16/09/2015 08:24

Việt Nam tham gia xây dựng Công ước quốc tế bảo vệ Quyền của Người cao tuổi của Liên hợp quốc

Các đại biểu đến thăm trụ sở Liên Hợp Quốc tại Newyork, Mỹ

Những khó khăn mà NCT đang phải đối mặt và trách nhiệm bảo vệ quyền của NCT trên thế giới nói chung còn rất hạn chế đã khiến cho nhiều bị phân biệt đối xử, ít cơ hội hưởng lợi từ các chương trình phát triển. Để thúc đẩy sự bình đẳng, tạo điều kiện về pháp lý bảo vệ quyền của NCT, các tổ chức về NCT trên thế giới và nhiều quốc gia đã tích cực tuyên truyền và tổ chức các hoạt động nhằm vận động LHQ xúc tiến việc xem xét các văn bản pháp luật liên quan tới đối tượng là NCT và tiến tới xây dựng Công ước quốc tế về Quyền của NCT.

Ngày 18/12/2014, tại phiên họp toàn thể, LHQ đã thông qua nghị quyết GA/ RES/69/146 về công tác NCT, trong đó có 52 điều cần thực hiện. Nghị quyết đánh giá cao hiệu quả của Nhóm công tác mở của LHQ về NCT (OEWG) được thành lập từ 2010, đề nghị Nhóm công tác đưa ra các đề xuất, trong đó có dự thảo Công ước về Quyền của NCT để đệ trình tại phiên họp lần thứ 70 của Đại hội đồng LHQ; Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia thành viên đóng góp ý kiến, đề xuất biện pháp cụ thể gửi tới Nhóm công tác để tổng hợp; mời các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia độc lập góp ý kiến về Công ước. Đặc biệt, Nghị quyết đã đồng ý tổ chức phiên họp của Nhóm Công tác mở về NCT lần thứ 6 để lấy ý kiến của các quốc gia thành viên và của các tổ chức Phi Chính phủ vào ngày 14-16 tháng 7 năm 2015 tại trụ sở của LHQ ở New York, Hoa Kỳ.
Cuộc họp lần thứ 6 của Nhóm công tác mở của LHQ có sự tham gia của đại diện hơn 100 quốc gia thành viên, 28 tổ chức Phi chính phủ, nhiều chuyên gia độc lập. Tổ chức HelpAge đã tài trợ cho đại diện của NCT của 4 nước ở Châu Á và Châu Phi là Việt Nam, Pakistan, Kenya và Zămbia. Cuộc họp diến ra trong 3 ngày với rất nhiều nội dung và ý kiến tham luận. Các vấn đề chính được thảo luận gồm:
Xây dựng chương trình về quyền của NCT trong giai đoạn sau 2015.
Thực hiện Nghị quyết 69/146, nghe trình bày và góp ý kiến về các chính sách hiện hành, phân tích các khía cạnh về các văn bản luật pháp quốc tế liên quan đến NCT.
Ý kiến đề xuất xây dựng các văn bản luật và pháp lý của LHQ.
Thảo luận về thực tế, thách thức trong lĩnh vực quyền của NCT trên thế giới.   
Ý kiến, nguyện vọng của đại diện NCT và các tổ chức, chuyên gia.
    Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cũng có nhiều hoạt động bên lề như: Hội thảo “Tiếng nói của NCT trên thế giới”, Hội thảo “Tuổi già tích cực” đưa ra nhiều bằng chứng và thực tế về vấn đề NCT.
Hưởng ứng Nghị Quyết của LHQ và sự kêu gọi của tổ chức Help Age, trước cuộc họp, Trung ương Hội NCT Việt Nam đã tổ chức Hội thảo giới thiệu hoạt động của LHQ về xây dựng công ước về Quyền của NCT và lấy ý kiến cho dự thảo Công ước do tổ chức Help Age soạn thảo. Tham dự Hội thảo có các đại biểu của Bộ Ngoại giao, Ủy ban các vấn đề xã hội, Quốc Hội, Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ VN, v.v.

    Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, ông Đỗ Hùng Việt (Phó Đại diện, phụ trách về nhân quyền) tham dự và có bài phát biểu khẳng định “Người cao tuổi là tài sản vô giá của quốc gia”. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và chăm  sóc đến người cao tuổi. Trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam có một chương riêng, mới về nhân quyền, trong đó có Khoản nêu “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Luật Người cao tuổi  đã được cụ thể hóa trong các chính sách dành cho Người cao tuổi. Các chính sách này ngày càng được xây dựng một cách có hệ thống và toàn diện hơn nhằm đảm bảo rằng người cao tuổi sẽ được sống trong một môi trường mà nơi đó họ có thể phát huy được vai trò của mình. Ủy Ban Quốc gia về Người cao tuổi là đơn vị đầu mối của Việt Nam nhằm cố gắng thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012 –2020. Việt Nam đang phối hợp với các quốc gia và các đối tác của các nước trên thế giới nhằm đạt được các mục tiêu trong tuyên bố chính trị và Chương trình Hành động Quốc tế về Người cao tuổi Man-đrit.
    Cùng với những thành tựu đã đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần cho Người cao tuổi ngày càng được nâng cao, trong đó đáng ghi nhận về số bệnh viện lão khoa có khoa lão khoa đã tăng đáng kể. 2,8 triệu Người cao tuổi có lương hưu và bảo trợ xã hội khác. Hiện có hơn 60.000 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, ngành nghề và giải trí dành cho người cao tuổi, trong đó phải kể đến “Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau” là mô hình câu lạc bộ toàn diện bao gồm các hoạt động về chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập, trong đó những phụ nữ ở lứa tuổi 60, còn sức khỏe, vẫn tiếp tục làm việc đã giúp đỡ những người cao tuổi già hơn (trên 70, 80 tuổi) có hoàn cảnh khó khăn thông qua hình thức tình nguyện viên và hỗ trợ cộng đồng  (chăm sóc tại nhà, cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, phổ biến kiến thức...).
    Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, Người cao tuổi Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều  khó khăn, trong đó có một số người ở hoàn cảnh nghèo đói, bị phân biệt đối xử, bị lạm dụng và những hạn chế trong công tác bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi. Việt Nam cam kết sẽ khắc phục những thách thức trên để “không một ai bị bỏ lại phía sau” trên con đường tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời chúng tôi mong muốn tiếp tục sự hợp tác với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các đối tác phát triển trong nỗ lực bảo vệ quyền của người cao tuổi.
Được phép của Ban Thường vụ  Trung ương Hội NCT Việt Nam, bà Phạm Tuyết Nhung, Phó trưởng ban Đối ngoại, là đại diện cho đối tác thành viên của Mạng lưới  Hỗ trợ NCT Quốc tế- Help Age, đã tham dự cuộc họp. Tại Niu Y-oóc, đoàn Việt Nam đã gặp các phái đoàn để trao đổi, cung cấp thông tin, tham gia các hoạt động với tư cách là đại diện cho NCT Việt Nam. Phát biểu tuyên bố ủng hộ nghị quyết GA/ RES/69/146 và xây dựng Công ước tại cuộc họp LHQ, đồng thời tham gia ý kiến tại Hội thảo “Tiếng nói của NCT trên thế giới”. Phát biểu của Việt Nam đã được các đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh. Hội NCT Việt Nam hy vọng Công ước sẽ được Đại hội đồng LHQ thông qua trong thời gian sớm nhất để tạo cơ hội cho tất cả NCT trên thế giới được hưởng sự bình đẳng như mọi lứa tuổi khác có một cuộc sống bảo đảm, an toàn trong cả cuộc đời.