Trước nhận định: Người cao tuổi ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang bị ngược đãi và phân biệt đối xử, với mục tiêu thúc đẩy và bảo đảm thực hiện đầy đủ và công bằng các quyền con người của người cao tuổi, Việt Nam đang nỗ lực cùng Liên Hợp Quốc xây dựng Dự thảo Công ước quốc tế về Quyền của người cao tuổi.
Nguồn: vcmedia.vn |
Nhiều người cao tuổi - nhiều hoàn cảnh
Quốc tế đã có Luật Nhân quyền ghi nhận quyền bình đẳng của con người, song tại Hội thảo Góp ý vào Dự thảo Công ước quốc tế về Quyền của người cao tuổi do Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức ngày 30.9, theo nhận định của Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HelpAge International), Luật này chưa bảo vệ đầy đủ người cao tuổi khỏi bị phân biệt đối xử và vi phạm quyền do tuổi tác. Chính vì thế, dù ở nơi người cao tuổi được quan tâm nhất là ngôi nhà của mình, nhiều người vẫn bị bạo hành và ngược đãi. Ở nước ta không phải ngoại lệ. Chỉ một thời gian ngắn vừa qua, có thể thấy hàng loạt vụ việc người cao tuổi bị con cái lăng mạ, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ. Không thiếu trường hợp vì kiện cáo tranh chấp đất đai, trường hợp vì không có ai chăm sóc... cha mẹ lớn tuổi bị các con dứt ruột sinh ra đẩy ra lề đường. Điều này đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về quan niệm xã hội hiện chỉ coi người cao tuổi là người được hưởng lợi một cách thụ động chứ không phải là đối tượng được trao quyền hợp pháp.
Trong khi trách nhiệm chăm sóc và phụng dưỡng người cao tuổi của con cháu và cộng đồng ngày càng suy giảm; người cao tuổi bị bỏ rơi khi ốm đau, không có ai chăm sóc, thậm chí bị ngược đãi về tinh thần và thể xác như vậy nhưng những quyền cơ bản mà người cao tuổi đáng được hưởng như các quyền về an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, nhà ở... cho đến các quyền ra quyết định về tài chính, của cải của người cao tuổi đến nay chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Để giải quyết vấn đề này và cũng là nhằm thúc đẩy và bảo đảm thực hiện đầy đủ và công bằng các quyền con người của người cao tuổi, Liên Hợp Quốc đang lấy ý kiến Dự thảo Công ước quốc tế về Quyền của người cao tuổi.
Xóa bỏ phân biệt đối xử vì lý do tuổi tác
Theo Dự thảo Công ước quốc tế về Quyền của người cao tuổi, có 31 quyền cơ bản của người cao tuổi. Đáng chú ý là quyền không bị phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, đặc biệt đối với phụ nữ cao tuổi. Việc phân biệt đối xử cũng giống như việc ngược đãi đối với người cao tuổi, đều có thể xảy ra đối với bất kỳ ai và bất kỳ nơi nào. Trường hợp bà Lê Thị Thanh sinh sống tại thôn 4, xã Thế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa là ví dụ điển hình của tình trạng phân biệt đối xử đối với người cao tuổi vì lý do tuổi tác. Dù tuổi cao, bản thân đang mang khối u trong vòm họng, bị suy tim cấp độ 4 và phải lo cho người con bị tai nạn thế nhưng bà không những không được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế mà còn không được tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo, chưa kể bị từ chối vay vốn sản xuất, hưởng lợi từ các chương trình tín dụng... Vậy là gánh nặng mưu sinh cứ thế lại càng đè nặng lên đôi vai người phụ nữ này!
Với nỗ lực xóa bỏ tình trạng ngược đãi và phân biệt đối xử cũng như hướng tới hoàn thiện khung pháp lý về quyền con người của người cao tuổi, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến, đề xuất các biện pháp cụ thể cho Dự thảo Công ước. Đại diện Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đề xuất, cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện làm việc phù hợp thông qua lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội để phát huy vai trò của người cao tuổi và cũng là để giảm bớt gánh nặng mưu sinh cho những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói, bệnh tật, ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó, phải có biện pháp tăng cường chất lượng hệ thống an sinh xã hội từ chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội đến các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, giải trí, học tập... cho người cao tuổi.
Cùng với phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi cũng thuộc nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Việc xây dựng và hình thành một Công ước quốc tế chuyên biệt về quyền của người cao tuổi được các chuyên gia nhận định sẽ là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm tất cả mọi người, hôm nay và mai sau, sẽ được hưởng đầy đủ và công bằng các quyền con người của mình, từ khi là trẻ em đến khi lớn tuổi. Đúng như lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nói tại Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc vừa khai mạc tại New York, Mỹ: “Người cao tuổi là một hợp phần trong chương trình mục tiêu phát triển thiên niên kỷ để bảo đảm rằng không hoặc bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại Báo cáo Chỉ số già hóa dân số thế giới năm 2015 do HelpAge International công bố ngày 9.9, có 23 nước thuộc châu Á -Thái Bình Dương với số người cao tuổi chiếm 52% tổng số người cao tuổi của thế giới được xếp hạng môi trường sống tốt nhất cho người cao tuổi. Trong số này có 8 nước thuộc ASEAN, cụ thể là Thái Lan xếp vị trí 34, Việt Nam xếp vị trí 41, nằm trong nửa trên của bảng xếp hạng. Còn lại là Philippines xếp thứ 50, Indonesia xếp thứ 74, Campuchia xếp thứ 80 và Lào xếp thứ 83. Trong đó, các quốc gia đạt chỉ số già hóa dân số tốt là do đã biết phát triển tiềm năng của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội.