05/06/2019 15:44

Việt Nam tích cực đóng góp cùng Liên Hợp quốc xây dựng Công ước Quốc tế về quyền của NCT

Nhằm đạt được các mục tiêu trong Tuyên bố Chính trị và Chương trình Hành động Quốc tế về NCT của Hội nghị Thế giới lần thứ hai về NCT tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha (tháng 4/2002)và trước yêu cầu của các tổ chức về NCT trên thế giới và nhiều quốc gia, năm 2010, Liên Hợp quốc (LHQ) đã thành lập Nhóm công tác về NCT (OEWG) có nhiệm vụ xúc tiến việc xem xét các văn bản pháp luật liên quan tới NCT và tiến tới xây dựng Công ước Quốc tế về quyền của NCT. Tháng 8/2015, được sự tài trợ của Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HelpAge International - HAI), lần đầu tiên, đại diện Hội NCT Việt Nam cùng với đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam, đã tham gia kì họp Nhóm công tác về NCT lần thứ 6 của LHQ. Từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam, thông qua Bộ Ngoại giao, trực tiếp là Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đã tích cực tham dự và có bài phát biểu tại các diễn đàn của Nhóm công tác về NCT thảo luận nhiều chủ đề liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của NCT trên thế giới.

 

Phiên họp lần thứ 10 Nhóm công tác về NCT của LHQ

tại New York tháng 4/2019 (Ảnh LHQ)

 

Từ ngày 15-18/4/2019, Kì họp lần thứ 10 nhóm công tác về NCT của LHQ đã diễn ra tại trụ sở LHQ tại New York. Chủ đề thảo luận năm nay tập trung vào 2 nội dung chính “Giáo dục, xây dựng năng lực và học tập suốt đời”, “An sinh xã hội và bảo trợ xã hội”. Mặc dù hệ thống pháp luật của hầu hết các nước đều ghi nhận quyền học tập và quyền an sinh xã hội, thực tế cho thấy thiếu qui định cụ thể dành riêng cho nhóm NCT cả trong các khung pháp lí và chính sách, điều này ảnh hưởng tới việc thụ hưởng quyền của NCT. Về giáo dục, các tham luận khẳng định lợi ích to lớn mà giáo dục mang lại cho NCT như giảm bớt nguy cơ rối loạn tâm thần, ngăn ngừa tình trạng giảm sút sức khỏe tinh thần và thể chất, đồng thời giúp tăng cường kết nối xã hội; khẳng định vai trò, tự tin, độc lập và tự chủ của NCT. Nhiều nước triển khai các chương trình học tập tại cộng đồng thông qua các trung tâm và CLB của NCT như các khóa học sử dụng máy vi tính, internet và kĩ thuật số, trong đó có mô hình “Đại học ở độ tuổi thứ ba”… Về an sinh xã hội, nhiều nước trong Liên minh châu Âu công nhận tính phổ cập của hệ thống an sinh xã hội, song thực tế vẫn tồn tại phân biệt đối xử, như do không đủ số năm cống hiến, khoảng cách lương hưu theo giới, thực trạng phi tập trung hóa trong quản lí chăm sóc sức khỏe dẫn tới các qui định, tiêu chuẩn, chất lượng không đồng đều tại các khu vực khác nhau trong cùng một quốc gia; nhiều NCT không mua được các loại thuốc kê toa do chi phí cao, chưa được bao gồm trong BHYT. Đối với những người làm công việc không chính thức không thuộc diện hưởng an sinh xã hội, vẫn còn nhiều nước chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này.

Tại phiên thảo luận chung, đại diện các nước tham dự tiếp tục nhấn mạnh tình trạng già hóa diễn ra nhanh chóng đã trở thành vấn đề toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực ở cả cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong việc bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của NCT. Nhiều phát biểu đề cao cách tiếp cận từ cộng đồng và giới thiệu nhiều mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng như Singapore thành lập Mạng lưới cộng đồng cho NCT, Cộng đồng hỗ trợ những người suy giảm trí nhớ; Hungary trao giải thưởng Thành phố thân thiện với NCT, mở các quán café cho người suy giảm trí nhớ (Alzheimer Café). Hầu hết các phát biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính phủ, khu vực tư nhân. Đặc biệt Thái Lan, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2019, thông báo đang phối hợp với các nước thành viên và các đối tác liên quan thành lập Trung tâm Già hóa năng động và Sáng tạo trong năm 2019. Liên quan đến phát huy vai trò và đóng góp của NCT, một số phát biểu đề cập đến việc nâng tuổi nghỉ hưu, song cũng lưu ý cả mặt ưu và khuyết. Như ở Anh, từ 2019, tuổi nghỉ hưu tăng lên 66 cho cả nam và nữ; đây là cơ hội tốt cho những người có sức khỏe tốt, song những người sức khỏe kém, bị buộc thôi việc sớm, sẽ gặp nhiều khó khăn. Về các thách thức đặt ra đối với NCT, ngoài các vấn đề cố hữu như định kiến tuổi tác, phân biệt đối xử, lạm dụng, bỏ rơi, bạo hành, một số phát biểu nhấn mạnh yếu tố khoa học công nghệ, nêu bật sự cần thiết ứng dụng KHCN phục vụ NCT; đồng thời tạo điều kiện cho NCT tiếp cận và bắt kịp các tiến bộ KHCN nhằm tăng kết nối thế hệ, giảm thiểu tình trạng NCT bị cô đơn, tách biệt khỏi xã hội.

Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đã có bài phát biểu tại khóa họp, nêu rõ các thách thức của tình trạng già hóa dân số trên thế giới, trong đó có Việt Nam; giới thiệuchủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Việt Nam đối với NCT và một số sáng kiến ứng phó với tình trạng già hóa; nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và an sinh xã hội trong đảm bảo bình đẳng và nâng cao vai trò của NCT; đồng thời khẳng định Kì họp thứ 10 Nhóm công tác về NCT của LHQ năm nay là rất quan trọng để các nước tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm thực tế hiệu quả ứng phó với thách thức của già hóa dân số. Việt Nam ủng hộ LHQ xây dựng Công ước Quốc tế, làmcông cụpháp lí quan trọng để bảo vệ các quyền của NCT và mong muốn chính phủ các nước tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn tại các diễn đàn quốc gia, khu vựcvà quốc tế để Công ước Quốc tế về Quyền của NCT của LHQ sớm được hoàn thiện và thông qua.

 

                                                                                                            Ngô Thị Mến

                                                            Ủy viên BTV, Trưởng ban Đối ngoại TƯ Hội NCT Việt Nam