Chỉ 37,4% người cao tuổi có lương hưu và trợ cấp xã hội

NDĐT- Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6 năm nay, tỷ lệ bao phủ lương hưu, trợ cấp xã hội của người cao tuổi (NCT) mới đạt 37,4%. Số NCT đang được lĩnh lương hưu và trợ cấp là hơn 4,15 triệu người.   

Người cao tuổi có lương hưu: Xu hướng giảm

Tại cuộc Hội thảo “Tương lai hưu trí: Từ thách thức đến cơ hội” diễn ra ngày 8/9/2015 tại Hà Nội do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Viện Lão hoá toàn cầu (GAI), Công ty Bảo hiểm Prudential phối hợp tổ chức, Bà Trần Thị Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: hệ thống bao phủ của bảo hiểm xã hội là gần 11 triệu người, với đối tượng chính là lao động trong khu vực chính thức và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ bao phủ lương hưu đối với NCT không mấy cải thiện. Mặc dù đối tượng thụ hưởng tăng, nhưng do tốc độ già hoá dân số của Việt Nam lớn hơn, nên tỷ lệ NCT có lương hưu có xu hướng giảm. Tỷ lệ NCT được nhận lương hưu và trợ cấp xã hội đã giảm hơn 1,24% từ thời điểm năm 2012 đến nay. Điều này có nghĩa là, khoảng 62,5% người cao tuổi chưa có lương hưu hoặc trợ cấp lúc tuổi già. Tổng số NCT đang được lĩnh lương hưu và trợ cấp là 4,154 triệu người.

Theo Đại diện của Vụ Bảo hiểm bảo hiểm: một trong những định hướng cải cách chính sách lương hưu trong thời gian tới là mở rộng diện bao phủ bao gồm cả hình thức bắt buộc và tự nguyện. Cụ thể, mở rộng diện bao phủ lương hưu cho NCT, khuyến khích các hình thức tự tiết kiệm, tham gia các quỹ hưu trí, mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ… Bên cạnh đó, cũng cần cải thiện mức hưởng lương hưu. Trước hết, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, sẽ nâng dần mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Cùng với đó là xây dựng hệ thống lương hưu đa trụ cột, tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung. Mục tiêu trước mắt đặt ra là đến năm 2020, sẽ có 50% người tham gia bảo hiểm xã hội.

Người Việt Nam lo lắng về an sinh hưu trí

Theo kết quả khảo sát về thái độ và kỳ vọng vào tương lai hưu trí khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, do Viện Lão hoá toàn cầu (GAI), Công ty Bảo hiểm Prudential thực hiện, công bố cho thấy, hầu hết người dân trong khu vực này, trong đó có Việt Nam, đang lo lắng về an sinh hưu trí của họ.

“Khảo sát về hưu trí tại khu vực Đông Á, giai đoạn 2: Thách thức và cơ hội” của GAI được thiết kế và thực hiện tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái lan và Việt Nam với 10 nghìn người tham gia phỏng vấn. Đối tượng là những người đem lại thu nhập chính của hộ gia đình, từ 20 tuổi trở lên, bao gồm những người kiếm tiền chính hiện tại và người kiếm tiền chính trước đây hiện giờ đã về hưu. Tại những vùng được khảo sát, nhiều người lao động e rằng sẽ phải chịu cảnh nghèo, không đủ tiền sinh sống khi về hưu. Có tới 50% số người ở Trung Quốc và 95% số người ở Việt Nam được hỏi bày tỏ nỗi lo lắng này. Chính vì vậy, họ đang nỗ lực cải thiện kế hoạch hưu trí cá nhân, trong khi các chính phủ và ngành dịch vụ tài chính ở đây cũng từng bước ứng phó với kế hoạch nâng dần chất lượng an sinh hưu trí và thu hẹp khoảng cách so với các quốc gia phát triển.

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy, người lao động nước ta rất quan tâm tới việc làm gì để ứng phó với an sinh hưu trí trong tương lai. Hiện chỉ có khoảng 1/5 số người đang lao động Việt Nam hy vọng sẽ có thu nhập từ tài sản chính khi nghỉ hưu. Vì thế, các khoản tiết kiệm cá nhân sẽ không thể bù đắp cho số còn lại. Trong khi đó, chỉ 10% người Việt Nam tin rằng, con cái trưởng thành hoặc những thành viên khác trong gia đình, là chỗ dựa thu nhập khi nghỉ hưu của họ. Số liệu đó cho thấy, sau này, những người đang đi làm khi về hưu sẽ không thể dựa và gia đình nhiều như những người hiện đã nghỉ hưu. Điều này diễn ra khi vấn đề già hoá dân số là thách thức lớn với Việt Nam. Theo Tổng cục Dân số và kế hoạch hoá gia đình, hiện nay, tốc độ già hoá dân số tại Việt Nam đang dẫn đầu ở châu Á và nhanh thế giới trong khi đó, tuổi thọ khoẻ mạnh của người Việt Nam chưa cao. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã đạt 73 tuổi, nhưng bình quân, mỗi NCT phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống. 95% NCT có bệnh, trung bình mỗi người mắc 2,69 bệnh.

Tiến sĩ Richard Jackson, Chủ tịch GAI cho biết, rõ ràng người về hưu việt Nam cũng như các nước Đông Á đang ở một thời điểm khó khăn. Người lao động cũng đang rất lo lắng về tương lai hưu trí của họ và muốn được cải thiện. Vì thế, các giải pháp công - tư phối hợp ở đây là rất cần thiết. Tại Việt Nam, trong khi Chính phủ đang có những giải pháp công thì trên thị trường cũng đưa ra các giải pháp tư hữu ích. Kết quả từ khảo sát cho thấy, đại đa số người Việt Nam được hỏi đồng ý với các sáng kiến mới của Chính phủ, nhằm khuyến khích hoặc yêu cầu người lao động tiết kiệm nhiều hơn cho họ khi về hưu. Theo đó, giải pháp an sinh hưu trí hữu hiệu từ mua bảo hiểm và quản lý tài sản nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân. 25% số người được hỏi ở Việt Nam hy vọng về hưu có thu nhập từ các sản phẩm bảo hiểm, cổ phiếu, trái phiếu hay quỹ tương hỗ…

Bà Ritsu Nacken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định, Việt Nam bước vào quá trình già hoá dân số từ năm 2011, và là một trong những nước có tỷ lệ già hoá rất nhanh trên thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi trong dân số đã tăng lên 10,5% vào năm 2014 và sẽ tăng gấp đôi lên 23% vào năm 2040. Gần 1/5 NCT sống dưới ngưỡng nghèo và hơn 1/3 trong số họ vẫn đang phải làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức với thu nhập vừa không ổn định vừa thấp. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế tăng trưởng chậm tác động tất cả các nhóm tuổi. NCT lại phải chịu gánh nặng hơn nữa do không có cơ hội để phục hồi như các nhóm khác và cũng tác động đến tiết kiệm của họ ngày càng cạn kiệt. Từ năm 2012, thu nhập tăng lên với mỗi nhóm tuổi ở Việt Nam tăng, ngoại trừ nhóm tuổi từ 65-80. Với NCT, sức khoẻ ngày càng giảm sút, thu nhập thấp, những thay đổi trong môi trường sống đòi hỏi phải có nhiều sự chăm sóc hơn, họ ngày càng trở nên dễ bị tổn thương, cần nhiều chính sách hỗ trợ, bảo vệ giúp họ không phải chịu những cú sốc, hoặc sự rủi ro rơi vào cảnh nghèo đói.

Bà Ritsu Nacken đề xuất, chính sách xã hội cần có tính bao trùm cao, để bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương. Vì vậy, cần phải phát triển hệ thống hưu trí toàn diện, bao gồm trợ cấp lương hưu ở cả khu vực công - tư, và các trợ cấp lương hưu xã hội để bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả mọi người. Trợ cấp lương hưu xã hội cũng phải được coi là đầu tư, để giảm nghèo đói.