07/10/2015 00:46

Nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi 01/10:

Thế giới ngày càng quan tâm đến vấn đề người cao tuổi

Từ ngày 13-15/ 7/ 2015, Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 6 của Nhóm công tác mở về người cao tuổi (NCT) để bàn về vấn đề NCT và xây dựng Công ước về quyền của NCT. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện hơn 100 quốc gia thành viên, 28 tổ chức Phi chính phủ, nhiều chuyên gia độc lập, đặc biệt đã có đại diện của NCT của 4 nước ở Châu Á và Châu Phi là Việt Nam, Pakistan, Kenya và Zămbia. Ngoài ra, vào cuối tháng 9/ 2015, tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Chính phủ các nước trên thế giới sẽ cùng ký cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030, trong đó NCT bắt đầu được công nhận trong Chương trình trên của LHQ. Đây là một hành động thiết thực để thực hiện lời tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban-Ki-Moon rằng “Không để bất kỳ một người nào bị bỏ lại phía sau”. Mục tiêu phát triển bền vững gồm 17 mục đích và 169 mục tiêu, kết quả của các mục tiêu sẽ được đạt vào năm 2030. Như vậy là, LHQ và nhiều nước trên thế giới đã ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề của NCT, họ đã nhận ra rằng, thế giới không thể phát triển bền vững khi mà đối tượng NCT bị bỏ qua. Với khẩu hiệu “Tiến tới một thế giới thịnh vượng cho mọi lứa tuổi”, LHQ đang hướng tới xây dựng những chương trình, kế hoạch, cam kết mà trong đó mọi đối tượng, từ trẻ em đến người già đều được tham gia và hưởng lợi. Sự thay đổi trong quan điểm của LHQ và các quốc gia về người cao tuổi (NCT) trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ 2 lí do chính, đó là: Già hóa dân số trên thế giới ngày càng gia tăng và  cách nhìn nhận về NCT đã thay đổi.

 Hoạt động của NCT châu Á, châu Phi tại cuộc họp của LHQ về NCT

 

 Bà Phạm Tuyết Nhung, Phó Trưởng Ban Đối ngoại, TW Hội đại diện cho mạng lưới

Hỗ trợ NCT quốc tế - Help Age phát biểu tại cuộc họp lần thứ 6 của Nhóm công tác mở về NCT

Tình hình già hóa dân số và người cao tuổi trên thế giới

Năm 2011, LHQ đã chính thức công nhận thế giới đã bước vào giai đoạn già hóa dân số (NCT trên 60 tuổi chiếm 10% trở lên) với một số nước đã ở trong tình trạng dân số già (21% trở lên) với tốc độ nhanh. Tình trạng này đã tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế và xã hội, ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Già hóa dân số là một quy luật biến động dân số, do vậy rất khó để ngăn chặn quá trình này, chúng ta chỉ có thể hiểu và đề ra các biện pháp để đối phó và quản lý GHDS theo cách phù hợp và bền vững. Nguyên nhân chính của GHDS là do mức sống và tiến bộ trong y học tăng khiến tuổi thọ tăng cao, đồng thời xu hướng hạn chế sinh đẻ cũng là một nguyên nhân. Như vậy, GHDS chính là thành tựu phát triển của loài người. Tuy nhiên, nếu trong xã hội mà quá nhiều NCT thì sẽ tạo ra những thách thức về xã hội, kinh tế và văn hóa. Có thể tính đến 3 thách thức chính sau:

1. Thách thức về cơ cấu xã hội, gia đình: Trước kia, trách nhiệm chăm sóc NCT hầu hết thuộc về trách nhiệm của mỗi gia đình, ngày nay trách nhiệm đó đã dần chuyển sang xã hội với nhiều yêu cầu về dịch vụ, loại hình chăm sóc v.v.

2. Thách thức về y tế: Sự gia tăng số NCT kéo theo nhu cầu được chăm sóc về y tế và các loại hình chăm sóc khác tăng cao.

3. Thách thức về kinh tế: Trong lĩnh vực kinh tế, GHDS có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, đến thị trường lao động, lương hưu, thuế.

Trong báo cáo năm 2015, Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế đã đưa ra một số số liệu về  NCT trên thế giới như sau:

Toàn thế giới hiện có gần 100 triệu NCT (60 tuổi trở lên) chiếm hơn 12% dân số; vào năm 2030 sẽ là hơn 16%. Dự báo đến năm 2050, toàn thế giới sẽ có trên 2 tỉ NCT, chiếm hơn 33%.

Châu Á đứng đầu về tốc độ GHDS với số NCT chiếm 52% số NCT trên toàn cầu. Hiện số NCT đã nhiều hơn số trẻ em 0-4 tuổi; và tới năm 2050 số NCT sẽ nhiều hơn số trẻ em từ 0-14 tuổi.

65% NCT hiện đang sống ở các nước nghèo, đang phát triển; tới năm 2050 sẽ có 80% NCT sống tại các quốc gia này.

Cùng với sự gia tăng tỷ lệ già hóa, số NCT sống trong hoàn cảnh khó khăn cũng ngày càng tăng, đặc biệt là tại các nước nghèo và có chiến tranh. Nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, ô nhiễm môi trường, lối sống lạc hậu v.v. chính là những nguyên nhân khiến nhiều NCT trên thế giới còn sống nghèo khổ, không được chăm sóc, bị ngược đãi, bị mất quyền quyết định...

Chỉ số Già hóa dân số (GHDS) trên thế giới

Ngày 9 tháng 9 năm 2015, Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế (HelpAge International) đã công bố tài liệu Chỉ số GHDS thế giới năm 2015. Tài liệu tổng hợp số liệu của 96 quốc gia về các chỉ số về phúc lợi xã hội, kinh tế đối với NCT. Chỉ số GHDS đại diện cho 91% NCT trên 60 tuổi (khoảng 901 triệu) trên thế giới, tập trung vào những yếu tố tác động tới NCT như: an ninh thu nhập, sức khỏe, năng lực cá nhân và môi trường phù hợp (ví dụ như: tuổi thọ, tỷ lệ NCT nghèo, trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, NCT cô đơn, sự hài lòng, tổ chức Hội NCT, các chính sách v.v.). Những nước nào đứng ở vị trí trên của Bảng tổng sắp là các nước có chính sách và điều kiện sống tốt nhất cho NCT, những nước ở cuối bảng là những nước mà ở đó NCT nghèo khổ và bất hạnh. Tuy nhiên, cũng khó có thể nói là các chỉ số này đã thể hiện chính xác vì còn rất nhiều yếu tố liên quan tới văn hóa, truyền thống, quan điểm v.v. ảnh hưởng tới cuộc sống và sự hài lòng của NCT. Trong một thông điệp kèm theo Báo cáo chỉ số Già hóa năm 2015, Đức tổng giám mục Desmon Tutu đã phát biểu: “Tôi muốn nói với toàn thể thế giới rằng, tôi đang quan tâm, và tất cả NCT trên thế giới đang quan tâm rằng, tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, đều phải được nói tới trong Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ”

 Thông qua Bảng Chỉ số GHDS, có thể thấy rằng đa số các nước có nền kinh tế mạnh, phúc lợi xã hội tốt là những nước có điều kiện sống tốt nhất cho mọi công dân, trong đó có NCT. Những nước có tỷ lệ NCT cao bao gồm 2 nhóm, nhóm những nước có điều kiện sống tốt và nhóm những nước đang phát triển, thu nhập thấp. Riêng về Châu Á, nổi lên một số nước sau:

Nhật Bản là nước có dân số siêu già trên thế giới (NCT trên 60 tuổi chiếm 33%) nhưng đã có những chính sách đáp ứng về kinh tế và xã hội phù hợp với NCT, tạo điều kiện sống cho NCT tốt nhất châu Á. Nhật Bản đạt được thành tựu trên là nhờ cả một quá trình xây dựng các chính sách xã hội tiến bộ. Sức khỏe và giáo dục là những vấn đề được ưu tiên nhất từ cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20, nhờ đó sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã phục hồi nhanh chóng. Năm 1961, Nhật Bản xây dựng chương trình Bảo hiểm y tế phổ cập và trợ cấp xã hội phổ cập là những yếu tố chính trong tổng thể chính sách phát triển toàn diện nhằm thúc đẩy kinh tế và phân phối phúc lại phúc lợi xã hội. Ngày nay, Nhật Bản là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới (83 tuổi) với nhiều người siêu già trên 100 tuổi. Họ tiếp tục là nước dẫn đầu trong các chính sách và chương trình dành cho NCT. Nhật bản đã thực hiện cải cách hệ thống hưu trí nhằm hỗ trợ đối tượng là phụ nữ cao tuổi và có chính sách khuyến khích một lực lượng NCT tiếp tục tham gia lao động như cho phép NCT vừa được nhận lương hưu vừa được nhận lương làm việc, khuyến khích các chủ lao động tái sử dụng người quá tuổi lao động và bố trí họ vào các vị trí làm việc bán thời gian.

Thái Lan là nước đã thành công khi áp dụng các chính sách, luật, chương trình hướng tới hỗ trợ các công dân cao tuổi.  Các kế hoạch, chính sách bảo vệ quyền của NCT được thực hiện có hiệu quả. Thái lan hiện có các chính sách Bảo hiểm y tế toàn dân và trợ cấp xã hội phổ cập, hiện Thái lan đang có hơn 7 triệu NCT đang được hưởng trợ cấp xã hội từ 20-30 USD (600- 1.000.000 VND) mỗi tháng. Ngoài ra, NCT ở Thái Lan cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động và đóng góp cho cộng đồng và xã hội (ví dụ Chính phủ khuyến khích thành lập Hội NCT ở cộng đồng, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động và sinh hoạt), tham gia thực hiện các dự án v.v.

Trung quốc là một nước chiếm tới ¼ số NCT trên toàn cầu, hiện Trung Quốc đang nhanh chóng thích nghi với một xã hội già hóa. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 về đáp ứng già hóa dân số, Trung Quốc có chương trình đảm bảo an ninh thu nhập bằng việc xây dựng chính sách trợ cấp xã hội phổ cập cho NCT ở khu vực nông thôn. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn thành lập và hoạt động của hội NCT, qua đó thể hiện sự công nhận quyền lơi của NCT và cộng đồng. Ngoài ra, chính phủ cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các dịch vụ chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

Thái Lan, Việt Nam, Myanma, Philippin, Cămpuchia là những nước đang rất khuyến khích thành lập Hội NCT và các tổ chức xã hội cho NCT. Đó là những tổ chức dựa vào cộng đồng nhằm liên kết NCT với nhau, tạo điều kiện giao lưu xã hội, bảo đảm tiếp cận các dịch vụ, quyền và lợi ích và tạo cơ chế phát huy môi trường phù hợp cho NCT.

