21/06/2024 14:05

Trung ương Hội NCT Việt Nam góp ý Luật Việc làm (sửa đổi, bổ sung)

Ngày 20/6, Trung ương Hội NCT Việt Nam phối hợp với Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo khoa học góp ý vào Luật Việc làm (bổ sung, sửa đổi). TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam; TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm chủ trì Hội thảo. Tham dự có các nhà khoa học, nhà quản lí; lãnh đạo các Ban, Văn phòng, Viện Nghiên cứu NCT thuộc Trung ương Hội NCT Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH...


Quang cảnh Hội thảo

Trong bài khai mạc Hội thảo, TS Phan Văn Hùng nhấn mạnh: Nước ta có trên 16 triệu NCT, trong đó hơn 60% NCT từ 60 đến 69 tuổi, 2/3 số NCT không có lương hưu vẫn phải lao động kiếm sống. Những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về NCT và việc làm cho NCT. Nhờ đó, nhiều NCT có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện. Tuy nhiên, NCT còn bị phân biệt định kiến về tuổi tác, chưa được dạy nghề, chuyển đổi nghề, chưa được vay vốn. Các chính sách hiện chưa đồng bộ khiến NCT khó tiếp cận việc làm, thu nhập còn thấp, rủi ro về pháp lí còn cao. Vấn đề việc làm cho NCT ngày càng trở nên cần thiết, cấp bách trong giai đoạn già hóa dân số đang tăng nhanh hiện nay. Việc sửa đổi Luật Việc làm là cơ hội tốt để giải quyết các vấn đề về việc làm, thu nhập của NCT…


Quang cảnh Hội thảo

TS Vũ Trọng Bình cho biết: Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh các quan hệ về việc làm, thị trường lao động. Theo đó Luật Việc làm được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kì họp thứ 6 ngày 16/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Ngày 7/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889 giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH ban hành văn bản gửi lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương và đăng tải Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Ngày 12/6/2024, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định Hồ sơ Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Sau đó tổng hợp trình Chính phủ; tháng 8 đến 9/2024 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm định và tháng 10 trình Quốc hội xem xét thông qua.


Phó Chủ tịch Phan Văn Hùng khai mạc Hội thảo

Cũng theo TS Vũ Trọng Bình, chính sách việc làm cho NCT là chính sách kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước, việc cân đối nguồn nhân lực, phát huy lao động NCT ở tầm vĩ mô nhằm ứng phó già hóa dân số và dân số già trong tương lai. Đề nghị Hội NCT Việt Nam cần nghiên cứu, đánh giá kĩ lưỡng, để có những kiến nghị, đề xuất, tham gia ý kiến xác thực, khả thi vào Dự thảo Luật.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất đánh giá Luật Việc làm năm 2013 ra đời đã hơn 10 năm, một số quy định đến nay không còn phù hợp, chưa thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành; chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội: cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin, già hóa dân số; một số quy định chưa đảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) trên cơ sở các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; các Nghị quyết số 18, 19 và 27-NQ/TW của Trung ương Đảng và các Chỉ thị của Ban Bí thư.


TS Vũ Trọng Bình phát biểu tại Hội TS Vũ Trọng Bình phát biểu tại Hội

Các đại biểu cũng đề xuất Luật cần quan tâm vấn đề an ninh thu nhập cho NCT; quan tâm các đối tượng là NCT trong tương lai (lứa tuổi 40, 50…) đến các đối tượng người yếu thế, NCT, quy định chính sách hỗ trợ, việc làm, đào tạo nghề, vay vốn đối với lao động là NCT; hỗ trợ người sử dụng lao động cao tuổi, tạo điều kiện để NCT tham gia thị trường lao động một cách minh bạch, phù hợp tâm sinh lí, điều kiện của NCT.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) là bảo đảm quyền làm việc theo quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời kế thừa, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các chính sách, tạo thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ. Tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước và phù hợp với các cam kết, tiêu chuẩn về lao động, việc làm.


Đại biểu Bộ LĐ-TB&XH phát biểu

Dự thảo 3 Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 8 chương và 133 điều (Luật Việc làm 2013 gồm 7 chương và 62 điều). Trong đó, một số sửa đổi, bổ sung lớn trong dự thảo bao gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; bổ sung quy định bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về khái niệm, chức năng của hệ thống thông tin thị trường lao động; sửa đổi, bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động… Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Sửa đổi các chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kĩ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng dễ tiếp cận chính sách; mở rộng phạm vi hỗ trợ và bổ sung nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật; bổ sung quy định về hỗ trợ chuyển tiếp và giải quyết việc làm cho NCT và các quy định hỗ trợ đối tượng yếu thế, khó khăn khi tham gia thị trường lao động.

Dự thảo 3 Luật Việc làm (sửa đổi) đã có điều luật riêng và một số nội dung liên quan đến NCT. Về hỗ trợ giải quyết việc làm cho NCT, Điều 30 quy định: “Người lao động là NCT còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc được Nhà nước hỗ trợ: 1. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kĩ năng nghề; 2. Đánh giá, cấp chứng chỉ kĩ năng nghề quốc gia; 3. Tư vấn việc làm; tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đào tạo nghề qua Trung tâm dịch vụ việc làm; 4. Giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động qua Trung tâm dịch vụ việc làm; 5. Cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định tại Mục 2 Chương này”.

Tại Điều 23 quy định về điều kiện và đối tượng tham gia chính sách việc làm công bao gồm: 1. Người lao động được tham gia chính sách việc làm công khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án, hoạt động; b) Tự nguyện tham gia chính sách việc làm công. 2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ có đất thu hồi; NCT; người khuyết tật; người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động là cha, mẹ hoặc người giám hộ của người khuyết tật bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người thất nghiệp được ưu tiên tham gia chính sách việc làm công.

Thanh Hà