Việt Nam hiện là nước đứng thứ 12/22 nước có số người bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 14/27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc. Hơn nữa, lao kháng thuốc đang có xu hướng gia tăng, là một thách thức lớn cho công tác điều trị và phòng chống bệnh lao tại cộng đồng.
Nỗ lực đối phó, kiểm soát tình trạng kháng thuốc
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, mỗi năm, nước ta xuất hiện thêm khoảng 130.000 người mắc lao, nhưng chúng ta mới chỉ phát hiện được khoảng 100.000 người. Như vậy, khoảng 30.000 bệnh nhân còn lại chưa được phát hiện trong cộng đồng và không được điều trị bệnh theo đúng phác đồ. Đây là một trong những nguyên nhân làm lây lan bệnh lao ra cộng đồng, gia tăng con số tử vong trong năm.
Đáng chú ý, ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 5.100 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc. Con số này không phải là nhỏ và gây nhiều khó khăn cho xã hội, ngành Y tế và bệnh nhân vì thời gian điều trị lao kháng thuốc hay lao đa kháng thuốc có thể kéo dài đến hàng năm. Bên cạnh đó, thuốc điều trị lao kháng thuốc cũng đắt hơn 40 lần so với thuốc điều trị lao thông thường.
Thuốc điều trị lao thông thường sử dụng trong một phác đồ điều trị là khoảng 50-100 USD, nhưng đối với trường hợp lao kháng thuốc thì riêng tiền thuốc đã gần 3.000 USD. Hiện nay, nước ta đang nhận được hỗ trợ của tổ chức cung ứng thuốc toàn cầu, nên số tiền thuốc điều trị lao kháng thuốc đã giảm còn 2.000 USD/phác đồ. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất cao so với mức sống của nhiều người bệnh hiện nay.
|
Bệnh nhân điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: T.Hà
|
Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, nguyên nhân chủ yếu nhất về tình trạng kháng thuốc, phần lớn là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, hoặc cũng có thể do thầy thuốc điều trị không theo hướng dẫn của Bộ Y tế dẫn đến lao kháng thuốc. Bên cạnh đó, công tác phát hiện, kiểm soát các đối tượng nghi lao kháng đa thuốc chưa đầy đủ tại một số địa phương. Tại nhiều địa phương, Tổ chống lao đặt tại Trung tâm Y tế, trong khi đó, sự phối hợp giữa Trung tâm Y tế và Bệnh viện huyện chưa tốt trong việc gửi người nghi lao kháng thuốc đi xét nghiệm cũng là nguyên nhân làm cho hoạt động quản lý bệnh nhân lao kháng đa thuốc gặp nhiều khó khăn.
Thông thường, một liệu trình điều trị lao ít nhất là 6 tháng; đối với lao kháng thuốc, thời gian điều trị phải từ 19 - 24 tháng với quá trình điều trị nghiêm ngặt, nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Nếu không tuân thủ sẽ trở thành siêu kháng thuốc, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, bệnh nhân thường khó tuân thủ. Phần lớn bệnh nhân đều rất chủ quan, không “nhớ” tư vấn của bác sĩ là vi trùng lao sống rất “dai”, luôn chờ cơ hội để bùng phát trở lại.
Năm 2014, với chỉ tiêu thu dung bệnh nhân lao kháng thuốc tăng 50% so với 2013, Chương trình phòng, chống lao Quốc gia đã mở rộng diện triển khai tới 41 tỉnh, thành trên toàn quốc và tăng cường đào tạo, giám sát nhằm bảo đảm việc thực hiện đúng quy trình và chất lượng quản lý bệnh nhân. Với kết quả thu dung đạt 102% so với chỉ tiêu cho thấy nỗ lực lớn của Chương trình phòng, chống lao quốc gia trong việc tăng cường phát hiện bệnh nhân lao kháng thuốc.
Năm 2015, Chương trình phòng, chống lao Quốc gia phấn đấu giảm tỷ lệ số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống còn 187/100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới tỷ lệ 18/100.000 dân; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Đồng thời, Chương trình phấn đấu đến hết năm 2015, 100% số bệnh nhân lao được tiếp cận điều trị với công thức điều trị chuẩn của Chương trình và được cung cấp các thuốc chống lao hạng một đầy đủ, đảm bảo chất lượng; tăng cường nghiên cứu, áp dụng các thành tựu mới về chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao; tăng cường đào tạo kiến thức cho cán bộ y tế cơ sở về chẩn đoán và điều trị bệnh lao...
Hơn 70% số người mắc lao là nông dân
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống lao đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia Phòng, chống lao tới năm 2020 và tầm nhìn 2030, thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ và Bộ Y tế với Chương trình phòng, chống lao Việt Nam. Ngân sách từ Chính phủ cho Chương trình chống lao năm 2014 đã tăng 17% so với năm 2013, đáp ứng được phần nào nhu cầu triển khai các hoạt động trọng tâm của Chương trình.
