Hội thảo quốc tế “Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần NCT trong ASEAN” vừa diễn ra tại Hà Nội là động thái tích cực nằm trong khuôn khổ năm ASEAN 2020.
Hội thảo do Việt Nam phối hợp với đối tác tổ chức, thu hút sự quan tâm, tham dự của Ban Thư kí ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN; các Cơ quan Liên Hợp Quốc; tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, nhiều học giả và các bên liên quan khác ở Việt Nam và khu vực.
Quang cảnh Hội thảo
Sau phần khai mạc của nước chủ nhà Việt Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), diễn đàn sôi nổi bởi thảo luận của đại diện các tổ chức, diễn giả quốc tế. 5 phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề: Ứng phó của hệ thống y tế trong bối cảnh già hóa; cải thiện sức khỏe tâm thần của NCT; xây dựng môi trường thân thiện cho NCT; vai trò và hợp tác giữa các bên trong một xã hội già hóa; ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Con đường phía trước.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) chia sẻ: Già hóa dân số là hiện tượng mang tính toàn cầu và ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang có sự gia tăng cả về quy mô và tỉ lệ NCT trong dân số. Năm 2020, thế giới có khoảng 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% tổng dân số; năm 2050, con số này sẽ tăng gấp đôi, đạt hơn 1,5 tỉ NCT và chiếm 16% dân số. Dự báo đến giữa thế kỉ này, cứ 6 người sẽ có một người trên 65 tuổi. Theo Bác sĩ, TS Y khoa Rintaro Mori, Cố vấn khu vực về GHDS và phát triển bền vững, văn phòng UNFPA khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Cộng đồng ASEAN hiện có hơn 400 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% tổng dân số; số này sẽ tăng lên trên 132 triệu vào năm 2050 và khi ấy người từ 65 tuổi trở lên chiếm 16,7% tổng dân số khu vực này.
Bà Phạm Tuyết Nhung, đại diện Hội NCT Việt Nam phát biểu tại diễn đàn
Một số ý kiến cho rằng, hiện tại, 4 quốc gia thành viên ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số. Theo tính toán của các chuyên gia, đến năm 2050 tất cả các quốc gia này sẽ trở thành quốc gia siêu già, còn các quốc gia thành viên khác như Brunei, Philippines, Indonesia, Campuchia khi ấy mới đang ở thời kì già hóa dân số và dân số già.
Ngay từ thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI, Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn già hóa dân số và dự báo khoảng 30 năm sau nước ta có 22,3 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20,4% tổng dân số. Đáng chú ý hơn, Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Các diễn giả đưa ra con số so sánh: Nếu các nước phát triển phải mất hàng thế kỉ hoặc vài thập kỉ để chuyển đổi từ 7% lên 14% dân số ở tuổi 65 trở lên như: Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Austraylia 73 năm, Mỹ 69 năm, Canada 65 năm, Anh 45… thì Việt Nam chỉ mất 18 năm.
Đánh giá những cơ hội và thách thức trong bối cảnh già hóa dân số toàn cầu, các diễn giả cho rằng già hóa dân số có thể tạo ra các thị trường mới với những nhóm khách đặc thù riêng có; thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ; song cũng đặt gánh nặng lên quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở mỗi quốc gia. Trong khi ở Việt Nam, 72,9% NCT chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp; hầu hết NCT phải tự kiếm sống cùng sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có 25,5% NCT sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội. Thế hệ NCT hiện nay đều sinh ra trong chiến tranh và cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc nên hầu hết không có điều kiện bảo vệ sức khỏe và tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ.
Việc thiết lập các chương trình và dịch vụ lão khoa chất lượng sẽ cho phép hệ thống y tế cam kết tuổi thọ lành mạnh và phản ứng tốt hơn với những thách thức của NCT, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ làm việc với các quốc gia thành viên để triển khai Kế hoạch hành động khu vực như: Tổ chức đối thoại chính sách trong nước và hỗ trợ xây dựng chính sách quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, đổi mới với sự tham gia của các chuyên gia; đồng thời cung cấp hướng dẫn kĩ thuật cho các nội dung cụ thể. WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương đã thông qua Kế hoạch hành động khu vực về già hóa khỏe mạnh, trong đó nhấn mạnh xã hội cần chuyển đổi không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn trên các lĩnh vực khác để “biến bạc thành vàng”. Các chuyên gia cũng khuyến cáo tất cả các quốc gia cần hành động sớm để chuẩn bị cho già hóa dân số. Khi năng động và khỏe mạnh hơn, NCT có thể tham gia vào nhiều hoạt động, phát huy kinh nghiệm, trí tuệ đóng góp nhiều mặt cho gia đình và xã hội.
Ông Robert Waldinger, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sự phát triển của người trưởng thành, Đại học Harvard nhấn mạnh: “Thông điệp rõ ràng nhất mà chúng tôi nhận được từ nghiên cứu kéo dài 75 năm là: Các mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”.
Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu còn được đi thực tế, tham quan, chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy chăm sóc NCT và mô hình xã hội hóa ở Trung tâm Chăm sóc NCT Bách niên Thiên Đức. Hội thảo là dịp để các bên liên quan tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ chăm sóc NCT và tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy quá trình già hóa tích cực lành mạnh trong cộng đồng.