Khám chữa bệnh cho NCT (Ảnh: Lê Tuệ Minh)
Thực hiện Luật Người cao tuổi, vừa qua Viện nghiên cứu NCT Việt Nam đã tổ chức đợt nghiên cứu và điều tra về chăm sóc sức khỏe NCT tại các xã: Thanh Luông, Noong Hẹt thuộc huyện Điện Biên và xã Thanh Minh, phường Nam Thanh thuộc thành phố Điện Biên, đồng thời Viện đã tiến hành tọa đàm khoa học về chăm sóc NCT tỉnh Điện Biên. Qua nghiên cứu và tọa đàm thấy rằng, số NCT tỉnh Điện Biên đến cuối năm 2015 có 33.865 người chiếm 6,27% dân số của tỉnh. Tuy chưa phải là tỉnh già hóa dân số, song hàng năm Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở y tế ban hành văn bản chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm Y tế cấp huyện đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho NCT. Ngành y tế đã tổ chức tốt việc tiếp đón chu đáo, khám bệnh cho NCT tận tình, không để người bệnh cao tuổi phải nằm chung giường. Sở Y tế từng bước tổ chức quản lý bệnh mãn tính cho NCT theo các chương trình, dự án để phát hiện, xử lý kịp thời bệnh tật; tăng cường công tác phục hồi chức năng cho người bệnh cao tuổi sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị tại gia đình. Sở y tế đã chỉ đạo ngành y tế kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, nhất là với tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh cao tuổi. Tại trạm y tế các xã phường, nơi đoàn đến nghiên cứu, việc quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT, đặc biệt là NCT bị tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa bị ốm đau đã được trạm y tế cử cán bộ đến tận nhà khám và điều trị. Hàng năm, Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan triển khai các đợt khám sàng lọc các bệnh mãn tính cho NCT như: Cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thoái hóa khớp, bệnh về hô hấp, tim mạch, bệnh lý hệ thống tiêu hóa và giảm thị lực do đục thủy tinh thể, trầm cảm, sa sút trí tuệ và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…
Theo số liệu thống kê của tỉnh, hiện nay, số NCT có thẻ bảo hiểm y tế chiếm 98,7%, số NCT bị bệnh mãn tính không lây nhiễm (ít nhất một bệnh) chiếm 46,8%; số lượt NCT đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên tổng số lượt người đến khám, chữa bệnh chiếm 15,66%; số người được khám sàng lọc là 4.524 người, số NCT bị huyết áp và tiểu đường được quản lý là 5.804 người; số NCT bị tàn tật, di chứng chấn thương, tai biến…được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là 308 người; số NCT được khám mắt năm 2015 là 7.084 người, trong đó mổ đục thủy tinh thể là 581 ca, mổ mộng là 43 ca, mổ quặm là 02 ca; số NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe là 2.904 người; số NCT được tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏelà 14.833 người.
Bên cạnh những thành công ban đầu, số NCT ở Điện Biên đang có xu hướng tăng nhanh, mắc nhiều bệnh mãn tính, đòi hỏi tỉnh phải phát triển mạnh chuyên ngành lão khoa. Tuy nhiên, đến nay nguồn nhân lực lão khoa thiếu và yếu ở tuyến cơ sở, kinh phí hoạt động chăm sóc NCT còn quá hạn hẹp. Sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và gia đình ở cơ sở còn hạn chế, nhất là chăm sóc sức khỏe tại nhà cho NCT. NCT khi ốm đau đi khám bệnh khó di chuyển vì yếu, mắc nhiều bệnh, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán còn lạc hậu, ngôn ngữ bất đồng, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, dịch vụ kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT. Việc điều trị, chăm sóc sức khỏe tại gia đình hiện chưa được thực thi. Công tác quản lý, tư vấn chăm sóc sức khỏe NCT ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Hội NCT các cấp còn thiếu sự gắn kết trong triển khai chính sách, các hoạt động hỗ trợ NCT rèn luyện nâng cao sức khỏe, luyện tập thể thao…góp phần nâng cao sức khỏe NCT.
Để từng bước tháo gỡ những rào cản, Điện Biên cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về chăm sóc NCT; thực hiện tốt sự phối hợp giữa ngành y tế với các cấp, các ngành trong chăm sóc NCT; tăng cường trách nhiệm gia đình trong chăm sóc sức khỏe NCT; quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền sức khỏe cho NCT bằng nhiều hình thức; tiếp tục đào tạo cán bộ chuyên ngành lão khoa; thành lập các khoa lão khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện; bố trí phòng khám riêng cho NCT; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT tuyến y tế xã, phường, thị trấn.