Thế giới đang ngày càng chứng kiến sự thay đổi về tuổi thọ. Đây chính là thành tựu khoa học lớn lao của nhân loại. Tỉ lệ NCT tăng từ 10% năm 1998 lên 15% vào năm 2025 và dự kiến là 21% vào năm 2050. Theo dự báo, sự thay đổi lớn về nhân khẩu học đang diễn ra sẽ làm cho tỉ lệ thanh niên và người cao tuổi (NCT) trong dân số thế giới ngang bằng nhau vào giữa thế kỉ này trong khi đó tỉ lệ trẻ em theo dự báo sẽ giảm 1/3, từ 30% xuống còn 21%. NCT ngày càng tăng và người trẻ tuổi lại giảm đi là vấn đề rất đáng quan tâm. Sự thay đổi đó sẽ có tác động sâu sắc đến đời sống của mỗi cá nhân, xã hội, mỗi quốc gia, khu vực và cả thế giới.
Hoạt động khám, chữa mắt cho NCT (ảnh TL)
Ở Việt Nam, do tỉ suất sinh và tỉ suất chết giảm, tuổi thọ tăng, NCT đang tăng nhanh cả về số lượng và tỉ lệ so với tổng dân số chung. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ NCT so với tổng dân số nước ta sẽ đạt 10% vào năm 2017, điều đó có nghĩa là cơ cấu dân số chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” và LHQ dự báo tỉ lệ NCT ở Việt Nam sẽ tăng mạnh từ năm 2015 và chiếm 26,1% trên tổng dân số vào năm 2050. Theo các nhà nhân khẩu học, già hoá dân số (GHDS) gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế, hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội. Kết quả một nghiên cứu mới đây nhất về lão khoa cho thấy 33% người trên 65 tuổi bị suy giảm chức năng, mất khả năng lao động; tỉ lệ này là 64% người ở độ tuổi từ 80 trở lên. Tốc độ già hóa nhanh còn khiến cho cân bằng bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, ở nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, NCT không có lương hưu, chủ yếu sống phụ thuộc con cái hoặc phải tự mưu sinh vất vả, trong đó có không ít NCT ở trong tình trạng đặc biệt khó khăn.
Sau 10 năm thực hiện “Chương trình Hành động Quốc tế dài hạn về NCT” được Đại hội thế giới lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại về vấn đề NCT do LHQ tổ chức tại thủ đô Viên, nước Cộng hoà Áo vào tháng 10/1982 thông qua, năm 1991 LHQ đã điều chỉnh, bổ sung để xây dựng Chương trình cho 10 năm tiếp theo (1992 - 2001) và thông qua Nghị quyết số 45/106, lấy ngày 1 tháng 10 hằng năm là “Ngày Quốc tế Người cao tuổi”, bắt đầu từ ngày 1/10/1991. Quyết định này thể hiện sự quan tâm sâu sắc và sự thống nhất hành động của cộng đồng quốc tế vì quyền lợi của NCT trước sự gia tăng nhanh chóng về NCT trên thế giới. Theo đó, LHQ mong muốn mọi người nhận thức rõ hơn thực tế về NCT, thấy rõ khả năng to lớn của họ đóng góp vào sự phát triển cộng đồng xã hội và đặc biệt lưu ý mọi người trên thế giới về một hiện tượng rất mới mẻ: đó chính là GHDS.
