12/08/2019 13:25

Còn mãi niềm tin yêu

Khi còn đang công tác, anh Đỗ Văn Ân rất ít kể về mình. Năm 2017 khi vào tuổi 80, được sự động viên của bạn hữu và con cháu, vợ chồng anh ra tập sách "Yêu thương còn mãi" gần 300 trang cùng đứng tên Đỗ Văn Ân- Lục Thị Minh Tịch ghi lại những hồi ức, kỷ niệm, tình cảm bằng văn xuôi, văn vần mộc mạc, chân thành. Dù được gần anh nhiều năm cả khi đang công tác và khi được nghỉ hưu nhưng khi đọc tập sách mấy lần, tôi càng thêm hiểu về người anh rất kính yêu. Anh trưởng thành từ thanh niên xung phong, tham gia lãnh đạo đoàn Thanh niên, Thư ký Công đoàn tỉnh, 4 lần dự Đại hội Công đoàn Việt Nam, 4 lần được gặp Bác Hồ, làm Bí thư Huyện ủy Thanh Oai, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Sơn Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Sơn La 10 năm, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ 7 năm.

Vì hạnh phúc người dân

Khi làm Bí thư huyện ủy Thanh Oai, đời sống của dân xã Bình Minh rất khó khăn, gần 70 cán bộ xã bị kỷ luật, tình hình "nát như tương"...Anh và tổ công tác tập trung chỉ đạo trở thành Đơn vị Anh hùng. Năm 1986 anh được Trung ương cử lên công tác ở Sơn La - tỉnh khó khăn gần như nhất cả nước. Trong cuốn "Yêu thương còn mãi" anh  viết: "Tôi còn nhớ lúc đó nhiều phiên họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh phần lớn nội dung là bàn giải quyết lương thực cho dân: làm thế nào để khai hoang phát triển ruộng nước, đưa giống lúa xuân thay giống cũ năng suất thấp đồng thời vận động đồng bào thực hiện việc tách hộ, giãn bản làm trang trại sản xuất nông - lâm kết hợp, khắc phục tập quán du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy và thả rông gia súc". Những ngày gian khổ ấy, nhiều mái đầu của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhanh điểm sương. Nhiều sáng sớm tôi thấy mắt Bí thư Tỉnh ủy đỏ vì thiếu ngủ...

 

Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm tra máy mã thoại của ngành Cơ Yếu

(ông Đỗ Văn Ân ngồi ở giữa).  Ảnh: Tư liệu

 

Sau 10 năm chung sức, chung lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã chuyển biến vượt bậc. Điều rất phấn khởi và được khẳng định rõ nét là: Sơn La đã mở lối, tạo thế và lực phát triển có tính bền vững. Đây là bước ngoặt rất đáng tự hào. Nhớ lại chặng đường vượt khó đi lên ấy, anh Đỗ Văn Ân tâm sự: "Tuy chưa được như mong đợi nhưng đó là nền móng và tiền đề rất quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Sơn La tiếp tục tiến nhanh hơn trong chặng đường tiếp theo trên con đường đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương Sơn La".

Đẹp mãi trong lòng dân

Hồi còn làm Bí thư huyện ủy Thanh Oai, anh cùng đoàn cán bộ huyện về dự Đại hội ở xã Cao Dương nhưng xe hỏng, trời mưa to. Anh cùng một cán bộ mặc áo mưa, đội mũ lá đạp xe cho kịp dự khai mạc Đại hội. Anh em cán bộ xã tưởng là lái trâu, bò nên nói: "Hôm nay chúng tôi bận Đại hội, không ai bán trâu bò đâu ông ạ". Những năm ở Sơn La, khi dịch sốt rét hoành hoành ở vùng cao xã Mường Bám huyện Thuận Châu năm 1998 cướp đi nhiều mạng sống của bà con dân tộc Mông, anh không chỉ lãnh đạo dập dịch mà kiên quyết cùng các bác sĩ đi bộ đến tận nơi có dịch để nắm tình hình, chia sẻ nỗi đau với đồng bào. Rồi nhiều lần anh dẫn đầu các đoàn lỉnh kỉnh mang theo dầu, muối, hạt giống ...đi bộ dài ngày với hàng trăm cây số qua nhiều bản của các xã vùng cao, biên giới. Có đợt đi bộ từ trưa đến gần 2 giờ sáng lạc đường ở xã biên giới Chiềng Tương. Tưởng là toán phỉ, dân tìm cách lừa đến đồn biên phòng để cùng bắt... Rồi mọi người mới ngỡ ngàng nhận ra Bí thư Tỉnh ủy. Nhiều lần đi cơ sở Bí thư không báo trước địa điểm, tránh việc đón tiếp cồng kềnh, hình thức, ăn uống tốn kém, chướng mắt dân.

