Tọa đàm: Tiến tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam

Ngày 06/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội NCT Việt Nam, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm “Tiến tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho NCT Việt Nam”, nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế NCT (01/10) với Chủ đề “Tiến tới quyền bình đẳng cho NCT”. Bà Ngô Thị Mến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam; bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam; đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình; các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới; đại diện các bộ, ban, ngành tham dự.


Quang cảnh buổi tọa đàm

 

Xu hướng già hóa dân số toàn cầu và tác động của già hóa dân số tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân; Công bố báo cáo nghiên cứu “Góc nhìn Việt Nam: Quyền  được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho NCT”; Thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe NCT dưới góc độ cộng đồng và góc độ chính sách và định hướng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT tầm nhìn 2030 là những nội dung chính được trình bày và thảo luận tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tham luận, Chuyên gia tư vấn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ Vũ Đình Huy cho biết: Bao phủ Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới là sự bảo đảm mọi người dân và cộng đồng được nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng mà họ cần, được bảo vệ khỏi các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe với một chi phí phải chăng. Để đạt được Bao phủ Sức khỏe Toàn dân, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến già hóa dân số và già hóa khỏe mạnh là cách tiếp cận để đáp ứng với già hóa dân số, nhằm đảm bảo quyền con người, phát triển bền vững và mang lại lợi ích kinh tế. Thực hiện già hóa khỏe mạnh phải được bắt đầu từ sớm trong cuộc đời với những cố gắng của cá nhân; và tiếp tục trong những năm sau với hỗ trợ của ngành y tế, hệ thống chăm sóc dài hạn và môi trường thân thiện với NCT. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe Toàn dân của Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” của Liên Hợp Quốc, việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho NCT là vô cùng cần thiết.

 

Đại biểu tham dự tọa đàm

 

Tham luận được trình bày bởi Trung ương Hội NCT Việt Nam và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng chỉ ra những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho NCT: Tuy tuổi thọ trung bình đạt 73,5 tuổi nhưng số năm sống khỏe mạnh của NCT Việt Nam chỉ đạt khoảng 64 tuổi. NCT Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép với trung bình mỗi NCT đều mắc từ 3-4 bệnh với tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm tăng lên nhanh chóng, trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe còn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của NCT. Khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho NCT còn hạn chế, thiếu nhân lực được đào tạo chuyên ngành lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc NCT. Hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến NCT còn thiếu, không có số liệu quốc gia về NCT. Thêm vào đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cho NCT. Đồng thời khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của NCT còn hạn chế, đặc biệt là NCT ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. 

 

Đại biểu Hội NCT huyện Đan Phượng, TP Hà Nội phát biểu

 

Đề cập đến những nhu cầu thực tế của NCT tại cộng đồng, bà Nguyễn Thị Điểm, Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết: NCT đang cần nhất là được tư vấn sức khỏe. Vì NCT nếu có bệnh là sẽ diễn tiến rất nhanh, chỉ vài tiếng có thể qua đời, nhưng nếu được hướng dẫn cách xử lý thì sẽ tự xử lý được trong những tình huống đó….Tốt nhất là nên đầu tư cho mỗi cộng đồng các bộ dụng cụ tập luyện để khuyến khích người dân tập luyện. Bà nhấn mạnh: Tất cả những cái gì mà làm cho người ta khỏe mạnh không phải đi bệnh viện là tốt nhất, vừa có lợi cho NCT và người ít tuổi cũng tự nâng cao được sức khỏe của mình. NCT cũng mong có các bệnh viện lão khoa ở cấp quận/huyện. Thực tế đã có nhiều chính sách cho NCT, nhưng còn nhiều cái chưa được thực hiện.

 

Đại diện tổ chức quốc tế phát biểu

 

Đại biểu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu

 

Một số ý kiến thảo luận tại hội trường cũng nhấn mạnh cần thiết hoàn thiện các chính sách về giải pháp, dịch vụ chăm sóc dài hạn và hướng tới chăm sóc NCT tại cộng đồng. Đẩy mạnh sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, ban ngành trong và ngoài nước trong công tác chăm sóc NCT. Ngoài ra, cần  đưa vấn đề NCT vào các chính sách y tế và tạo điều kiện để NCT tham gia theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện các chính sách này. Đối với NCT, báo cáo khuyến nghị cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về quyền được chăm sóc sức khỏe cũng như các kiến thức phòng chống và tự quản lý bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, việc xây dựng các chương trình giáo dục về chăm sóc lão khoa cho nhân viên y tế, cũng như cải thiện hệ thống thông tin y tế nhằm thu thập đầy đủ các dữ liệu về NCT cũng được các bên liên quan đưa ra tại buổi tọa đàm.