(ĐHXII) - Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng (Mục XII – PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC) đã đề cập về Người cao tuổi... Nghiên cứu về phần này, tôi nhận thấy:
Đề cập về Người cao tuổi tại Đại hội XII giống như đề cập về Người cao tuổi của Đại hội XI, có thêm 12 chữ “vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Có thể có người cho là, Đại hội XI đề ra đúng và trúng rồi, nhưng thực hiện chưa đáp ứng, thì đến Đại hội XII đề cập lại và thực hiện tiếp.
Như vậy, chưa có đổi mới gì đối với người cao tuổi. Trong khi nhiều người cao tuổi mong đợi ở Đại hội XII của Đảng, nhất là sau khi có Hiến pháp năm 2013…
Xuất phát từ thực tiễn đặt ra, Luật Người cao tuổi năm 2009, nhất là khoản 3 Điều 37 của Hiến pháp năm 2013, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung phần về Người cao tuổi trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng như sau:
Đảng, Nhà nước, gia đình, xã hội tôn trọng, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Tạo điều kiện để người cao tuổi, ở cả các vùng dân tộc, biên giới, biển đảo phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, sức lực, sống khỏe, sống vui, hạnh phúc, có ích cho gia đình và xã hội. Đổi mới xây dựng Hội vững mạnh, làm nòng cốt việc chăm sóc, phát huy, thi đua “tuổi cao, gương sáng”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cách thể hiện – diễn đạt như trên khái quát hơn, đầy đủ hơn, không trùng lắp. Việc tiếp tục xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau” là cần thiết, nhưng đề nghị đưa lên Mục VII – Phát triển văn hóa, xây dựng con người; gắn việc này với “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam”, vì đây là việc của cả xã hội, người cao tuổi chỉ góp phần thôi, trong sống có ích cho gia đình đã bao hàm rồi.
Được ghi nhận như vậy mới khẳng định được vị trí, vai trò của người cao tuổi; mới nâng cao được nhận thức và thống nhất hành động, khắc phục được những biểu hiện không tôn trọng; mới đáp ứng được mong đợi của đại đa số người cao tuổi nước ta./.