Cứ vậy, hình ảnh người Bí thư Tỉnh ủy mũ lá, chống gậy leo núi, lội suối, san sẻ chai dầu, gói muối và thức suốt đêm trò chuyện bằng tiếng của đồng bào  càng làm cho lòng tin của dân với cán bộ của Đảng thêm vững chắc.

Ông Thào Ngọc Lương nhân sĩ dân tộc Mông và ông Cầm Vĩnh Tri cán bộ lão thành dân tộc Thái nhận anh làm em nuôi vì các ông nghĩ rằng: Cán bộ của cụ Hồ ở miền xuôi lên rất gần gũi  đồng bào dân tộc, rất công bằng. Việc này đối với đồng bào dân tộc hệ trọng lắm, nó như một sự kiện thiêng liêng không bao giờ thay đổi, nó cũng xua đi việc phân biệt, chia rẽ giữa các dân tộc, dòng họ của chế độ cũ còn rơi rớt lại ở miền núi.

 

Bí thư Tỉnh ủy đi công tác vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu (năm 1987) - ông Đỗ Văn Ân

thứ hai từ bên phải sang. Ảnh: Tư liệu

 

Sáng mãi tấm gương tự học

Là đảng viên giữ nhiều trọng trách, không được đào tạo chính quy nhưng tấm gương tự học của anh làm tôi vô cùng xúc động. Anh tâm sự: "Có ai dạy mình là Bí thư Tỉnh ủy đâu, có trường nào đào tạo Bí thư đâu. Mình vừa làm, vừa học". Anh cho biết: "Những chuyến đi cơ sở lội suối, trèo dốc, đường xa cùng anh em, nhưng mình còn phải làm việc đặc biệt nữa là vừa đi, vừa phải học "Nội ngữ" do anh chị em trong đoàn dạy tiếng Mông, tiếng Thái; khi đến bản gặp dân mình có dịp thực hành kiến thức mới ngay". Khi về làm Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ anh càng lao vào tự học. Các buổi trưa anh ăn cơm văn phòng với anh chị em rồi về phòng đọc các sách, tài liệu tự học. Hàng đêm say sưa tự học, tranh thủ mọi nơi, mọi lúc để học. Người dạy anh không chỉ là các tướng lĩnh, các chuyên viên cao cấp được đào tạo rất kỹ ở Liên Xô đang công tác cơ yếu ở Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Biên phòng mà anh, chị em trong cơ quan luôn là người thầy, người cô.   

Vun trồng sự nghiệp trăm năm

Đêm Trung thu năm 1990 anh đến dự vui cùng các cháu Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Sơn La. Anh đến từng phòng ở, khu nhà ăn, nhà vệ sinh của các cháu và thầy, cô giáo. Anh nói để tôi đủ nghe: "Những hạt giống quý vùng Tây Bắc và cả nước đấy". Một lần Bí thư nhận được giấy mời của trường cấp 3 Tô Hiệu về tổng kết năm học, tiễn học sinh lớp 12 ra trường, anh nói với tôi: "Phải mời được Trưởng Ty Lao động cùng mình đến dự và hứa với các cháu sau khi học xong chuyên nghiệp sẽ bố trí việc làm tại tỉnh".

Trong giai đoạn này anh đã chỉ đạo phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở khóa đào tạo Cử nhân Chính trị tại chức đầu tiên của Sơn La cho đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh. Sau này có dịp thăm lại Sơn La, anh đã nói: "Điều thu hoạch sâu sắc nhất đối với tôi là: muốn đổi mới xã hội thành công thì trước hết phải quan tâm xây dựng lớp người có quyết tâm và năng lực đổi mới cuộc sống; đặc biệt phải rất chú trọng từ phong trào hành động đổi mới của cán bộ".

