Đó là khẳng định của đồng chí Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Đồng chí Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ảnh: Khánh Linh)
|
Phóng viên: Thưa đồng chí, đã 40 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn là điều còn được nhắc tới. Đồng chí nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Tôi xin được khẳng định một lần nữa: Chiến thắng năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là niềm mong mỏi, tự hào của nhân dân Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Tuy nhiên, đối với một bộ phận thuộc chế độ cũ, biến cố lịch sử này dẫn đến nhiều người trong số họ rời bỏ quê hương, do tâm lý e ngại chế độ mới, không chịu được những khó khăn, vất vả về kinh tế của đất nước sau nhiều năm dài chiến tranh hoặc ra đi vì lý do nhân đạo, đoàn tụ gia đình. Đây là những vấn đề do chiến tranh để lại mà Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, giải quyết từ hàng chục năm nay.
Thực hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao và quyết tâm thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) rời đất nước vì lý do chiến tranh. Đảng ta xác định lấy ý thức dân tộc, lòng yêu nước, mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất và phát triển đất nước là cơ sở của sự đoàn kết. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài; đồng thời, khẳng định NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam
Chủ trương đúng đắn nêu trên của Đảng đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của tất cả các tầng lớp cán bộ, nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Hàng loạt các chính sách pháp luật liên quan đến NVNONN được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào ta ở nước ngoài gắn bó với đất nước, góp phần xây dựng Tổ quốc như: Pháp luật về quốc tịch, cư trú, xuất nhập cảnh, nhà đất, đầu tư…. Hưởng ứng chính sách của Đảng và Nhà nước, số lượng kiều bào về nước thăm thân nhân, du lịch, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học... ngày càng tăng, những năm gần đây đạt gần 500.000 lượt người về hàng năm, đóng góp tích cực vào công cuộc hội nhập, bảo vệ và phát triển đất nước.
Số người còn mặc cảm, có những hành động đi ngược lại lợi ích dân tộc và tiến trình đại đoàn kết dân tộc ngày càng ít đi và trở nên lạc lõng. Tuy số này không nhiều, nhưng vẫn là mối quan tâm, trăn trở của những người làm công tác về NVNONN như chúng tôi, làm sao để truyền thống đại đoàn kết của dân tộc được phát huy trong cộng đồng NVNONN, để toàn thể kiều bào cùng nhân dân cả nước trở thành một khối thống nhất, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh lưu niệm với đoàn kiều bào về vui Tết cổ truyền Ất Mùi 2015 (Ảnh: Khánh Linh) |
Phóng viên: Trong những năm qua, sau khi chúng ta chủ động thúc đẩy hòa giải, hòa hợp và đoàn kết, nhiều tín hiệu tích cực từ cộng đồng NVNONN, đặc biệt là trong một số thành phần cực đoan, bảo thủ, đã được ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn có một số kiều bào còn những e ngại. Vậy, chúng ta cần làm gì để giải tỏa những định kiến đó?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Có thể khẳng định, những thành tựu của công cuộc phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước là những tiền đề cơ bản cho quá trình hoà hợp, đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, chúng ta đã và đang đẩy mạnh đại đoàn kết dân tộc nói chung và tăng cường công tác vận động NVNONN nói riêng.
Các chính sách pháp luật, thể chế hoá quan điểm “cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” đã được ban hành và thực hiện thống nhất. Các quy định pháp luật đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con được giữ quốc tịch Việt Nam trong khi vẫn có quốc tịch nước ngoài. Hiến pháp Việt Nam xác định trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Chúng ta đã mở rộng tiếp xúc, giải thích, tạo điều kiện để những người phục vụ trong chế độ cũ trước đây, những văn nghệ sỹ… có tinh thần dân tộc được về nước, tận mắt chứng kiến sự phát triển của đất nước. Đã có rất nhiều người là quan chức cấp cao của chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, các nghệ sỹ đã về nước, có những phát biểu rất xúc động và nhiều người đã tham gia hoạt động, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta còn quan tâm giải quyết thấu đáo những vấn đề do lịch sử để lại, ví dụ như: Việc dân sự hóa nghĩa trang quân sự của chế độ cũ tại Bình Dương, để bà con kiều bào ngày càng tin tưởng hơn nữa vào chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đại đoàn kết dân tộc.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động mang tính chất “về nguồn”, tạo điều kiện cho kiều bào ta về nước, trực tiếp chứng kiến sự đổi thay, phát triển của đất nước; hỗ trợ và gắn kết người Việt ở khắp nơi trên thế giới qua văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống dân tộc.
Đến năm nay, Ủy ban đã tổ chức 4 đoàn kiều bào đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, trong đó có một số phóng viên, cơ quan báo chí của cộng đồng và một số người trước đây có thái độ cực đoan, bảo thủ với đất nước. Chuyến đi đã cho họ cái nhìn thực tế về nỗ lực của quân đội và nhân dân đang ngày đêm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, về những đổi thay của đất nước sau 40 năm giải phóng Trường Sa, 40 năm giải phóng đất nước. Họ đã xúc động, đã khóc trước tấm lòng của đất nước, của nhân dân. Thực tế từ những chuyến đi này đã đập tan những luận điệu sai trái, xuyên tạc của bộ phận cực đoan trong cộng đồng.
