25/04/2019 11:27

Tuổi cao, chí càng cao

“Tóc bạc, lưng còng” nhưng nhiều người cao tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn sống vui, sống khỏe. Tuổi cao, chí càng cao, lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm và bề dày kinh nghiệm hoạt động, kỹ năng làm việc là những lợi thế để họ tiếp tục lao động, sản xuất, hăng hái tham gia hoạt động xã hội tại địa bàn dân cư.

Nêu gương sáng

Sau nhiều năm cống hiến trong quân ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn đã dành trọn thời gian cho các hoạt động giữ hồn nghệ thuật múa rối cổ quê hương. Bằng tình yêu và sự tâm huyết, ông đã hồi sinh những giá trị độc đáo của nghệ thuật múa rối làng Đào Thục, xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) tưởng chừng đã mai một. Để “hút” khách, ông Văn còn xây dựng nhiều tiết mục múa rối mới. Một trong những tiết mục được khách trong và ngoài nước yêu thích là “Đánh B.52”. Tác phẩm này bắt nguồn từ chiến công của đơn vị ông khi tham gia Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972. Ngoài ra, ông Văn còn cùng với cán bộ đoàn thể, người cao tuổi trong làng vận động nhiều doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ tiền, vật chất xây dựng lại đường làng khang trang với đầy đủ hệ thống chiếu sáng thay thế con đường lầy lội trước kia, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và khách đến xem múa rối.

 

Ông Đào Việt Dũng (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) chăm sóc vườn ổi của gia đình

 

Còn cựu chiến binh, thương binh 2/4 Lâm Văn Bảng (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) đã được nhiều người dân xa gần biết tới khi dành hơn 2.000m2 đất của cha ông để lại cùng đồng đội lập nên Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, đón khách tham quan miễn phí. Hơn 40 năm qua, ông đã lặn lội khắp mọi miền đất nước để sưu tầm hơn 4.000 tài liệu, hiện vật về cảnh tù đày ở nhà tù Phú Quốc. Vào những ngày lễ, dịp cuối tuần, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày lại thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống ý nghĩa.

Năm nay đã 70 tuổi nhưng ông Vương Văn Nội vẫn quan niệm “còn sức còn lao động”. Hiện ông làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Yên Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Yên (huyện Thạch Thất). Ông luôn nêu gương sáng trong các công việc. Điển hình như khi địa phương phát động làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Nội tiên phong hiến 25m2 đất để mở đường. Ngoài ra, ông cùng cán bộ thôn đưa chủ trương này ra bàn bạc công khai nên nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Người nhận dỡ nhà, lùi tường, hiến đất, người góp tiền, vật liệu xây dựng… tạo không khí sôi nổi trong làng. Chỉ trong vòng 10 ngày, nhân dân thôn Yên Mỹ đã hiến, góp 600m2 đất, 800 ngày công, đổ 1.350m3 đá, sỏi hoàn thành con đường rộng 7m, dài 1.100m mà không phải nhận hỗ trợ.

Vững vàng trên lĩnh vực mới

Với nhiều người, khi tuổi cao là lúc bản thân được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Nhưng với ông Đào Việt Dũng (65 tuổi, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) thì đây mới là quãng thời gian ông khẳng định được vai trò của mình trong phát triển kinh tế. Với niềm đam mê nghiên cứu, trồng trọt, ông đã nhân giống thành công loại ổi lê Đài Loan. Quả ổi giống này được người tiêu dùng yêu thích bởi độ giòn, ngọt và đặc biệt là được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, khu vườn nhà ông Dũng đang trồng hơn 600 gốc ổi lê Đài Loan, doanh thu ước đạt 2 tỷ đồng/năm.

Bà Trần Thị Cỏn (ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa) dù đã 78 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng nhưng vẫn đảm nhiệm công việc của Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93, Đội trưởng Đội hoạt động xã hội tình nguyện của phường. Bà đã giúp đỡ nhiều mảnh đời lầm lỗi hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời. Điển hình như các anh chị: Trần Văn Tuấn, Đỗ Quốc Thắng, Lưu Hải Đăng, Trần Thị Thanh... “Sự tin yêu của các em, các cháu là động lực thôi thúc tôi càng phải có trách nhiệm hơn nữa để tạo cơ hội giúp họ thay đổi cuộc đời”, bà Cỏn chia sẻ.

Theo thống kê của Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội, toàn thành phố có hơn 800.000 hội viên đang sinh hoạt tại 584 hội cơ sở. Phát huy vị trí và uy tín của mình, hiện có 71.414 người cao tuổi tham gia công tác chính trị - xã hội ở cơ sở. Năm 2018, có 44.894 người cao tuổi tham gia phát hiện và cung cấp được 2.696 nguồn tin liên quan tới tình hình an ninh cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, thành phố hiện có 25.474 người cao tuổi làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, 18.307 người cao tuổi được biểu dương trong việc làm kinh tế giỏi. Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Phạm Văn Ngọc khẳng định: "Việc người cao tuổi Thủ đô luôn tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp ở cơ sở".

Với trí tuệ, kinh nghiệm và tâm huyết của mình, nhiều người cao tuổi của Thủ đô đã và đang vượt qua trở ngại tuổi tác để cống hiến sức mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự kiên trì và bền bỉ của họ góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp; đồng thời còn là nguồn động viên to lớn để các thế hệ đi sau tiếp tục nỗ lực, phấn đấu.

Nguồn: Báo Hànội mới