Thế giới đang thay đổi nhận thức về NCT

Từ trước tới nay, rất nhiều người coi NCT là lớp người già cần được chăm sóc và trách nhiệm chăm sóc NCT thuộc về gia đình. Từ đó, hầu hết các chương trình, chính sách chỉ thiên về trợ cấp, ưu tiên, thăm hỏi v.v khiến cho nhiều NCT ở trong hoàn cảnh khó khăn mà không được giúp đỡ đúng cách. Rất nhiều nước thiếu chính sách phù hợp với NCT, có rất ít hoạt động và các văn bản thỏa thuận, hướng dẫn của LHQ có liên quan tới NCT. Điều này đã khiến cho nhiều NCT không được bảo vệ trước tình cảnh bị phân biệt đối xử, ít cơ hội hưởng lợi từ các chương trình phát triển. Những thiếu sót trên đã được nhiều quốc gia và LHQ nhận ra và họ đã thống nhất quan điểm là: Cần phải thay đổi cách nhìn về NCT, không chỉ thấy NCT là nhóm người dễ bị tổn thương, mà phải thấy NCT cũng là nguồn lực của xã hội, họ có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, khả năng, nhiệt tình và lý do để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của xã hội”. Chính vì vậy mà từ năm 2010, LHQ đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tìm ra các thiếu sót để sửa sai và đã có những tiến bộ như nhận xét của ông Eduardo Klien- Giám đốc tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc Tế khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là “Đã có tiến bộ trong nhận thức là phải thay đổi chiến lược tổ chức xã hội để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh già hóa dân số nhanh. Cụ thể là, cần đáp ứng nhu cầu và phát huy tiềm năng của mọi lứa tuổi trong xã hội”.

Trong thời gian qua, LHQ đã triển khai các hoạt động và ban hành các văn bản pháp lý liên quan tới NCT và bảo vệ quyền của NCT, cụ thể là:

Trong thời gian qua, LHQ đã triển khai các hoạt động và ban hành các văn bản pháp lý liên quan tới NCT và bảo vệ quyền của NCT, cụ thể là:

1982: Hội nghị thế giới lần I về Già hóa dân số; Hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động Vienna về NCT. Sau đó LHQ có Nghị quyết 37/51 ủng hộ kế hoạch này.

1990, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định lấy ngày 1-10 hàng năm làm ngày quốc tế NCT, bắt đầu kỷ niệm từ 1/10/1991.

1991: LHQ ra Nghị quyết A46/91 đưa ra các nguyên tắc của NCT,

2002: Hội nghị thế giới lần II về Già hóa dân số; đã thông qua Tuyên bố chính trị và Kế hoạch hành động quốc tế Madrid về NCT (MIPAA),

2010: Thành lập nhóm làm việc của LHQ về NCT (OEWG on Ageing)

2011: LHQ chính thức lấy ngày 15.6  hàng năm là ngày Nhận thức về chống Ngược đãi NCT thế giới (World day awareness of Elderly Abuse).

2012: Ủy ban nhân quyền của LHQ công bố nghiên cứu về Thách thức và những tồn tại về quyền của NCT..

Đặc biệt, trong các văn bản của LHQ đã nêu lên các quốc gia cần bảo đảm các quyền của NCT sau:

  1. NCT không bị bạo lực
  2. NCT được bình đẳng trước pháp luật
  3. NCT có quyền về tài sản
  4. NCT có quyền về thông tin
  5. NCT có quyền về an sinh xã hội
  6. NCT có quyền về việc làm
  7. NCT có quyền về sức khỏe

Đặc biệt, hiện Nhóm công tác mở phối hợp với nhiểu tổ chức NCT và quốc gia trên thế giới xây dựng và thuyết phục LHQ thông qua Công ước về Quyền của NCT. Nếu Công ước được thông qua, NCT trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ có được cơ hội đạt tới sự bình đẳng và bảo đảm quyền được chăm sóc và phát huy vai trò của mình đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Một số vị trí chính trong Chỉ số GHDS:

+ 10 nước đứng đầu là: Thụy Sĩ (1) Na Uy (2) Thụy Điển (3) Đức (4) Canađa (5) Hà lan (6) Ai xơ len (7) Nhật Bản (8) Hoa Kỳ (9) Vương quốc Anh (10)

+ Vị trí của một số nước Châu Á:  Thái Lan (34), Việt Nam (41), Philippines (50), Trung Quốc (52), Triều Tiên (60), Ấn Độ (71), In đô nê xia (74), Căm Pu Chia (80), Lào (83)

+ 5 nước xếp cuối bảng là: Pakistan (92), Bờ tây dải Gaza (93) Mô Dăm bic (94), Malawi (95), Afghanistan (96).