18/07/2017 07:32

Hội thảo Quốc tế Thích ứng với Già hóa dân số

Trong hai ngày 17-18 tháng 7 năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội diễn ra Hội thảo Quốc tế Thích ứng với Già hóa dân số do Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) phối hợp với Chính phủ Việt Nam tổ chức.

 

Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam (ngồi giữa) đồng chủ trì Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo có 200 đại biểu là những nhà hoạch định chính sách, quản lý, đầu tư, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu khoa học, doanh nhân, chuyên gia… thuộc các lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, dân số, lao động việc làm, an sinh xã hội… đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các cơ quan của Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia về người cao tuổi và chủ nhà Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người từ 60 tuổi trở lên và tỉ số này sẽ là 5/1 vào năm 2050. Năm 2015, thế giới có khoảng 901 triệu người cao tuổi, chiếm 12,3% dân số và đến năm 2050 sẽ tăng lên hơn 2 tỉ người, chiếm 22% dân số thế giới.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Dân số của các nền kinh tế thành viên APEC chiếm 40,5% tổng dân số thế giới nhưng chiếm tới gần 50% dân số cao tuổi. Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số như Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Nga, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Pê-ru, Việt Nam… trong đó một số nền kinh tế thành viên có số lượng người cao tuổi rất lớn như Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Những nền kinh tế còn lại cũng sẽ sớm bước vào thời kỳ già hóa dân số như Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Pa-pua Niu Ghi-nê, Phi-líp-pin.

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số, trong đó có khoảng 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25% dân số. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỉ, thậm chí hàng thế kỉ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Ốt-xtrây-li-a (73 năm), Hoa Kỳ (69 năm), Ca-na-đa (65 năm)… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm!

Với 5 chủ đề: Tổng quan về già hóa dân số khu vực châu Á - Thái Bình dương; Già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế; Già hóa dân số với an sinh xã hội; Già hóa dân số với chăm sóc y tế; Các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng, Hội thảo Quốc tế Thích ứng với Già hóa dân số dựng lên bức tranh toàn cảnh về vấn đề già hóa dân số của APEC bao gồm thực trạng, xu hướng, những thách thức và cơ hội về kinh tế, đầu tư, tiết kiệm, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm trong bối cảnh già hóa dân số. Đây cũng là dịp để các nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng, trong đó mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của bạn bè quốc tế.