Ngày 19/11, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Chính phủ Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Mitsubishi tổ chức "Hội thảo Quốc tế Già hoá Năng động, Sáng tạo và Ứng dụng Công nghệ trong Chăm sóc Người cao tuổi ASEAN". Hội thảo là sáng kiến của Việt Nam với vai trò Phó Chủ tịch Trung tâm Tuổi già Năng động và Sáng tạo ASEAN (ACAI) đưa ra với mục tiêu nhằm tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên ACAI và giữa ACAI với các đối tác phát triển về xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, già hóa năng động và sáng tạo.
Tham dự và điều hành Hội thảo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa và Gia đình, Bộ Y tế; bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Dự hội thảo phía đại diện Trung ương Hội NCT Việt Nam bà Nguyễn Thị Tư, Phó trưởng Ban Đối ngoại cùng các chuyên gia trên thế giới đến từ Nhật Bản, UNFPA,Viện Nghiên cứu Mitsubishi, Tổ chức các đối tác Dân số và Phát triển tổ thuộc và đại biểu đến từ 10 quốc gia ASEAN cùng các đối tác tham dự theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo, giúp đỡ và phát huy vai trò NCT. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động thích ứng với già hóa dân số, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT, trong đó chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật.
Năm 2020, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định thành lập ACAI như một sự chủ động thích ứng với già hoá dân số của ASEAN. Sứ mệnh của ACAI hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc hoạch định, thực thi chính sách về già hóa năng động và sáng tạo thông qua việc cung cấp các thông tin, kiến thức và nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo
Trao đổi tại hội thảo, ông Suwit Wibulpolprasery, Chủ tịch Hội đồng ACAI nhấn mạnh: NCT ở mỗi quốc gia đều đã tích lũy được những nguồn vốn xã hội, trí tuệ lớn và có thể cả nguồn tài chính. NCT cần được coi là tài sản quan trọng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội do đó yêu cầu những đổi mới đáng kể về mặt xã hội và công nghệ để khai thác những tài sản quý giá này.
Già hoá dân số không những mở ra những cơ hội nhất định trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, du lịch… mà còn mang đến rất nhiều thách thức trên tất cả các lĩnh vực trong đó bao gồm chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. NCT là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Công nghệ kỹ thuật số đang tiếp tục định hình lại cách chúng ta tiếp cận thông tin y tế và các dịch vụ chăm sóc. Đại dịch Covid-19 làm cho xu hướng trở nên rõ ràng hơn: tiếp cận kỹ thuật số đã trở thành một yếu tố xã hội mới quyết định đến sức khỏe. Hơn bao giờ hết, khả năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số của NCT có thể tác động đến tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ.
Hội thảo với 5 phiên họp chuyên sâu, chuyên gia trình bày các nghiên cứu, khuyến nghị chính sách, đại biểu tham gia thảo luận đưa ra những ý kiến đóng góp thực tế trong bối cảnh điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội ở mỗi quốc gia. Trao đổi phát biểu ý kiến tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tư, Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam cho rằng: Việt Nam nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung đang phải đối mặt thách thức già hóa dân số với tốc độ rất nhanh trong khi điều kiện kinh tế chưa đáp ứng được với tốc độ già hóa như những quốc gia phát triển điển hình là Nhật Bản hay các nước phương Tây. Xu hướng áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong chăm sóc sức khỏe cho NCT là xu hướng tất yếu, khi mà theo báo cáo của Tổng cục dân số có đến 93% NCT sống ở nông thôn và 97% NCT sống ở thành thị có điện thoại di động, trong đó cứ 10 NCT sử dụng điện thoại di động có 4 NCT sử dụng điện thoại thông minh. Do vậy các Chính phủ cần có những chính sách, chiến lược và hỗ trợ nguồn lực tài chính phát triển các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong chăm sóc NCT đảm bảo NCT được tiếp cận các dịch vụ phù hợp, kịp thời không bị gián đoạn và tốt nhất. Trong thời gian tới, Trung ương hội NCT Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, tổ chức UNFPA Việt Nam giúp phổ biến ứng dụng phần mền S-Health trong chăm sóc NCT.
Năm sau, Việt Nam là Chủ tịch của ACAI, Hội thảo là một trong những sáng kiến, hoạt động đầu tiên của Việt Nam cũng như của ACAI nhằm hướng đến xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, thích với già hoá dân số năng động, khoẻ mạnh và sáng tạo.
Già hóa dân số là hiện tượng toàn cầu, mỗi quốc gia trên thế giới đều đang chứng kiến sự tăng trưởng về cả quy mô và tỷ lệ NCT trong cơ cấu dân số. Tại ASEAN hiện có hơn 45 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% tổng dân số ASEAN (năm 2019). Dự báo số NCT tăng lên 132 triệu người, chiếm 16,7% tổng dân số ASEAN vào năm 2050.