Ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo thông tin về tình hình thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 được Việt Nam chấp thuận. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại diện Liên Hợp quốc cùng các tổ chức chính trị, xã hội của Việt Nam.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hợp quốc,
Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam khai mạc Hội thảo
Hội thảo lần này nhằm thông báo rộng rãi cho mọi cá nhân, tổ chức quan tâm về kết quả thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 mà Việt Nam chấp thuận, đồng thời trao đổi về những trọng tâm, lĩnh vực cần ưu tiên thúc đẩy hơn nữa trong việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát hướng đến chu kỳ 3, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2019.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: Là một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 mà Việt Nam chấp thuận với sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các bộ, ngành liên quan trên cơ sở tiếp thu thông tin, ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân quan tâm. Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là một tiến trình rà soát định kỳ việc thực hiện nhân quyền của tất cả các nước thành viên Liên Hợp quốc dựa trên đối thoại giữa các quốc gia thành viên.
Đánh giá cao sự phối hợp của Việt Nam với những cơ quan thực hiện cơ chế nhân quyền Liên Hợp quốc trong việc triển khai Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hợp quốc, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, tiến trình triển khai Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát cần đảm bảo tính độc lập quốc gia, giúp công tác báo cáo kịp thời, triển khai các khuyến nghị được hiệu quả, nâng cao chất lượng tương tác, tính bổ trợ của tiến trình Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát...
Bà Ngô Thị Mến, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ngay sau khi nghiên cứu các khuyến nghị đã được chấp thuận, Việt Nam đã phân công các bộ, ngành triển khai thực hiện. Sau 2 năm tính từ tháng 6/2014 đến hết ngày 31/12/2016, có 147 khuyến nghị đã được triển khai thực hiện và 4 khuyến nghị được thực hiện một phần, trong tổng số 182 khuyến nghị Việt Nam đã chấp thuận, đạt 80,7%.
Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chương trình quốc gia đạt nhiều kết quả như Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012-2020; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2012-2020; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đã ban hành cho đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có NCT.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Ngô Thị Mến, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam cho biết hiện nay vấn đề NCT và già hóa dân số đang là hiện tượng phổ biến, mang tính toàn cầu. Đặc biệt Việt Nam hiện đang là một trong số ít nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, vì vậy đề nghị Bộ Ngoại giao quan tâm đưa vấn đề NCT và già hóa của Việt Nam vào các dự án, chương trình của UNDP nhằm giúp Việt Nam ứng phó với những thách thức của quá trình già hóa dân số...