01/03/2023 14:52

Tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi và vấn đề già hoá dân số nhanh ở Việt Nam

Kì cuối: Chính sách, pháp luật về NCT trong bối cảnh già hóa dân số

Chính sách, pháp luật về NCT

Quan tâm đến NCT là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.

Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kì đều nhấn mạnh đến việc thực hiện các chính sách xã hội đối với NCT, quan tâm thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân và các nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có nhóm NCT. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh, “Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số”, “phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT”, “Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT”. Phát biểu tại cuộc gặp đại biểu NCT tiêu biểu ngày 13/1/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong tình hình mới hiện nay, quá trình giá hóa dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, cùng với tuổi thọ bình quân ngày càng cao; lực lượng NCT ngày càng nhiều hơn, đông hơn; đó là phúc lớn cho Dân tộc”.

Hiến pháp 2013, tại Điều 37: “NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Luật NCT năm 2009 tạo hành lang pháp lí chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTG về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam đến năm 2030. Ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 (QĐ số 1579) với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Nhìn một cách tổng thể cho thấy sự quan tâm, đề cao phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của NCT một cách tối ưu thể hiện tính nhân văn của Nhà nước Việt Nam đối với NCT, đặc biệt khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong chăm sóc và phụng dưỡng NCT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và các nguồn lực hiện nay của Việt Nam.

Tuy nhiên, với dự báo về tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam trong nhóm nước nhanh nhất thế giới thì việc xây dựng chính sách thích ứng với già hóa dân số cần được tính toán kĩ và phù hợp bối cảnh kinh tế- xã hội và phát triển các nguồn lực.

Khuyến nghị chính sách xã hội cho NCT

Thứ nhất, cần rà soát tổng thể các chính sách xã hội về NCT hiện nay và tập trung vào các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, việc làm và tham gia các hoạt động xã hội để đánh giá một cách tổng thể những điểm mạnh, điểm yếu và khoảng trống của chính sách, để từ đó từng bước xây dựng một hệ thống chính sách xã hội bao trùm đối với nhóm NCT từ chăm sóc y tế, bảo trợ xã hội, việc làm phù hợp và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Bởi lẽ thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc NCT, khai thác các tiềm năng, thế mạnh từ nguồn lực của NCT một cách tối ưu sẽ góp phần giải quyết những “khủng hoảng” của dân số già mà các nước đã và đang trải qua. Với một quốc gia đang trong quá trình vượt lên “bẫy thu nhập trung bình” thì việc vừa khai thác lợi thế dân số vàng vừa xây dựng chính sách thu hút NCT vào thị trường lao động là một chiến lựơc mang tính dài hơi và hiệu quả.

Thứ hai, phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc NCT đa dạng, phù hợp với các nhóm NCT theo giới, nơi ở, thu nhập và các nhóm tuổi. Giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội đối với NCT trong tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng. Hệ thống khoa Lão khoa ở các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện cần có chiến lược dài hạn và đầu tư nguồn lực. Cải thiện cơ hội tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc y tế có khả năng chi trả và thân thiện đáp ứng đa dạng các nhóm NCT. Ngoài hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước cho NCT, cần đặc biệt chú ý các mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng, các mô hình dưỡng lão, hệ sinh thái chăm sóc NCT; thành lập các quỹ trợ giúp NCT lúc gặp khó khăn để kịp thời động viên vật chất và tinh thần cho NCT khi gặp các cú sốc hay những rủi ro trong cuộc sống. Phát huy vai trò Hội NCT ở các cấp, các ngành. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về NCT trong đó chú trọng các yếu tố như: Dân tộc, giới tính, nơi ở, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe, việc làm,... để thực hiện việc quản lí và chăm sóc NCT một cách hệ thống và toàn diện hơn.

Thứ ba, một trong những mối quan tâm hàng đầu của NCT là bảo đảm thu nhập. Vì vậy, để giúp NCT tăng thu nhập từ việc làm thì việc tăng cường hơn nữa khả năng tham gia thị trường lao động của NCT, thích ứng với bối cảnh già hóa dân số và suy giảm nguồn cung lao động thì ở cấp độ quốc gia, gia đình và cá nhân cần có những giải pháp và lộ trình phù hợp hướng đến tạo việc làm phù hợp và xây dựng các mô hình khởi nghiệp cho NCT.

Thứ tư, trong xu hướng nữ hóa NCT, thì việc quan tâm đến chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhóm nữ cần tính đến những yếu tố đặc thù theo giới. Chính sách cần bảo đảm sự bao trùm và tính đến sự đa dạng về các chiều: Giới tính, độ tuổi, dân tộc, giáo dục, thu nhập và sức khỏe. Sàn an sinh xã hội cần phải được thực hiện bảo đảm cho nhóm nữ được tiếp cận các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu cho NCT, trong đó chú ý tính đặc thù của giới tính nữ. Đặc biệt, trong nhóm NCT có nhóm dễ tổn thương nhất như nhóm già nhất, không biết chữ, sống vùng sâu, vùng xa, người đồng bào dân tộc cần có những chương trình và mô hình can thiệp dành riêng cho nhóm này.

Từ thực tế về già hóa dân số nước ta thời gian qua, đòi hỏi sửa Luật NCT theo quan điểm, tư tưởng NCT là lực lượng chính trị quan trọng, bảo đảm quyền và nghĩa vụ để NCT được hưởng tuổi già trong tôn trọng và an sinh xã hội.

TS. Đoàn Hữu Bẩy

Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng TW Hội NCT Việt Nam