29/10/2015 02:16

Góp ý với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Công tác bồi dưỡng cán bộ phải thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân)

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vấn đề con người nói chung và cán bộ nói riêng. Trong suốt cuộc đời hoạt động, Bác đều quan tâm đến vấn đề quan trọng này. Điều đó được thể hiện rất rõ trong bản Di chúc thiêng liêng mà Bác để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Là một Đảng cầm quyền nên Bác luôn quan tâm đến tính tiền phong của đảng viên và theo đó, cán bộ, đảng viên phải là những con người toàn diện cả đức và tài, “vừa hồng, vừa chuyên”. Bác luôn nhấn mạnh đến sự tận tụy, hy sinh vì Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên theo tinh thần: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Bác cũng từng nói: “Đảng sẽ không giữ vững được địa vị lãnh đạo nếu quyền lực bị tha hóa, cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, dẫn tới lộng quyền, lạm quyền, tham quyền… đánh mất niềm tin của Nhân dân, xa rời đạo đức cách mạng”. Trong Di chúc, Bác đã viết: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” nhằm làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Vì vậy, trong mọi phong trào, mọi nhiệm vụ, đảng viên đều phải tiên phong, gương mẫu làm trước để quần chúng noi theo. Sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò rất to lớn để biến đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực. Bác cũng nhấn mạnh: Người đảng viên dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở đều phải gương mẫu... Bên cạnh đó, muốn lãnh đạo được quần chúng Nhân dân thì đảng viên phải sâu sát, gần gũi quần chúng, chăm lo giúp đỡ quần chúng về mọi mặt; phải sâu sát, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của Nhân dân, phấn đấu sao cho “dân phục, dân tin, dân yêu”,…

Những quan điểm, tư tưởng của Bác hiện tại và mãi mãi còn có giá trị sâu sắc trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Do vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt vai trò của Đảng cầm quyền theo lời dạy của Bác là vấn đề có ý nghĩa to lớn, lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Đảng và tương lai của dân tộc. Học Bác thì cần phải thật sự quan tâm đến nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ để phục vụ đất nước hiện tại và lâu dài. Tuy nhiên, theo tổng hợp của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, tính đến ngày 28/9, kết quả bầu cử Đại hội của 16 Tỉnh Đảng bộ trực thuộc Trung ương thì đa số đều không đảm bảo yêu cầu về cơ cấu độ tuổi trẻ, chỉ duy nhất có tỉnh Lào Cai đạt tỉ lệ trẻ là 10%, còn đa số các tỉnh không đạt như Thái Bình 1,85%, Hòa Bình 3,70%? Như vậy, việc quy hoạch, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ trẻ chưa được như mục tiêu, yêu cầu đề ra là vấn đề cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tìm nguyên nhân chủ yếu. Không ai khác ngoài thế hệ trẻ là người sẽ gánh vác sự nghiệp của đất nước, của dân tộc. Vì thế, đề nghị BCH Trung ương Đảng và các cấp ủy Đảng:

Một là, phải thực sự đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ; phải hết sức quan tâm, có kế hoạch lâu dài cho việc tuyển chọn, đào tạo cán bộ, nhất là nguồn nhân lực trẻ, không thể để sắp đến Đại hội mới vội vàng đốt đuốc “đi soi” để tìm nguồn. Việc quy hoạch, bồi dưỡng phải chuẩn bị trước ít nhất là hai nhiệm kỳ nhưng phải có quy hoạch thật sự, tuyệt đối tránh hình thức. Trong quá trình bồi dưỡng có thể có những người sẽ không đáp ứng vì không đủ tiêu chuẩn do phẩm chất đạo đức giảm sút, bộc lộ năng lực yếu kém. Đó cũng là chuyện bình thường.

Hai là, cần có thái độ nhìn nhận khách quan, công bằng, nhất là không nên khắt khe với lớp trẻ trong trọng dụng nhân tài của những người đứng đầu các cấp để phát huy sở trường, năng lực của từng người, còn nhân tài chắc không thiếu. Bằng chứng là báo chí đã nhiều lần đưa tin về “chảy máu chất xám” ra nước ngoài và có nhiều người được trọng dụng và ở ngay trong nước, các công ty liên doanh hoặc tư nhân biết sử dụng đúng người nên họ hăng say, tự giác cống hiến. Cán bộ trẻ ngày nay được học tập với điều kiện tốt hơn rất nhiều so với trước đây nên nhiều người có trình độ không thua kém trình độ của các nước nhưng họ cần sự công khai cơ chế thi tuyển, đánh giá, đề bạt.

Ba là, một trong những yêu cầu lựa chọn cán bộ là người lãnh đạo phải hết sức vô tư để bồi dưỡng, không để chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm chen vào. Dư luận thường hay nói đến “con cháu các cụ”, “con ông cháu cha” hoặc “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”,… nhưng nếu là con cháu của những người lãnh đạo thực sự có cái “gen” tài đức song toàn thì càng tốt, không nên có định kiến vì cán bộ đó là con, cháu lãnh đạo để có thể làm mất đi nhân tài. Trái lại, những người lãnh đạo có con cháu “tài hèn, đức mọn” thì cũng đừng cố ấn vào vị trí lãnh đạo để ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, chính quyền và của chính người lãnh đạo đó khi con cháu mình không đảm nhiệm nổi công việc được giao. Muốn thế, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch; không được dùng thủ đoạn, cậy quyền thế để bất chấp dư luận. Theo đó, người lãnh đạo phải có tâm trong sáng để thực sự công tâm vì lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Bốn là, một mặt tiếp tục làm thật quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua việc minh bạch, kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; mặt khác cần chú trọng đến công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có sự liên quan đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nếu công tác quản lý, đánh giá, nhận xét chặt chẽ, chính xác để kịp thời phát hiện sự suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên sẽ góp phần làm cơ sở để quy hoạch, bổ nhiệm vào những chức danh quan trọng, vị trí chủ chốt.

Năm là, xây dựng sự đoàn kết thực sự trong Đảng để thực hiện trách nhiệm là hạt nhân lãnh đạo. Bác đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” và Đảng ta luôn mong muốn tăng cường đoàn kết toàn dân thì trước hết trong Đảng phải đoàn kết để làm gương cho Nhân dân và không bị kẻ xấu lợi dụng. Không thể để tình trạng kêu gọi đoàn kết nhưng có một bộ phận không đoàn kết làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng. Cho nên, Đảng ta phải kiên quyết lãnh đạo và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên “nói không đi đôi với làm”, kéo bè, kéo cánh làm những việc sai trái, vi phạm Điều lệ Đảng.

Đất nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc xây dựng nước ta theo hướng CNH, HĐH và thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng hiện tại và lâu dài là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết để không phụ lòng mong đợi, tin cậy của Nhân dân.