Chiều 24/7, TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung ương Hội chủ trì Hội thảo lấy ý kiến xây dựng bổ sung mục chính sách hỗ trợ việc làm cho NCT trong Luật Việc làm (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có các Trưởng ban, Phó Trưởng ban; Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng; Trưởng, Phó trưởng các đơn vị trực thuộc và cán bộ, chuyên viên; lãnh đạo, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam.
TS Phan Văn Hùng chủ trì Hội thảo
TS Phan Văn Hùng chủ trì Hội thảo, cho biết: Quá trình già hóa dân số ở nước ta hiện nay diễn ra rất nhanh, đang đặt ra những vẫn đề cấp bách về kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là việc xây dựng những cơ chế chính sách và hành lang pháp lí về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò, khả năng và nguồn lực của NCT trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan chủ trì xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đưa nội dung hỗ trợ giải quyết việc làm cho NCT thể hiện bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc chăm sóc, phát huy vai trò của NCT trong công cuộc xây dựng đất nước. Dự thảo Luật đã đưa quy định về hỗ trợ giải quyết việc làm cho NCT và một số nội dung liên quan đến NCT.
TS Đinh Hữu Phí phát biểu
Tại Hội thảo khoa học góp ý Luật Việc làm (sửa đổi) do Hội đồng Khoa học Hội NCT Việt Nam tổ chức ngày 20/6/2024, các đại biểu đã nhất trí cần phải xây dựng mục riêng về chính sách hỗ trợ việc làm cho NCT, bao gồm một số điều khoản cụ thể, quy định các nội dung liên quan đến giải quyết việc làm cho NCT, bảo đảm thống nhất đồng bộ với các luật khác, nhất là Luật NCT, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội...
Phó Chủ tịch Phan Văn Hùng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, góp ý tại chỗ và sau Hội thảo tiếp tục nghiên cứu, tham gia vào Dự thảo sửa đổi; Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tổng hợp, chỉnh sửa bảo đảm yêu cầu đủ, gọn, rõ nội dung và mang tính thuyết phục cao.
Quang cảnh Hội thảo
TS Đinh Hữu Phí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam chia sẻ: Trên cơ sở nội dung về chính sách việc làm nêu trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), việc xây dựng một mục riêng bao gồm các điều khoản cụ thể nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho NCT là rất cần thiết. Trong quá trình già hóa dân số, số lượng NCT ngày càng tăng; lao động, việc làm đối với NCT vừa là nhu cầu, đồng thời cũng phù hợp với khả năng của NCT trong đó có rất nhiều người còn sức lao động, có kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn. Do đặc thù ở Việt Nam, đa số NCT không có lương hưu, thu nhập thấp hoặc không có thu nhập thường xuyên. Do đó lao động việc làm trở nên cần thiết để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Việc có chính sách phù hợp, khả thi tạo việc làm cho NCT sẽ giảm gánh nặng cho Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện chính sách an sinh và phúc lợi xã hội.
Việc xây dựng những quy định khả thi thiết thực trong chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho NCT một mặt tạo điều kiện chăm lo cho NCT có điều kiện sống tốt hơn; mặt khác chính là huy động, sử dụng khả năng rất lớn về mọi mặt (sức khỏe, kinh nghiệm, trình độ, chuyện môn...) của NCT trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương Hội, trên cơ sở tổng hợp những ý kiến phát biểu tại Hội thảo Khoa học góp ý về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam đã dự thảo Mục Chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho NCT.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng: Trong bối cảnh tuổi thọ tăng lên, dẫn đến nhu cầu lao động, việc làm của NCT cũng tăng lên. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của NCT có trình độ cao, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo các đại biểu, cần bổ sung dữ liệu về NCT, coi NCT là nguồn lực quý cho sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam và toàn thế giới. Cần tuyên truyền làm thay đổi tư duy, nhận thức về lực lượng lao động cao tuổi; rà soát các chính sách về NCT phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành và xu hướng phát triển trên thế giới. Đưa ra căn cứ khoa học và thực tiễn đủ sức thuyết phục về sự cần thiết đưa nội dung việc làm cho NCT vào Luật Việc làm (sửa đổi). Đồng thời có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động ở khu vực kinh tế tư nhân tiếp nhận, tạo việc làm cho lao động cao tuổi.a
Thanh Hà