Hòa hợp dân tộc muốn thực hiện được đòi hỏi sự tích cực, thiện chí từ cả hai phía. Đối với những người chưa một lần trở lại quê hương, tôi mong họ hãy một lần về nước để tận mắt chứng kiến cuộc sống đang đổi mới trên quê hương. Cánh cửa của Tổ quốc vẫn đang mở cho tất cả NVNONN, tất cả những người vì mục tiêu chung của dân tộc là độc lập, thống nhất và phồn vinh.
Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) và tiến tới kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015),70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015),… Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ triển khai những công việc cụ thể nào nhằm tiếp tục huy động sức mạnh tổng lực của kiều bào ta?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2015 là năm có ý nghĩa lớn với nhiều lễ kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước như: 70 năm Quốc khánh, 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Đây là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, trong đó có cộng đồng NVNONN. Trọng tâm trong công tác NVNONN, chúng tôi đã xác định tổ chức các hoạt động dành cho kiều bào phải gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của dân tộc.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ có những hoạt động đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nhằm tôn vinh đạo lý "uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung sức, đồng lòng giữa đồng bào trong và ngoài nước để xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Mở màn cho chuỗi sự kiện năm 2015, phải kể đến chương trình Xuân Quê hương với chủ đề “Tổ quốc vinh quang” (7 – 11/2) đã được tổ chức thành công tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, với sự tham gia của hơn 1.000 kiều bào. Chương trình năm nay nhằm đề cao, tôn vinh chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của mỗi người con Việt Nam về giai đoạn hào hùng của đất nước và quyết tâm của cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước cùng xây dựng xã hội phồn thịnh. Đây là một chương trình được kiều bào ở khắp nơi trên thế giới hoan nghênh và đánh giá cao.
Tiếp đó, Ủy ban sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động dành cho kiều bào: Tham dự Giỗ tổ Hùng Vương; thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm cấp quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh; hội thảo trí thức đóng góp ý kiến cho phát triển đất nước; Trại hè Việt Nam dành cho thanh niên sinh viên kiều bào, lớp tập huấn tiếng Việt cho giáo viên kiều bào...
Ngoài ra, Ủy ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện chính sách mới cho kiều bào về quốc tịch, nhà ở, đầu tư kinh doanh trong nước; hỗ trợ và làm cầu nối khuyến khích trí thức Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, hợp tác khoa học; thúc đẩy giải quyết các quyền lợi chính đáng, các vướng mắc, khó khăn của kiều bào tại Việt Nam; các hoạt động hỗ trợ giữ gìn văn hóa dân tộc và hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn.
|
Đại diện cộng đồng người Việt tại khu vực Tây và Tây Nam nước Đức trao tiền ủng hộ cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam (Ảnh: Khánh Linh)
|
Phóng viên: Sự kiện đoàn kiều bào đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đã và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước... Đó không chỉ xem là bước đi đột phá trong vấn đề hòa giải, mà quan trọng hơn, chuyến đi này đáp ứng được nhu cầu, tình cảm của những người con đất Việt. Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về những điểm mới và ý nghĩa của chương trình năm nay?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Đáp ứng nhu cầu của kiều bào được đặt chân tới vùng đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, để động viên các chiến sỹ, nhân dân và các ngư dân đang ngày đêm bám đảo, bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong nhiều năm qua, Ủy ban đã tổ chức các đoàn kiều bào ra thăm chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.
Điểm mới của chương trình năm nay là ở chỗ, đây là một phần trong tất cả những hoạt động chung của cả đất nước kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc trong năm 2015, đặc biệt là hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam và 40 năm giải phóng Trường Sa.
Chủ đề mà chuyến đi lần này hướng tới là tôn vinh và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã đóng góp và hy sinh vì độc lập, tự do và xây dựng đất nước; tự hào về thành quả phát triển của đất nước sau 40 năm giải phóng miền Nam, 40 năm Trường Sa vững vàng trong sóng gió làm tiền tiêu của đất nước.
Việc tổ chức chuyến đi thăm Trường Sa dành cho kiều bào thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của quân dân trong nước dành cho bà con ở nước ngoài; tạo điều kiện cho kiều bào tận mắt chứng kiến đất nước đổi mới và phát triển sau 40 năm thống nhất; hiểu biết đầy đủ hơn về tình hình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền lãnh thổ, sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực biên giới, biển đảo, đặc biệt ở khu vực Biển Đông, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thông qua chuyến đi này, bà con ta sẽ thêm tự hào về thành quả phát triển đã đạt được và tin tưởng vào tương lai chung dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bà con được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, được tận mắt chứng kiến những hy sinh gian khổ cùng với ý chí quyết tâm của quân và dân huyện đảo Trường Sa để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển, đảo của Tổ quốc. Từ đó, kiều bào tự xác lập trách nhiệm góp phần mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; củng cố, nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc, động viên kiều bào ngày càng gắn bó, hướng về quê hương đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn: ĐCSVN/ Khánh Linh (thực hiện)