(HNM) - Đi lại như con thoi giữa những cảnh đời thiệt thòi để mong bù đắp phần nào nỗi vất vả của họ, bà Đinh Thị Bích Ngọc (phường Định Công - Hoàng Mai - Hà Nội) dường như quên đi tuổi 80 và căn bệnh suy tim đang đeo đẳng. Hơn 25 năm qua, bà đã trở thành người thân của hàng trăm mảnh đời thiếu may mắn trong xã hội.
Từ thiện từ tâm
Mái tóc bạc cắt gọn, dáng người nhỏ nhắn, gầy gò, có phần khắc khổ, bà Bích Ngọc đã lặng lẽ đến với nhiều hoàn cảnh thiệt thòi trong xã hội trong hàng chục năm nay. Từ những người câm, nhiễm chất độc da cam, mồ côi ở khu phố cho đến những bệnh nhân ung thư, người già neo đơn… bà đều tìm đến thăm hỏi, động viên và tặng quà.
|
Bà Ngọc và cuốn "Nhật ký từ thiện". |
Mấp máy đôi môi với giọng nói rất nhỏ vì sức yếu, bà Ngọc cho rằng đời mình may mắn hơn nhiều người. Nhìn những bất hạnh, thiệt thòi mà trẻ mồ côi, người tàn tật phải chịu đựng, bà muốn góp chút sức lực. "Đây là chút quan tâm giữa con người với nhau thôi, chứ so với việc từ thiện của nhiều người thì sự đóng góp của tôi còn quá khiêm tốn, không có gì đáng nói cả" - bà Ngọc cho biết.
Năm 1936, bà Ngọc được sinh ra khi chưa đủ tháng, do đó, sức khỏe rất yếu, tưởng chừng khó sống. Thời buổi chiến tranh, cuộc sống thiếu thốn, bà lại càng yếu vì cơm không đủ ăn, nói gì đến bồi bổ sức khỏe. Suốt từ những ngày thơ bé, mẹ của bà Ngọc luôn nhắc nhở phải hành thiện tích đức để giúp đời, cũng để bản thân được phù hộ, có sức khỏe tốt hơn. Suốt những năm làm công tác điện báo, rồi làm việc ở Xí nghiệp Đường sắt sau này, bà Ngọc luôn ghi nhớ lời dạy của mẹ, thường xuyên làm từ thiện. Năm 1991 nghỉ hưu, việc từ thiện được bà chú trọng hơn vì có nhiều thời gian, con cái cũng đã yên bề gia thất.
Bắt đầu từ năm 1990, bà Ngọc được người quen kể về trường hợp của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dần đang điều dưỡng tại Trung tâm Mỗ Lao - Hà Đông, bà Ngọc cảm động và đến thăm hỏi, động viên rồi nhận nuôi mẹ Dần. Thời gian đó, bà thường xuyên đến trò chuyện và biếu tiền, quà, động viên mẹ Dần để được chứng kiến sức khỏe, tinh thần của mẹ khởi sắc lên trông thấy. Công việc cứ thế tiếp diễn đến tận 7 năm sau, khi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dần qua đời. Khi đó, bà Ngọc lại đứng ra xây mộ, phúng điếu trọn tình với người đã khuất.
Sau này, khi chuyển về phố Định Công Hạ, thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai, trong những lần trò chuyện với người cùng xóm, bà Ngọc biết được một phụ nữ bị câm bẩm sinh đã gần 40 năm, sống với người mẹ già xấp xỉ tuổi bà Ngọc. Không chỉ bị câm, thần trí người phụ nữ này cũng không được ổn định, khi lên cơn thường đập phá đồ đạc và đi lang thang. Thương cảm cho người mắc bệnh, ái ngại cho người mẹ già có được mụn con lại phải ngày ngày cùng con chống lại bệnh tật mà không có hy vọng khỏi, bà Ngọc thường xuyên đến tặng quà, trò chuyện với người mắc bệnh cũng như với bà mẹ cho khuây khỏa phần nào. Sau nhiều lần bà hỏi han, động viên người phụ nữ câm đã quen với sự có mặt của bà trong ngôi nhà nhỏ của mình và tỏ thái độ mừng rỡ mỗi khi bà đến.
Cùng thời gian này, bà Ngọc còn thường xuyên đến thăm nom, tặng quà cho 3 người con liệt sĩ tại phường Đống Mác (Hai Bà Trưng), quan tâm đến không ít trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc khuyết tật ở phường Định Công. Bà nhớ rõ cháu Nga bị liệt hoàn toàn, chỉ nằm một chỗ, gia cảnh cũng không lấy gì làm khá giả. Cháu Thái nhiễm chất độc da cam, cháu Phong hay đi lang thang, sau vài lần tặng quà, gặp cháu ngoài đường, Phong vẫn nhận ra bà và chào lại bằng nụ cười ngờ nghệch. Rồi cháu Nhật, cháu Câm… đều để lại ấn tượng sâu sắc với bà.
