Trả lời chất vất tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ dùng có 6 chữ, mà nói đầy đủ nhất về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Lời Thủ tướng ngắn gọn mà vang xa!
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh) |
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là quan hệ láng giềng, dù có “lúc nắng, lúc mưa”, nhưng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước luôn luôn gần gũi, thân thiện. Khi biển Đông "dậy sóng" thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc (trả lời báo chí quốc tế nhân chuyến thăm và làm việc tại Philippines và tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á tháng 5/2014). Đó là thông điệp của nhân dân Việt Nam, là lời thề cùng sông núi, thể hiện quyết tâm bảo vệ từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc!
Với 6 chữ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” là giá trị cốt lõi thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khái quát: Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả với các nước. Hai câu nói của Thủ tướng ở hai thời điểm khác nhau ngắn gọn mà vang xa, uyển chuyển mà đanh thép. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, cùng phát triển, cùng thịnh vượng. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước ta.
Thông qua các diễn đàn quốc tế, bằng tất cả sự chân thành, “lòng tin chiến lược”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để các quốc gia và dư luận quốc tế lên tiếng phản đối những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.
Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng ta, tiếp đến là các đoàn cấp cao của Việt Nam sang thăm Trung Quốc, để thỏa thuận về hợp tác kinh tế, quân sự, an ninh, những nguyên tắc giải quyết xung đột trên biển. Phía Trung Quốc cũng cử nhiều đoàn cán bộ cấp cao sang thăm Việt Nam bàn thảo về những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm. Điều đó khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta "vừa hợp tác, vừa đấu tranh". Biển Đông tạm thời "lặng sóng", nhưng chúng ta vẫn phải nâng cao cảnh giác để chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đối tác của chúng ta là tất cả những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Và chúng ta cũng cam kết thực hiện điều đó trong mọi quan hệ hợp tác quốc tế. Trong "đối tác", có những vấn đề thuộc "đối tượng", khi họ có những hành động làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Cho nên "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" là "kế sách" bền sâu để giữ nước mà ông cha ta đã hun đúc, truyền lại cho chúng ta và được phát huy lên một tầm cao mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.
Nguồn: ĐCSVN/Đào Ngọc Dũng - Đăng Dương