Thanh liêm giữ trọn cuộc đời

Đầu thời kỳ đổi mới đất nước và tỉnh Sơn La còn khó khăn lắm. Một hôm chị Tịch đi xếp hàng ở cửa hàng lương thực khi đến lượt thì hết gạo. Trưa ấy anh phải ra vườn bẻ mấy bắp ngô tự trồng về luộc để cả nhà cùng ăn. Chuyện ấy chỉ có cháu Thắng còn nhỏ kể ra mọi người mới biết. Xe Uoat chở anh đã cũ, Trung ương cấp tiền mua xe mới nhưng anh không muốn mua, khi mua rồi cũng không muốn đi. Nhà công vụ cấp bốn đã cũ từ lâu, anh không đồng ý xây mới mà chỉ sửa tạm, nhiều lần cùng chị và cháu mang chậu ra hứng mưa dột. Dịp tết năm 1990 lãnh đạo các công ty, xí nghiệp đến nhà chúc tết và để lại quà, phong bì. Đi  công tác ở xa về anh mới biết và nhờ anh em văn phòng cảm ơn, chuyển trả. Năm 1990 Quân khu II đồng ý chuyển mấy ha đất đẹp giữa lòng thị xã để tỉnh cấp cho cán bộ chưa có đất làm nhà. Dù đủ tiêu chuẩn nhưng anh kiên quyết không nhận.

Cuối năm 2018 anh tâm sự: "Lúc mới về Ban Cơ yếu Chính phủ mình gặp nhiều khó khăn không chỉ về chuyên môn mà còn phải vượt bao cám dỗ về quyền, chức, vật chất, như đi nước ngoài, xin đất đai... là món quà rất béo bở của nhiều người muốn nhờ cậy. Vì vậy trong Ban không có quan hệ kinh tế va chạm mua bán trao đổi nên mọi người sống nghĩa tình, đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ nhau như những người thân ruột thịt. Điều này là sự đồng cảm và thuận lợi lớn để mình và anh chị em hoàn thành nhiệm vụ. Mình xây nhà này phải vay mấy ngàn đô của đứa cháu đang lao động ở nước ngoài rồi trả dần. Bây giờ các con đang phấn đấu công tác, học hành, các cháu cũng đang tập trung vào học, tốn kém lắm, anh chị sẽ bán nhà để mua chung cư thôi".

Còn mãi niềm tin yêu

Được gặp Bác Hồ là niềm vui lớn nhất của mỗi người. Anh Đỗ văn Ân chia sẻ: "Tôi là người rất may mắn vì bốn lần được gặp Bác Hồ khi còn là công nhân và cán bộ tỉnh Sơn Tây và tỉnh Hà Tây... Thật phấn khởi và vô cùng xúc động mỗi lần được gặp Bác, được nghe Bác nói tôi thấy mình được trưởng thành thêm về nhiều mặt, có thêm niềm tin và nghị lực mới, đồng thời thấy rõ hơn trách nhiệm của người cán bộ đảng viên đối với nhân dân, với đất nước"

Tôi được biết, năm 1995 Tổng Bí thư Đỗ Mười giao nhiệm vụ mới, anh băn khoăn vì không có chuyên môn. Tổng Bí thư giải thích: "Công tác xây dựng Đảng cần phải đặc biệt chú trọng hơn trong Ban Cơ yếu Chính phủ như chú đã làm ở Sơn La, còn chuyên môn sẽ tích cực học dần". Trong 7 năm, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương tin giao.

Đầu xuân Kỷ Hợi 2019 tôi gặp lại anh khi việc xử lý tham nhũng rất mạnh, cả về hành chính, pháp luật, cả về Điều lệ Đảng, anh phấn khởi tâm sự: "Đảng ta làm tốt lắm, cứ bóc từng lớp một rất bài bản, rất kiên quyết, bao quan to cấp Trung ương, cấp địa phương lần lượt ra hầu tòa, chống tham nhũng đã thành xu thế không thể đảo ngược, niềm tin của dân đang được lấy lại rất nhanh, rất rõ rệt, dân rất phấn khởi và cùng vào cuộc với Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước". Nhìn các cháu của anh đi học về lòng tôi tràn niềm vui. Cháu trai nội của anh đang học rất giỏi đại học chuyên ngành khoa học vũ trụ do Việt - Pháp hợp tác học tại Hà Nội. Bầu trời đang rộng mở cho các cháu gia đình anh cùng bao gia đình khác của đất nước bay cao, bay xa....