Đi kèm với tình trạng “già” hóa dân số ở Việt Nam hiện nay, vấn đề chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người cao tuổi (NCT) đòi hỏi cần có những thay đổi cả về lượng và chất.
Đây là những mong muốn của các đại biểu tại Hội thảo “Xây dựng hệ thống CSSK NCT tại Việt Nam” được Viện Lão khoa quốc gia tổ chức sáng 28/3 tại Hà Nội.
Vừa thiếu, vừa yếu
TS Phạm Thắng – Giám đốc Bệnh viện (BV) Lão khoa T.Ư cho biết, già hóa dân số là một thách thức với hệ thống y tế Việt Nam. Bởi lẽ, con người càng về già, khả năng mắc các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, loãng xương, suy giảm trí tuệ… ngày càng gia tăng. Tại BV Lão khoa T.Ư, trung bình mỗi bệnh nhân nhập viện đều mắc 5 - 6 bệnh khác nhau cần phải chữa trị cùng một lúc. Vì vậy, chi phí CSSK cho NCT cũng cao gấp 7 – 10 lần chi phí với người trẻ. Trong khi đó, có đến 30% NCT ở nước ta không có bất kỳ một loại bảo hiểm nào. Mặt khác, tại Việt Nam, hệ thống lão khoa còn rất yếu. Đến nay, cả nước mới chỉ có 40% các BV có thành lập khoa Lão khoa. BV đã có thì mới chỉ dừng lại ở công tác chăm sóc y tế cho NCT, chưa triển khai chăm sóc toàn diện cho NCT dẫn đến tình trạng cứ một NCT nằm viện, có 3, 4 người nhà đi kèm.
Người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện. Ảnh: Hà Ngân
Đặc biệt, theo chia sẻ của TS Thắng, nhiều BV vẫn có tư tưởng cứ bệnh nhân nhiều tuổi là chuyển về khoa Lão. Nhiều trường hợp bệnh nhân khoảng 60 tuổi nhập viện do mắc một bệnh cũng được điều chuyển về đây. Thực tế, khoa Lão là nơi điều trị cho những người già mắc nhiều bệnh phức tạp. Thay vì mỗi bệnh phải uống một loại thuốc, các bác sĩ lão khoa sẽ có nhiệm vụ giảm bớt thuốc mà vẫn đảm bảo phác đồ điều trị phù hợp với NCT. Cùng với đó, theo nhận định của TS Thắng, công tác chăm sóc cuối đời, chăm sóc giảm nhẹ - một việc mang tính nhân đạo cao thì ở Việt Nam chưa được chú trọng nhiều. Trước thực trạng trên, đa số các đại biểu đều thừa nhận, công tác CSSK cho NCT ở Việt Nam hiện nay còn thiếu và yếu.
Thành lập đội lão khoa lưu động
Lợi thế trong công tác CSSK cho NCT ở Việt Nam là môi trường chính sách. Luật NCT, chương trình hành động quốc gia về NCT và nhiều chính sách khác nhằm bảo về quyền lợi cho NCT đã được ban hành. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ. “Hiến kế” cho công tác CSSK NCT, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, cần lồng ghép, tăng cường chức năng CSSK NCT tại các trạm y tế và BV tuyến huyện, nhất là trong mô hình bác sĩ gia đình. Đặc biệt, cần chú trọng đến công tác phòng bệnh cho NCT từ chế độ dinh dưỡng, tập luyện cho người già “khỏe mạnh”, cách kiểm soát để không xảy ra biến chứng với người già có bệnh và cách để những biến chứng không gây ảnh hưởng đến khả năng tự chủ sinh hoạt đối với những người già có bệnh đã chuyển sang biến chứng.
Nhiều đại biểu khác lại tâm đắc với ý tưởng thành lập đội lão khoa di động tại các BV. Cụ thể, đội lưu động này sẽ hỗ trợ các khoa phòng trong BV mỗi khi có bệnh nhân là NCT, nhất là với khoa cấp cứu và điều trị phục hồi chức năng. Thậm chí, nếu có thể sẽ thành lập cả đội lão khoa lưu động ngoài BV hợp tác với các BV chuyên ngành để chăm sóc tại nhà cho các tình huống phức tạp liên quan đến nội khoa, tâm thần, xã hội. Đây cũng là những kế hoạch trong thời gian tới của BV Lão khoa T.Ư. Cùng với đó, BV sẽ triển khai xây dựng cơ sở 2 tại Hà Nam để giảm quá tải cho cơ sở 1 hiện nay. Nhiều người kỳ vọng, với những kinh nghiệm học hỏi từ các nước như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với nội lực, NCT ở Việt Nam sẽ được hưởng hệ thống y tế CSSK toàn diện.
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa sắp thành lập khoa Lão
Sáng 28/3, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Lê Hưng – Giám đốc BV Đa khoa Đống Đa cho biết, hiện nay, BV có 3 khoa nội, Ban Giám đốc BV đang lên kế hoạch chuyển đổi mô hình, phân bổ lại cơ cấu bệnh tật để chuyển một khoa nội thành khoa Lão với quy mô 40 giường bệnh, phục vụ cho nhu cầu CSSK NCT trên địa bàn Thủ đô. Dự kiến, trong quý II/2016, khoa Lão tại BV sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Nguồn: Trần Nga/Báo Kinh tế & Đô thị điện tử (ngày 29/03/2016)