27/02/2019 12:09

Người thầy không đứng bục giảng

Ông Trần Yến Khách, năm nay trên 80 tuổi, thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã từng dạy học cho nhiều người. Ông như một người bạn tâm giao không những ở lớp học di động mà đối với mọi người trong thôn, xóm ai cũng mến mộ, quí trọng.


Ông Trần Yến Khách đang ghi lịch hội nghị NCT ở xã

 

Ông Trần Yến Khách nhớ lại: “Những năm 1945-1947, khi nước nhà được độc lập, 90% nhân dân bị mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thi đua ái quốc. Người đã chỉ rõ: “Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”! Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, Ủy ban Hành chánh kháng chiến xã Tam Hiệp, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành) kêu gọi những học sinh mới rời ghế nhà trường có trình độ văn hóa ra làm giáo viên, tham gia phong trào “Diệt giặc dốt”!. Lúc bấy giờ, tôi vừa học đến lớp 5, rồi hăng hái tham gia nhận dạy lớp 1, lớp 2 cho con em học sinh trong xã. Lớp học được tổ chức trong nhà dân, hoặc đình, chùa. Bàn ghế của thầy và trò là những tấm ván của gia đình của nhân dân cho mượn, ghép lại kê thành ghế ngồi học. Chính quyền địa phương vận động nhân dân đóng góp công lao động và vật liệu để làm trường mới. Nói là trường nhưng chỉ là một cái trại đơn sơ, vách làm bằng nan tre, mái lợp tranh. Người dạy tự soạn bài (gọi là giáo án), vở soạn trên giấy đủ loại, mực hòa nước lạnh trong một cái lọ nhỏ. Ngoài việc dạy cho học sinh học, tôi cùng người bạn trong xã còn phụ trách dạy nhóm “Bình dân học vụ” ban đêm và cả buổi trưa cho cán bộ và người lớn tuổi, nhằm xóa 95% dân số không biết chữ  “... Ghé đầu lên tấm bảng chung/Phơ phơ tóc bạc bạn cùng tóc xanh/Này em, này chị, này anh/Sát vai mà học, rách lành sao đâu? (thơ Tố Hữu)”!.

Lịch sử đã ghi rõ: Sau khi giành được độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Hồ Chủ tịch nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và nhấn mạnh “Dốt là dại, dại thì hèn. Vì vậy, không chịu dại, không chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân ở một nước dân chủ”!. Lúc này, phong trào học tập của học sinh cũng như các lớp “Bình dân học vụ” rất say mê học chữ từ đồng bằng đến miền núi với mọi lứa tuổi; lực lượng trí thức tình nguyện tham gia dạy học cho nhân dân, công nhân học trong xưởng thợ, thương binh học ở trại an dưỡng, ngư dân học ngay trên thuyền chài, nông dân học trên cánh đồng, sân đình chùa, gốc đa, bến nước... Người dân ban ngày đi làm, ban đêm thắp đèn dầu, đốt đuốc đi kiếm cái chữ. Người dạy (Giáo viên) như tôi, dạy cho nhóm bình dân học vụ thuộc đủ các giới, đủ lứa tuổi; đặc biệt “Thầy” dạy không lương, không có bục giảng như ngày nay. Nói là Thầy nhưng không qua trường sư phạm; có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em! Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành thành câu thơ lục bát cho dễ nhớ, ví dụ: “I, tờ ( i, t) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có ngang/O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu”...

Thầy Khách nhớ lại “Khi mới giải phóng, sau năm 1975, tôi tiếp tục nhận dạy kèm cho một số cán bộ và người dân trong thôn. Đặc biệt, có một người theo đạo Tin Lành, tên là Lê Từ, khi đi giảng đạo thường ghé đến nhà nhờ tôi giải một số bài toán khó lớp 7, 8. Thời gian sau, ông Lê Từ lên chức Mục sư phụ trách Nhà thờ khu vực miền Trung, mỗi lần ông đến thăm tôi đều gọi tôi bằng thầy”!.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Trần Yến Khách là một công dân mẫu mực của địa phương, một người tận tụy với công việc ruộng đồng và tham gia phong trào Hợp tác xã Nông nghiệp. Đến nay, dù tuổi cao nhưng thầy Khách hàng tuần vẫn chăm chỉ đi sinh hoạt ở Hội NCT địa phương và tham gia hoạt động từ thiện, cứu trợ nhân đạo… Sau nhiều năm thầm lặng, ông Khách không nhớ mình đã truyền dạy văn, toán cho bao nhiêu người học, trong đó có cán bộ, nhân viên. Giờ đây, rất nhiều bức thư, những cuộc gọi điện đến thăm thầy, bày tỏ niềm cảm kích với thái độ “Tôn sư trọng đạo”. Không đứng trên bục giảng nhưng thầy Khách là người lái đò trên dòng sông tri thức. Ông được nhiều thế hệ học trò mến mộ và rất trân quí,người dân và Hội NCT ở địa phương nhận xét: “Ông Yến Khách là người thầy tuổi cao, là một người thân thiết của các hội viên cao tuổi cũng như các em học sinh”!.

Được biết, ông Trần Yến Khách được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích hoạt động cách mạng, được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen về thành tích thi đua yêu nước và đã nhận Kỷ niệm chương của Hội Người cao tuổi Việt Nam.