Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX:

Phong trào thi đua là động lực to lớn, góp phần đưa đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại

Sáng 7/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội là sự kiện quan trọng trong đời sống xã hội của Nhân dân cả nước.

 

          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội (Ảnh: Chính phủ.vn)

Tham gia Đoàn Chủ tịch của Đại hội có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan TW, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kì đổi mới...cùng hơn 1.800 đại biểu chính thức của Đại hội, những tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất anh hùng, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền đất nước, hăng say rèn luyện, miệt mài nghiên cứu khoa học, công tác, học tập, lao động sản xuất góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp nối truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam. 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương nêu rõ: “Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2010-2015 đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc CNH, HĐH đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình, ổn định để hội nhập, phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm qua, đồng thời nhấn mạnh: Các phong trào thi đua đã gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên đạt hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn là động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện được những yêu cầu nhiệm vụ đó, cần tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy: "Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua". Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lí. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua.

Các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua; bảo đảm hài hòa ba lợi ích: Lợi ích của người lao động; lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội. Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua cần chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân, lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực.

Báo cáo do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương tổng kết kết quả đạt được trong 5 năm qua: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước, chủ đề xuyên suốt là “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015”, các phong trào thi đua trên cả nước đã phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...nòng cốt là phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước đối với những người trực tiếp lao động sản xuất chiếm hơn 15%; ở các bộ, ban, ngành Trung ương tỉ lệ này là  hơn 50%. Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, Đảng, Nhà nước tặng thưởng 17 Huân chương Sao vàng, 85 Huân chương Hồ Chí Minh, 3.080 Huân chương Độc lập, 377 Huân chương Quân công, 31.119 Huân chương Lao động, 169 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 2.187 Huân, Huy chương hữu nghị, 124 Anh hùng Lao động, 81 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (thời kì đổi mới), 194 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 215 Giải thưởng Nhà nước, 4.888 danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú), cùng nhiều Huân, Huy chương tặng các cá nhân đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Đến nay, có hơn 60.000 Bà mẹ phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Tuy nhiên, phong trào thi đua thời gian qua còn có những hạn chế, đó là phong trào chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức. Chất lượng công tác khen thưởng chưa đạt yêu cầu, cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu, chưa nêu gương và lan tỏa. Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác…; khen thưởng thông qua việc phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. 

Đoàn đại biểu Hội NCT Việt Nam dự Đại hội (từ trái sang): Bà Hoàng Thị Việt Phương, Tiến sĩ Đàm Hữu Đắc, ông Lê Văn Kiện, ông Trần Văn Thơ  (Ảnh: Mai Phương/Báo NCT)

Tại Đại hội, các đại biểu nghe 30 báo cáo điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, những tập thể, cá nhân luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tích cực lao động sản xuất, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Yêu nước là phải thi đua”... Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam là khách mời của Đại hội. Tham dự Đại hội, đoàn đại biểu Hội NCT Việt Nam có 4 đại biểu, đó là: Tiến sĩ Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực TW Hội NCT Việt Nam, bà Hoàng Thị Việt Phương, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội, Trưởng Ban tổ chức – Kiểm tra TW Hội NCT Việt Nam; ông Lê Văn Kiện, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội, Trưởng BĐD Hội NCT Thành phố Đà Nẵng; ông Nguyễn Anh Thơ, hội viên Hội NCT tỉnh Nam Định, Giám đốc doanh nghiệp cơ khí Anh Thơ (xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường), điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu chính đáng và giúp đỡ hội viên thoát nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát động với các chỉ tiêu, mục tiêu cơ bản là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn dân và sự quan tâm của toàn xã hội; tiếp tục tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân. Tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; làm tốt công tác biểu dương, tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước...

Phát biểu bế mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát động phong trào thi đua trong cả nước với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.