Hội nghị Quốc tế NCT lần thứ hai họp tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha từ ngày 8 đến ngày 12/4/2002 đã ra Tuyên bố Chính trị, trong đó nhấn mạnh: Điều 2. Đánh giá cao sự tăng thêm tuổi thọ ở nhiều vùng trên thế giới như là một thành tựu quan trọng của loài người...; Điều 5. Cam kết loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử bao gồm phân biệt vì lý do tuổi già. Thừa nhận NCT cũng phải được hưởng một cuộc sống đầy đủ, có sức khoẻ, được an toàn và tham gia tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá và chính trị của xã hội mình; Điều 6. Khẳng định NCT có thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội; có thể đóng góp có hiệu quả hơn cho cộng đồng của mình và cho sự phát triển của xã hội; Điều 10. Tiềm năng của NCT là cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương lai. Điều đó làm cho xã hội có thể tin cậy vào các kỹ năng, kinh nghiệm và trí tuệ ngày càng tăng của NCT, không chỉ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mà còn tham gia tích cực vào việc nâng cao cuộc sống của toàn xã hội”;…
Trên thế giới, ngày 1/10 đã đi vào lịch sử nhân loại sau khi được LHQ công nhận là “Ngày Quốc tế người cao tuổi”. Quyết định Ngày Quốc tế NCT rất phù hợp với truyền thống “Kính lão trọng thọ” của dân tộc Việt Nam, tư tưởng của Bác Hồ kính yêu và quan điểm của Đảng, Nhà nước ta. Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận và hưởng ứng tích cực Ngày Quốc tế NCT bằng những việc làm cụ thể, có hiệu quả nhằm góp phần đưa Quyết định của LHQ trở thành hiện thực ở Việt Nam và chính là thực hiện những cam kết quốc tế về NCT. Trong đó đáng chú ý một số dấu mốc quan trọng: ngày 17/9/1992, Chủ tịch HĐBT ra Chỉ thị số 332/CT-TTg về việc tổ chức “Ngày Quốc tế NCT”, yêu cầu các cấp, các ngành có những việc làm thiết thực và chỉ rõ: “Cũng như Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Quốc tế Người cao tuổi cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo cụ thể của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng”. Ngày 09/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 121/1998/QĐ-TTg thành lập “Ủy ban Quốc gia Năm Quốc tế NCT 1999”. Ngày 27/9/1995, BBT Trung ương Đảng (khoá VII) ra Chỉ thị số 59/CT-TW về “Chăm sóc Người cao tuổi” và Nghị quyết Đại hội XI (năm 2011) của Đảng đã khẳng định: "Quan tâm chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện để NCT sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống trong xã hội và gia đình".
Việc thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng cũng rất kịp thời: ngày 28/4/2000, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khoá X) ban hành Pháp lệnh NCT. Ngày 23/11/2009, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Người cao tuổi; trong đó qui định rõ về chính sách của Nhà nước đối với NCT; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân đối với việc chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT; lấy ngày 6/6 hằng năm là ngày “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT” và cũng là “Ngày Truyền thống NCT Việt Nam”. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với NCT, tại khoản 3 Điều 37 nêu rõ: “NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây và bảo vệ Tổ quốc”. Mới đây, ngày 24/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”. Ngày 26/6/2015, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gửi Thư đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ghi một dấu mốc son đối với NCT Việt Nam.
Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á, xếp thứ 14 trong số quốc gia đông dân nhất thế giới, đứng thứ 7 trên thế giới về tốc độ già hoá trong giai đoạn 2010 - 2050 với tuổi thọ trung bình là 73 tuổi. Việc chăm sóc sức khỏe cho NCT đã và đang ngày càng được Đảng, Nhà nước, xã hội quan tâm. Những chính sách của Việt Nam và những thành tựu thu được trong những năm qua là minh chứng về việc Việt Nam thực hiện tích cực, đầy đủ những cam kết của mình với cộng đồng quốc tế, nhất là từ Hội nghị Thế giới lần thứ hai về NCT tại Madrid, Tây Ban Nha vào năm 2002. Tuy nhiên, còn rất nhiều NCT đang có cuộc sống đặc biệt khó khăn cần sự chung tay góp sức, sẻ chia của toàn xã hội. Vì vậy, cần xây dựng một môi trường xã hội mà trong đó NCT nói chung và người già đơn thân nói riêng, đặc biệt NCT khó khăn được tôn trọng, được quan tâm mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác.
“Tháng hành động vì NCT đặc biệt khó khăn” năm nay được tổ chức thành công tốt đẹp chính là thể hiện việc thực hiện sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với NCT. Nhân Ngày Quốc tế NCT, Hội NCT các cấp hãy thực sự làm nòng cốt trong việc thực hiện và mong muốn các cấp, các ngành, mỗi gia đình, cộng đồng cùng cả xã hội tích cực hưởng ứng Quyết định của Thủ tướng, chia sẻ với những NCT đặc biệt khó khăn để làm vơi bớt nỗi buồn trong cuộc sống và tăng thêm niềm vui của NCT có hoàn cảnh khó khăn như vậy./.