Từ năm 2006 đến nay, bà Ngọc cũng là người thường xuyên đóng góp tiền cho chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn - Hai Bà Trưng) để nấu cháo cho các bệnh nhân ung thư và người nhà đang chạy chữa trong viện. Nhìn những khuôn mặt hốc hác của người nhà bệnh nhân sau mỗi lần con em họ vào đợt xạ trị, hóa trị, bà Ngọc không cầm được nước mắt. Vậy là gần 10 năm nay, mỗi tháng, mỗi quý bà Ngọc đều đến tặng tiền để nhà chùa nấu cháo từ thiện. Rảnh rỗi, bà Ngọc gặp gỡ những bệnh nhân và gia đình họ để trò chuyện, động viên nhau vượt qua những nhọc nhằn.
Quà nhỏ, tâm lớn
Cách làm từ thiện của bà Ngọc cũng khác số đông. Số tiền mỗi lần từ thiện của bà Ngọc chỉ từ 100 đến 200 nghìn đồng và túi quà. Tuy nhiên, trong 25 năm nay, bà Ngọc làm thường xuyên, nhất là dịp những ngày lễ, tết; rồi Trung thu, tết Thiếu nhi 1-6… bà không bỏ sót ngày nào. Bà nói: Nghỉ hưu rồi, chồng cũng qua đời, mức lương hưu được gần 4 triệu đồng/tháng nên phải chia ra thành nhiều phần nhỏ để chia sẻ với nhiều người nên không thể tặng một lúc số tiền lớn được. Mỗi lần từ thiện, bà Ngọc lại ghi vào sổ chi tiết từng địa chỉ, món quà. Bà cho biết, ghi lại để mỗi khi giở đến có thể nhớ lại được từng trường hợp, từng kỷ niệm với họ, nếu không ghi lại thì quên mất. Cuốn sổ nắn nót từng chữ và nhiều lần có dấu, chữ ký xác nhận của những tổ chức từ thiện bà đóng góp.
Bà kể về chồng bà - một PGS. TS tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn lúc còn sống, ông cũng luôn ủng hộ bà trong công việc từ thiện, cũng như những người con, người cháu bà hiện nay. Tuy nhiên, trong hành trình thiện nguyện của mình, bà Ngọc thường tự mình đi đến những gia cảnh thiệt thòi. Vì tuổi già, không đi được xe, bà đi xe ôm đến tận nơi. Bà quan niệm rằng, làm từ thiện không phải cứ đưa tiền cho họ là xong, hay làm để lấy tiếng. Làm phải đến nơi đến chốn, những trường hợp thiệt thòi trong cuộc sống, lòng tự trọng của họ rất cao, nếu không cư xử khéo dễ khiến họ phật lòng. Bà cũng chia sẻ rằng, trong cuộc đời làm từ thiện, bà chưa khiến trường hợp nào mất lòng bao giờ.
Không chỉ bản thân làm từ thiện, trong những năm gần đây, bà Ngọc còn kêu gọi thêm mọi người trong họ hàng, gia đình và hàng xóm cùng làm từ thiện với bà. Ý kiến của bà Ngọc được mọi người hết sức ủng hộ và ban đầu chỉ có 3 thành viên trong họ hàng, giờ nhóm từ thiện của bà Ngọc đã có gần 10 người. Nhóm chia nhau đến các gia đình khó khăn, các hoàn cảnh thiệt thòi và cùng góp tiền bạc, vật chất cho nhà chùa, các tổ chức từ thiện. Với những việc làm của mình, bà Ngọc nhận được rất nhiều bằng khen của phường, quận cũng như của thành phố.
Bước vào tuổi 80, bà Ngọc yếu đi trông thấy với trăm thứ bệnh của tuổi già bủa vây, nhất là bệnh tim nhưng hễ có điều kiện, sức khỏe ổn hơn, bà lại tiếp tục công việc thiện nguyện của mình. Ông Trịnh Thái Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố cho biết: Nhiều năm nay, bà Ngọc thường xuyên làm công tác từ thiện và cũng vận động được nhiều người cùng tham gia. Việc làm của bà Ngọc hết sức có ý nghĩa và tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội. "Nhiều lần bà Ngọc ốm đúng ngày lễ, không trực tiếp đi trao quà được thì bà nhờ tôi đem đến hộ, hoặc nhờ các chị bên Hội Phụ nữ, rất chu đáo và cẩn thận" - ông Sơn nói.
Khép lại câu chuyện lúc đợt gió mùa đầu tiên thổi lạnh, khẽ kéo cổ áo che gió, bà Ngọc băn khoăn, mùa đông sắp đến, lạnh thế này thì những mảnh đời thiệt thòi, khó khăn sẽ càng vất vả hơn. Bà cũng già yếu, mùa đông năm nay khó đi tận nơi thăm hỏi được tất cả mọi người…