Tại Hội nghị triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, được tổ chức năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Hiện nay, hơn 70% số người mắc bệnh lao là nông dân. Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng, đoàn thể, cơ quan nhà nước chủ trì các chương trình có liên quan đến nông thôn, người dân nghèo cần coi nội dung phòng, chống bệnh lao là nhiệm vụ quan trọng. Để công tác phòng, chống lao thời gian tới đạt kết quả, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là phải làm tốt công tác điều tra xác định chính xác số người mắc bệnh lao để theo dõi và điều trị, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, điều trị bệnh lao phải kiên trì và quyết tâm thực hiện liên tục trong 5 năm, 10 năm mới có kết quả cụ thể. “Riêng bệnh lao, bằng mọi cách, dứt khoát không thể để thiếu thuốc. Trước mắt, có gì cần thiết liên quan đến trang thiết bị, chế độ, đề nghị Bộ Y tế và các Bộ khác phải bàn bạc thật kỹ và hành động. Đồng thời, cần phải xác định đúng số người mắc bệnh lao để theo dõi điều trị và ngăn chặn, không để bệnh lao tiếp tục lây truyền”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, xác định có hơn 70% số người mắc bệnh lao là nông dân nên trong năm 2014, đã có 7 mô hình chi hội “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao” được thành lập. Các mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả trong phát hiện lao sớm, cắt đứt nguồn lây lao trong cộng đồng và huy động cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn bệnh lao. Với 62 mô hình, 14 câu lạc bộ, năm 2014, các mô hình đã tư vấn và hỗ trợ hơn 16.000 người, vận động được hơn 9.000 người nghi mắc lao đi khám tại trạm y tế và phát hiện được hơn 400 người mắc lao. Trong số này, hiện có gần 800 người mắc lao đang điều trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp và hơn 500 người lao trực khuẩn kháng cồn kháng toan AFB(+), phát hiện được 40 bệnh nhân lao kháng đa thuốc.
Việt Nam sẽ áp dụng thuốc chống lao mới cho các trường hợp lao siêu kháng
Một tin vui cho những bệnh nhân lao nói chung, lao đa kháng thuốc nói riêng là thời gian tới, ngành Y tế sẽ áp dụng phác đồ mới điều trị bệnh lao, sử dụng những loại thuốc mới nhất hiện nay và rút ngắn thời gian điều trị. Hiện đã có hai loại thuốc mới điều trị bệnh lao đã được cơ quan chức năng phê duyệt sử dụng. Dự kiến, Việt Nam sẽ áp dụng thuốc chống lao mới cho các trường hợp lao siêu kháng, tiền siêu kháng thuốc mà các phác đồ hiện nay không còn tác dụng.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: “Thuốc mới thường là rất đắt tiền, trong khi đó, số đông bệnh nhân lao là người nghèo, Chương trình sử dụng thuốc mới sẽ áp dụng miễn phí cho 100 trường hợp tại 3 thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, dự kiến vào đầu năm 2015. Đây là những địa phương có tỷ lệ người mắc lao kháng thuốc nhiều nhất, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm 40% số bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc của cả nước”.
Thuốc mới đầu tiên được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ phê duyệt và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hướng dẫn là Bedaquiline, được sản xuất tại Mỹ. Thuốc thứ hai sắp tới sẽ là Delamanid có nguồn gốc từ Nhật Bản. Thông qua hỗ trợ của WHO, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên áp dụng các thuốc này. Hy vọng, với cách tiếp cận như vậy, người mắc lao sẽ có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn và Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2014 vừa qua sẽ sớm thành công.
Tiếp tục chủ đề của năm 2014, Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao năm 2015 trên toàn cầu sẽ là: “Tiến tới 3 triệu - Xét nghiệm bệnh lao để điều trị và chữa khỏi bệnh cho tất cả mọi người”. Và thông điệp chính của năm 2015 là: “Tiếp cận, điều trị và chữa khỏi bệnh cho mọi người”. Ngày Thế giới phòng, chống lao 2015 kêu gọi sự nỗ lực của toàn cầu để tìm kiếm, điều trị và chữa khỏi bệnh cho tất cả những người mắc bệnh lao, đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì một thế giới không còn người bệnh lao vào năm 2035.
Tại Việt Nam, chủ đề chính cho Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Lao 2015 vẫn tiếp nối chủ đề của năm 2014, đó là: “Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược Quốc gia phòng chống lao”.
Với thông điệp “Tiếp cận, điều trị và chữa khỏi bệnh cho mọi người”, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, chúng ta hãy tin tưởng rằng: “Bệnh lao có thể chữa khỏi, hãy chung tay cứu lấy sinh mạng con người ! Đừng lo lắng bởi vì: “Bạn có biết chụp phim phổi có thể phát hiện sớm bệnh lao ?”.
Để bệnh lao không còn là gánh nặng, chúng ta “Hãy chung tay phát hiện và điều trị lao miễn phí cho tất cả mọi người Việt Nam”, hãy “Giúp một người chữa khỏi bệnh lao là giảm nguy cơ mắc lao cho chính mình”.
Việc phòng và chữa bệnh lao không chỉ là trách nhiệm ngành Y tế mà là của cả cộng đồng, vì sức khỏe người bệnh và cũng là phòng lao cho chính mỗi chúng ta./.
*
Kháng thuốc là khi vi trùng lao trong cơ thể kháng hoặc chống lại với một hay nhiều loại thuốc điều trị. Có bệnh nhân chỉ bị kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, nhưng có bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng hơn gọi là “lao kháng đa thuốc”, và có bệnh nhân kháng thuốc mức độ nguy hiểm hơn nữa gọi là “lao siêu kháng thuốc”.
Nguồn: ĐCSVN/Đỗ Thoa