm từng bước xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa các khu vực, địa bàn trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, do đặc thù vùng, miền chúng ta rất khác nhau, khác nhau từ trình độ phát triển đến phong tục tập quán: “Chính sách của chúng ta là chính sách chung, mong muốn đến được với từng đồng bào dân tộc, nhưng chắc còn xa. Chúng ta chưa giao cho một cơ quan nào nghiên cứu chính sách cho từng dân tộc một, đi liền với nó là kèm theo các điều kiện khác nhau. Do đó, Đảng và Nhà nước vẫn thống nhất thực hiện một chính sách chung, cùng một số chính sách tương đối đặc thù đối với đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định chương trình 135 là chương trình có hiệu quả”.

 


 
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/3. Ảnh: ĐT

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc liệu có xóa được bất bình đẳng về chính sách hay không? Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho rằng, cần phải từng bước nỗ lực phấn đấu theo trình độ phát triển chung của đất nước. Trong đó, điều quan trọng là nguồn lực đầu tư phải được tương xứng với nhu cầu, bởi vì, nếu không có nguồn lực, chương trình sẽ không thể triển khai được.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, thực tế có quá nhiều chính sách đang triển khai đối với đồng bào dân tộc, nhưng việc triển khai chính sách đang tản mạn, phân tán. Dường như các nhu cầu bình thường của người dân thì các bộ, ngành muốn lo hết cho dân. Chính những chủ trương đó đã triệt tiêu tinh thần chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào.

Đại biểu Lê Nam chất vấn: Liệu Bộ trưởng có đồng tình đánh giá trên không và với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ các chính sách đồng bào dân tộc, Bộ chủ quản đã làm hết trách nhiệm hay chưa?.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, có trên 200 chính sách cho đồng bào các dân tộc từ khi có Đảng đến nay. Tuy nhiên, hiện “chỉ còn mấy chục chính sách”.

Bàn về 16 chương trình mục tiêu quốc gia, theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, trong phối hợp hành động chỉ đạo còn thiếu hiệu quả. do đó, trong thời gian tới, cần phải sắp xếp lại và thu gọn các đầu mối chính sách, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm.

Để chương trình 135 có hiệu quả, cần phải đầu tư tập trung, tránh dàn trải

Giải trình làm rõ thêm về nguồn vốn đầu tư cho chương trình 135, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, giai đoạn 2011- 2015, tổng số nguồn vốn đã bố trí cho chương trình 135 là 15.581 tỷ đồng, trong đó, vốn từ ngân sách trung ương là 15.213 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 316 tỷ đồng. Tính tổng vốn đầu tư trong nước và của các nhà tài trợ cho chương trình 135 giai đoạn 2011- 2015 là 16.721 tỷ đồng, chưa tính đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên...

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, từ năm 2013, bên cạnh chương trình 135, các địa bàn dân tộc thiểu số còn nhận được thêm các chương trình hỗ trợ khác như: Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo 30a, hay các chương trình nông thôn mới, chương trình hỗ trợ các xã dọc theo tuyến biên giới, các xã ATK. Bình quân mỗi xã đạt 4 tỷ đồng/năm để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, chủ yếu là các công trình: điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi, cấp nước.

Trả lời chất vấn của một số ĐBQH về quan điểm đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, Chương trình 135 là chương trình đầu tư có hiệu quả, thiết thực, đã được các nhà quốc tế đánh giá cao. Để đầu tư có hiệu quả nhất, cần quan tâm xây dựng chính sách và chương trình.

“Trong xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, khi đưa ra các mục tiêu, phải căn cứ vào khả năng đáp ứng nguồn lực để xây dựng chính sách chính xác. Vì nguồn lực đầu tư cho Chương trình 135 còn hạn chế, nên cần phải đầu tư tập trung, tránh dàn trải, đầu tư nội dung gì phải dứt điểm nội dung đó và sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định.

Trước câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội về vấn đề, trong thực tế, đã có nhiều công trình thuộc Chương trình 135 xuống cấp nghiêm trọng, nhưng sẽ kết thúc vào năm 2015. Vậy làm sao để duy trì thành quả lâu dài? Bộ trưởng Giàng Seo Phử đồng tình với nhận xét của các đại biểu về việc còn có sự chồng chéo trong các chương trình, vốn được giao không đáp ứng được nhu cầu… “Do nhiều lý do khác nhau, trong đó có khó khăn chung của đất nước mà các hạng mục công trình bị cắt giảm nhiều. Chúng tôi đã xây dựng nhiều cơ chế trình Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 551, nhưng chính Quốc hội đã phải cắt giảm ngân sách của Chương trình. Việc giao vốn là thẩm quyền của Quốc hội, cho nên nói giải pháp đột phá nào thì rất khó”.

Việc giao đất sản xuất cũng có tình trạng tương tự, tức là đã được duyệt nhưng nhiều địa phương không bố trí được đất để giao… “Cá nhân tôi suy nghĩ là phải làm dứt điểm từng dự án, phải giao cho một cơ quan chủ trì tất cả các dự án trên một địa bàn, có thể là giao cho Chủ tịch tỉnh để tránh chồng chéo” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc  Giàng Seo Phử nhận định.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số từ năm 2002 – 2014 khoảng 9.509,410 tỷ đồng/tổng nhu cầu gần 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện chính sách hỗ trợ, đến nay, vẫn còn khoảng 360.167 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở; trong đó, 37.199 hộ thiếu đất ở và 355.943 hộ thiếu đất sản xuất./.

Ngun: ĐCSVN/ Đ Thoa