Chiều 28-3, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã công bố Báo cáo “Sống lâu và thịnh vượng hơn: Vấn đề già hóa dân số khu vực Đông Á - Thái Bình Dương”. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã chủ trì lễ công bố. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam Đàm Hữu Đắc đã tham dự lễ công bố báo cáo. Đây là một báo cáo rất kịp thời nhằm cung cấp các số liệu, bằng chứng và các khuyến nghị để các nhà quản lý và người dân nâng cao nhận thức về già hóa dân số ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Victoria Kwakwa đã nhấn mạnh, già hóa dân số là một trong những vấn đề đang được quan tâm và chú ý tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Già hóa dân số làm nảy sinh nhiều vấn đề mới cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, ảnh hưởng tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia tại khu vực. Do đó, các nước cần đẩy mạnh việc phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với vấn đề này. Tại lễ công bố, ông Philip OKeefe, tác giả chính của Báo cáo đã giới thiệu một số kết quả nghiên cứu chính về tình trạng già hóa dân số trong khu vực, đặc biệt nhấn mạnh về Việt Nam như: tình hình giảm độ tuổi lao động; điều kiện sống, tỷ lệ nghèo, sức khỏe của người cao tuổi (NCT) tại nông thôn và thành thị; hệ thống chính sách liên quan tới thị trường lao động, hưu trí, y tế, chăm sóc NCT, tình trạng gia tăng bệnh mãn tính v.v.
Một số điểm chính về già hóa dân số trong báo cáo
Theo báo cáo, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương hiện đang có khoảng 211 triệu người cao tuổi, chiếm 36% tổng số người trên 65 tuổi của thế giới. Dự báo đến năm 2040, hiện tượng già hóa sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động giảm từ 10- 15% tại nhiều nước. Tốc độ già hóa nhanh trên quy mô lớn đã tạo ra thách thức chính sách, áp lực kinh tế và tài khoá cũng như các rủi ro xã hội khác. Già hóa dân số đã trở thành môi quan tâm thực sự trên thế giới.
Về Việt Nam, trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã được “hưởng lợi từ dân số” (nghĩa là sự tăng trưởng kinh tế được tạo ra bởi lợi thế từ nhóm dân số đang ở độ tuổi lao động cao). Tuy nhiên, cho tới nay lợi ích này đã được sử dụng gần hết. Thành phần dân số ở độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào năm 2013 và hiện đang giảm xuống. Theo dự đoán của Liên hợp quốc, số người dân ở độ tuổi lao động của Việt Nam sẽ bắt đầu giảm xuống nhanh chóng sau năm 2035. Khi đó, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) lên trên 100 người lao động (người trong độ tuổi từ 15 tới 64) – từ 10/ 100 hiện nay sẽ tăng lên xấp xỉ 26/ 100.
Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người trên 65 tuổi là 7% dân số (tương đương 10% số người trên 60 tuổi) và đã đạt tới điểm ngoặt trong quy mô dân số già vào năm 2015. Dự báo, Việt Nam sẽ đạt ngưỡng dân số già (khi người cao tuổi từ 65 tuổi đạt 14% (tương đương 21% người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên) sau 15 năm nữa. Vào năm 2040, số người cao tuổi trên 65 của Việt Nam sẽ tăng lên 18%. Với tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới, Việt Nam là nước đối mặt với thách thức rõ rệt nhất, do vậy cần nâng cao nhận thức, có những biện pháp cụ thể và thay đổi hành vi trong xã hội để biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội.
Số năm chuyển đổi từ ngưỡng Già hóa dân số (số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt 7%) đạt ngưỡng Dân số già (số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt 14%) của Việt Nam so với một số nước.
Tên nước/ vùng lãnh thổ | Số năm chuyển đổi |
Việt Nam | 15 |
Lào | 20 |
Malaisia | 20 |
Inđônêxia | 20 |
Braxin | 20 |
Thái Lan | 20 |
Hàn quốc | 20 |
Timo Leste | 25 |
Mông cổ | 25 |
Myanma | 25 |
Thổ Nhĩ Kỳ | 25 |
Trung Quốc | 25 |
Singapo | 25 |
Nhật Bản | 25 |
Hồng Kông, TQ | 30 |
Philippin | 35 |
Nam Phi | 40 |
Vương quốc Anh | 45 |
Liên bang Nga | 50 |
Hoa Kỳ | 69 |
Pháp | 115 |
Ngân hàng thế giới đề xuất một số biện pháp cải cách để đối phó với già hóa dân số:
1) Mở rộng hệ thống hưu trí bền vững về tài chính, có sự tham gia của đa số dân chúng và cải cách hệ thống hưu trí hiện tại, trong đó bao gồm biện pháp tăng dần tuổi nghỉ hưu, mở rộng phạm vi bảo hiểm sang khu vực không chính thức để người lao động trong khu vực này cũng đóng góp và có lương hưu khi về già;
2) Chuyển hướng hệ thống y tế để thích hợp với dân số già hóa, từ chỉ tập trung vào chăm sóc tại bệnh viện sang chăm sóc ban đầu để phòng chống các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường..., đào tạo lực lượng cán bộ y tế có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc ban đầu với chất lượng cao, xây dựng các mô hình chi phí vừa phải, kết hợp các phương pháp cung cấp dịch vụ dựa trên cộng đồng và tại nhà; khuyến khích lối sống khỏe mạnh, phòng bệnh là chính để có được một lớp người cao tuổi khỏe mạnh và tích cực;
3) Việt Nam cần có biện pháp để tăng lực lượng lao động, đặc biệt là lao động cao tuổi tại khu vực thành thị. Để bù đắp cho sự giảm sút trong cấu trúc dân số ở độ tuổi lao động, nên tăng cường sự tham gia lực lượng lao động của nữ giới và kéo dài độ tuổi lao động của người dân thành thị thông qua những cải cách về độ tuổi nghỉ hưu, các loại hình lao động và những biện pháp khác.
4) Cuối cùng, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo nên phát triển các chính sách và tài chính công cho công tác chăm sóc người cao tuổi và chăm sóc dài hạn. Theo đó, hiện mạng lưới chăm sóc người cao tuổi không chính thức của Việt Nam đang phổ biến và ngày càng gặp khó khăn, vì vậy cần có các chính sách và tài chính công chủ động để khuyến khích sự hỗ trợ cho gia đình, tăng cường hệ thống chăm sóc chính thức tại nhà và dựa vào cộng đồng.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới khẳng định “Già hóa dân số là một thách thức đối với người dân ở mọi lứa tuổi tại Việt Nam, đòi hỏi có sự ứng phó rộng rãi của toàn xã hội. Mặc dù vậy, những lựa chọn chính sách nhạy bén và thay đổi hành vi sẽ có thể giúp giải quyết được thách thức của quá trình già hóa và đảm bảo để nhân dân Việt Nam được sống thọ và thịnh vượng hơn"