Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam tại Thông báo kết luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ủy ban Quốc gia về NCT, Bộ Y tế vừa có Công văn số 2248/BYT-KCB gửi các Sở Y tế, các Bệnh viện trực thuộc Bộ và Y tế ngành thành lập Khoa Lão và chăm sóc sức khỏe cho NCT.
Nôi dung yêu cầu Sở Y tế tỉnh, thành phố: Chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố thành lập khoa Lão, tiêu chí thành lập khoa Lão; Giám đốc các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện ngành (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi) thành lập khoa Lão theo tiêu chí của Bộ Y tế. Các đơn vị thực hiện chăm sóc sức khỏe cho NCT thực hiện theo Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT, kinh phí để thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/2/2011 của Bộ Tài chính.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khoa Lão là khoa lâm sàng nằm trong bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thực hiện điều trị các bệnh cho NCT. Đối tượng điều trị tại khoa Lão là NCT mắc nhiều bệnh mạn tính cần điều trị cùng lúc, có các hội chứng lão khoa đặc trưng: Hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn dáng đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, mất nước, dùng nhiều thuốc (polypharmacy), nguy cơ tai biến điều trị cao... Người bệnh cao tuổi cần chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời. Tùy thuộc vào quy mô bệnh viện, quy mô giường bệnh của khoa Lão chiếm 10% tổng số giường bệnh kế hoạch của bệnh viện (tối thiểu từ 30 giường trở lên).
Khoa Lão gồm các bộ phận chuyên môn: Phòng điều trị nội trú; phòng chăm sóc bệnh nhân nặng hộ lí cấp I (từ 5-10 giường); phòng thủ thuật; phòng tập phục hồi chức năng cho NCT sau giai đoạn cấp; Phòng khám Lão khoa tại Khoa Khám bệnh (do khoa Lão phối hợp tổ chức) và Đội Lão khoa di động.
Tùy theo điều kiện của cơ sở khám, chữa bệnh và yêu cầu của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho NCT, khoa Lão có thể tổ chức thêm các bộ phận khác như đội tư vấn, giáo dục sức khỏe, đội tư vấn ngoại viện…
Hướng dẫn cũng đề nghị nên có phòng tập phục hồi chức năng riêng với diện tích khoảng 30m2 và các trang thiết bị phục hồi chức năng, tập luyện cho NCT về vận động (giường Bobat, thanh song song, gậy tập đi, máy kích thích điện…), hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu nếu có thể. Nếu bệnh viện không bố trí được phòng tập, bác sĩ phục hồi chức năng tại khoa Lão thì cần có quy định về sự phối hợp giữa khoa Lão và khoa Phục hồi chức năng để bảo đảm người bệnh điều trị ở khoa Lão được phục hồi chức năng tích cực.
Khu vực Phòng khám Lão khoa (do khoa Lão phối hợp tổ chức) phải xây dựng quy trình khám bệnh phù hợp, thân thiện với NCT: Khám bệnh tập trung, quầy tiếp đón một cửa, có ghế chờ, hệ thống báo gọi, biển chỉ dẫn, điều hòa, cây cảnh, tranh ảnh… Nên có khu vệ sinh riêng cho NCT trong lúc chờ khám bệnh…
Có khu vực ưu tiên khám trước cho người trên 80 tuổi: Được nhân viên y tế trợ giúp di chuyển, hướng dẫn làm thủ tục khám bệnh và đưa đi làm xét nghiệm cận lâm sàng…
Hiện Việt Nam có khoảng 10,1 triệu NCT, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỉ trọng NCT Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011. NCT Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mạn tính (tiểu đường, huyết áp…). Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% NCT sống trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu.
Nguồn: Ngaymoionline.vn