Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức hội thảo: “Hoàn thiện kế hoạch triển khai Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của Người khuyết tật”. Đến dự và chỉ đạo hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, GS. Harry Minas đến từ Đại học Melbourne, Úc là chuyên gia hàng đầu thế giới về lập kế hoạch và xây dựng thực hiện Công ước Quốc tế về NKT, cùng đông đảo đại diện lãnh đạo đến từ Văn phòng Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, đại diện cấp cao của UNICEF tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm chủ trì hội thảo
Mục tiêu hội thảo nhằm lấy ý kiến của đông đảo học giả, chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đến từ các bộ ngành…đóng góp ý kiến cho Quyết định về việc Phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền của NKT mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng trong thời gian tới.
Công ước Quốc tế về Quyền của NKT được Đại hội đồng Liên Hợp quốc họp thông qua vào ngày 13/12/1996, Việt Nam ký tham gia Công ước vào ngày 22 tháng 10 năm 2007, và ban hành Luật NKT năm 2010.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến nay Việt Nam có khoảng 7,8 triệu NKT (chiếm 7,8% dân số); người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm 28,9%, khoảng 58% NKT là nữ, 28,3% NKT là trẻ em, 10,2% NKT là người cao tuổi, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, Việt Nam còn nghèo, đang là nước phát triển tuy, nhiên Đảng và Chính phủ rất quan tâm tới những đối tượng nghèo dễ bị tổn thương, đặc biệt là NKT. Chính phủ đã ban hành luật, các chính sách hỗ trợ cho NKT, nhưng vì nhiều lý do, việc thực thi còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Đồng ý với ý kiến của ngài Thứ trưởng, GS. Harry Minas có ý kiến cho rằng, việc thực thi theo Công ước Quốc tế về Quyền của NKT rất khó khăn, trong đó có nhiều khái niệm, đòi hỏi các quốc gia phải có những chính sách phù hợp với bối cảnh từng quốc gia. Tuy nhiên không vì những khó khăn đó mà không nỗ lực thực hiện, nhằm đảm bảo NKT bình đẳng trong xã hội, đặc biệt việc truyền thông nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng, việc đồng bộ các cơ sở hạ tầng, dịch vụ thân thiện với NKT là điều cần thiết. Cũng cần có cơ chế giám sát việc thực hiện, nâng cao sự tham gia vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc giám sát, thực hiện hỗ trợ các hoạt động dành cho NKT.