23/12/2021 11:05

Một số vấn đề về chính sách an sinh xã hội với NCT giai đoạn 2021-2030

Theo điều tra dân số tháng 4/2019 cả nước có 11,4 triệu NCT (chiếm 11,86%); trong đó gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, 7,29 triệu người sống ở nông thôn (chiếm 64,4% dân số). Khoảng 42,2% NCT có thu nhập thông qua các chính sách của Nhà nước gồm: 1,8 triệu NCT được trợ cấp xã hội hằng tháng, 1,4 triệu NCT hưởng chế độ người có công với cách mạng, gần 2 triệu NCT đang hưởng lương hưu và chế độ bảo trợ xã hội hằng tháng.

Như vậy, gần 60% NCT khi về già không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con cái. Hơn nữa, mức thu nhập của NCT từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước thấp, còn rất khiêm tốn so với nhu cầu tiêu dùng của NCT bởi ở họ bình quân có 3 bệnh mạn tính và nhu cầu chi tiêu cho khám chữa bệnh cao. Do đó, mặc dù đã có thu nhập, bảo hiểm y tế được Nhà nước hỗ trợ, song phần đông NCT vẫn gặp khó khăn nếu không được hỗ trợ, chăm sóc trực tiếp từ con cháu. Một bộ phận do điều kiện con cháu không có hoặc không thể hỗ trợ được lại càng khó khăn hơn.

 

Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam

 

Khi Việt Nam chúng ta bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh, đặt ra cho chính sách an sinh đối với NCT một yêu cầu mới. Nếu không có nhận thức đúng đắn và hoàn thiện các chính sách về kinh tế - xã hội, thích ứng với già hóa dân số thì sau những năm 2030 vấn đề an sinh xã hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng phải hết sức chủ động hoạch định chính sách cho phù hợp.

Với vị thế và đóng góp của mình cho gia đình và xã hội, NCT luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Sự quan tâm đó thể hiện qua định hướng chiến lược của Đảng qua các thời kì, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước qua chỉ đạo của các cấp, các ngành, các địa phương…

Hiến pháp 2013, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kì, Luật NCT năm 2009 đều thể hiện rõ quyền được bảo đảm an sinh xã hội của NCT, quyền được bảo vệ, được chăm sóc, được phát huy vai trò của mình cho xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và NCT luôn được kính trọng. Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về NCT, ban hành Chương trình Hành động Quốc gia về NCT, đặc biệt, cho thành lập Hội NCT Việt Nam từ năm 1995, một tổ chức xã hội của NCT đã tham gia vào các hoạt động, tham mưu chính sách về NCT, triển khai các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Bằng hoạt động của mình, Hội NCT đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện chính sách với NCT được tốt hơn.

Với nền tảng chính sách, pháp luật của Việt Nam, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, của gia đình, xã hội, đời sống NCT đã tốt lên rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên như đã nêu ở trên, số NCT có tích lũy thấp, mức trợ cấp cho NCT còn khiêm tốn, chúng ta lại đang vào giai đoạn già hóa nhanh, yêu cầu cho chăm sóc sức khỏe tăng ở NCT… Do vậy, cùng với tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh nói chung cho NCT nói riêng, ngay từ bây giờ, chúng ta phải triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách thiết thực, hiệu quả nhất.

Để chủ động thích ứng với tình hình già hóa dân số tới đây, thiết nghĩ trước tiên chúng ta phải chủ động trong nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cụ thể hóa chủ trương thành chương trình cụ thể để triển khai phù hợp với điều kiện của mình. Đồng thời cần phải xúc tiến một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về già hóa dân số của nước ta, nêu rõ những vấn đề đặt ra khi chúng ta bước vào giai đoạn dân số già như nguồn lực dành cho thực hiện chính sách an sinh xã hội, nguồn nhân lực cho nền kinh tế… Từ đó, nâng cao trách nhiệm của xã hội, của mỗi tổ chức, cá nhân và các cơ quan hoạch định chính sách.

Thứ hai: Cơ quan quản lí về ngành, lĩnh vực phải chủ động rà soát các chính sách đã có, đánh giá tác động của mỗi chính sách làm cơ sở để báo cáo Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền cho tiếp tục thực hiện hoặc cần bổ sung, sửa đổi. Trong đó, quan tâm chính sách bảo hiểm xã hội, nghiên cứu chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện. Truyền thông nêu rõ hơn là mọi người dân phải có trách nhiệm tích lũy khi về già. Tiếp tục nghiên cứu chính sách thôi việc một lần bảo đảm khi về già có một phần thu nhập chủ động. Hiện nay gần 2 triệu người già có một phần thu nhập Nhà nước đang hỗ trợ 360 nghìn đồng/người/tháng.

Thứ ba: Cơ quan hoạch định chính sách chung phải chủ động bằng các chính sách vĩ mô cho phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật gắn với cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm điều kiện ngân sách, năng lực tổ chức thực hiện.

Thứ tư: Có cơ chế đủ, rõ, thuận lợi phù hợp với chủ trương xã hội hóa các hoạt động dịch vụ hỗ trợ NCT huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Có sự phối hợp đồng bộ trong công tác NCT, trong chăm sóc và phát huy tiềm năng của NCT.

Thứ năm: Hoạt động của Ủy ban Quốc gia về NCT ngày càng được tăng cường, có hiệu quả thiết thực, đầu tư hơn nữa theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia về NCT giai đoạn 2021-2030. Các cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia về NCT cùng với việc tham mưu hoạch định chương trình cho giai đoạn tới phải đánh giá kết quả thực hiện của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020 để có giải pháp tích cực thực hiện chỉ tiêu thuộc lĩnh vực phụ trách cho giai đoạn mới.

Thứ sáu: Tạo điều kiện thuận lợi để hội viên NCT, Hội NCT các cấp thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật NCT.

Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả với các nhóm công việc hiệu quả như: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống của NCT; xây dựng gia đình kiểu mẫu, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; kính trọng, bảo vệ, chăm sóc NCT; bảo vệ, giúp đỡ NCT gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa. Trong từng nhiệm vụ trên có các chính sách cụ thể, phù hợp. Cùng với sự đồng lòng của các cấp, các ngành khi tổ chức thực hiện. Cũng là giải pháp thiết thực nhất để từng bước thích ứng với già hóa dân số chủ động và hiệu quả.

                                                                                                  Phạm Thị Hải Chuyền

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam