Việc người già vào sống trong các Trung tâm Nuôi dưỡng là điều bình thường ở các xã hội hiện đại. Tuy nhiên, ở nước ta, với truyền thống trọng người cao tuổi thì đây là việc còn nhiều tranh luận. Tìm hiểu suy nghĩ của các cụ về việc này sẽ là thông tin bổ ích giúp chúng ta hiểu thêm vấn đề.
Người cao tuổi huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) tham gia khám bệnh miễn phí
(Ảnh minh hoạ/ Nguồn: Báo Lào Cai)
Theo quan niệm của chúng tôi, người già là những người có độ tuổi từ 60 trở lên, lớp người đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, đã có những cống hiến nhất định cho gia đình và xã hội, nay tuy đã đến tuổi được nghỉ ngơi, song họ vẫn có thể tiếp tục có những đóng góp rất hữu ích cho gia đình và xã hội.
Để tìm hiểu suy nghĩ của người già khi vào sống trong các trung tâm nuôi dưỡng, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi và Trung tâm Bảo trợ III Hà Nội. Nghiên cứu được thực hiện với mẫu khách thể là những người già vẫn còn khỏe mạnh và có khả năng giao tiếp bình thường. Khách thể nghiên cứu gồm 110 người già hiện đang sống trong 3 trung tâm nuôi dưỡng người già trên địa bàn Hà Nội. Phương pháp nghiên cứu mà chúng tôi sử dụng bao gồm:
- Điều tra bằng bảng hỏi (110 khách thể).
- Phỏng vấn sâu (16 khách thể).
- Nghiên cứu trường hợp (02 khách thể điển hình).
Kết quả nghiên cứu mức độ nhận thức của người già về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của các trung tâm nuôi dưỡng cho thấy có 104 trong tổng số 110 cụ (chiếm 94,6%) đánh giá các Trung tâm có vai trò rất quan trọng đối với họ, có thể phần nào về mặt nhận thức chủ quan của các cụ cho rằng, ở trung tâm nuôi dưỡng thì về mặt vật chất sẽ được chăm sóc chu đáo, tận tình hơn so với ở nhà cùng con cháu; ở đây các cụ có bạn già cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ thì các cụ dễ tìm được tiếng nói chung hơn, do đó các cụ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ở nhà vì sẽ không bị phụ thuộc con cháu, không bị con cháu dèm pha các cụ “lẩm cẩm”… và ở các trung tâm này còn là nơi dành cho những người khi về già không có nơi nương tựa hoặc có những mâu thuẫn với con cháu của mình mà không thể giải quyết được; cho những trường hợp không còn con cháu hoặc con cháu ở nước ngoài hoặc không còn chồng (vợ)… Mặt khác, trung tâm còn là nơi các cụ già gặp nhau, trò chuyện, tâm sự, chia sẻ tâm tư, tình cảm thường xuyên giúp các cụ giải tỏa phần nào những suy nghĩ thầm kín của bản thân mà các cụ không muốn chia sẻ cùng con cháu… Do đó mà các cụ đã nhận thấy Trung tâm Nuôi dưỡng có vị trí quan trọng đối với các cụ và những người khi về già.
Kết quả phỏng vấn sâu cũng cho thấy, Trung tâm Nuôi dưỡng người già là rất quan trọng đối với những người già có hoàn cảnh éo le, như: con cháu bất hiếu, con cháu mải làm ăn kiếm sống hoặc làm giàu mà không chăm lo chu đáo cho bố mẹ, sống cô đơn không người phụng dưỡng…
Cụ ông N.V.T cho biết: “Tôi vào trung tâm nuôi dưỡng người già là bắt buộc theo con cháu, phải sống theo ý của chúng nó, chứ biết làm thế nào được, vào trung tâm nuôi dưỡng người già, mỗi người có một điều kiện hoàn cảnh khác nhau, không tìm được người để chia sẻ, toàn người ốm đau, bệnh tật hoặc có những vấn đề riêng tư”. Ngoài ra, cụ còn cho biết: “Lúc đầu tôi nghĩ Trung tâm Nuôi dưỡng là một bệnh viện lý tưởng dành cho người già có bệnh, thực ra nếu vào trung tâm để chữa bệnh thì chẳng ai vào vì có đội ngũ y bác sỹ đâu mà chữa, tại sao người già không đến chữa ở các bệnh viện lớn, thực ra có một vấn đề khó nói, ai vào đây sống cũng chỉ vì có hoàn cảnh khó khăn, không sống chung được với con cháu, nếu để cha mẹ ở nhà thì lại phải thuê ô sin, tôi vào đây là do con gái và con rể đưa vào, nếu không tôi chỉ biết ngồi ở ngoài đường”. Trường hợp trên là một trường hợp không có con trai, cụ cả đời chăm lo cho con gái mong nghĩ về già sẽ nương nhờ được vào con gái, nhưng bất hạnh thay cụ không thể sống chung được với con gái và con rể nên đã được hai vợ chồng con gái đưa cụ vào nhà nuôi dưỡng này, âu cũng là số phận cụ nói vậy…
Còn nhiều hoàn cảnh khác cũng đáng thương thay cho phận “Mẹ chồng nàng dâu” như trường hợp của cụ bà Đ. T. L lại do mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu, trong khi đó con trai lại đối xử rất tốt với mẹ nhưng không thể giữ được hòa khí giữa một bên là mẹ và một bên là vợ. Do đó để tránh cho con trai không mang tiếng bất hiếu với mẹ, sợ mất tình nghĩa mẹ con nên cụ đã đồng ý để con trai đưa cụ vào trung tâm nuôi dưỡng. Cụ nói: “Trung tâm Nuôi dưỡng là rất quan trọng đối với cụ vì: Không phải sống với người con dâu độc đoán, không tốt, con trai thì tốt không muốn bất hiếu với mẹ, sợ mất tình nghĩa mẹ con nên con trai tôi đã đưa tôi vào đây sống để giữ chọn chữ hiếu với mẹ. Tôi chọn con đường vào Trung tâm Nuôi dưỡng mong được chết ở đây, tôi đã vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng có nghĩa là chúng tôi chẳng có ý nghĩa gì đối với con cháu, đối với cuộc sống nữa”.
Cụ ông V.T.K cũng cho chúng tôi biết: “Tôi thấy Trung tâm Nuôi dưỡng người già là rất quan trọng đối với những người già như tôi, vì trung tâm đã lo lắng hết cho chúng tôi, có chỗ ăn ở, tắm rửa, giải trí, nếu sau này có về với tổ tiên thì cũng đã có người lo cho, nói chung tôi thấy yên tâm”.
Đây chỉ là vài trường hợp trong số các trường hợp khác cũng có hoàn cảnh tương tự mà thôi, nhưng điều đó cũng có thể khẳng định rằng, các Trung tâm Nuôi dưỡng người già hiện nay có vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ các cụ già có hoàn cảnh khó khăn. Không những thế, các trung tâm này đã rất quan tâm đến cuộc sống ăn ở, giải trí, tắm rửa cho các cụ khiến các cụ khá yên tâm khi được sống trong các trung tâm này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các Trung tâm Nuôi dưỡng người già có quan trọng đến mức có thể hoàn toàn thay thế được chức năng của một mái ấm gia đình để đảm bảo cho những ngày cuối cùng của cuộc đời các cụ hoàn toàn hạnh phúc hay nó chỉ có tác dụng giải quyết vấn đề có tính chất tình huống của từng cụ, từng trường hợp cụ thể trong cuộc sống thường ngày vẫn diễn ra.
Theo nhận xét của các cụ, Trung tâm Nuôi dưỡng người già là nơi tạo điều kiện thuận lợi để các thế hệ con cháu có điều kiện đi làm kinh tế để đảm bảo cuộc sống cho gia đình (90,9% các cụ hoàn toàn tán thành quan niệm này), đây là bức tranh chung phản ánh cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay. 78,2% ý kiến của các cụ đều cho rằng, Trung tâm Nuôi dưỡng người già là nơi để xã hội bày tỏ lòng biết ơn đối với những đóng góp cho xã hội là đúng; và Trung tâm Nuôi dưỡng người già là nơi thay mặt con cháu các cụ bày tỏ lòng hiếu thảo của mình đối với các cụ. Và còn có tới 32,7% các cụ được hỏi hoàn toàn tán thành quan niệm cho rằng: Trung tâm Nuôi dưỡng người già là một mái ấm gia đình không thể thiếu được đối với con người khi về già. Như vậy theo suy nghĩ của các cụ, trung tâm là nơi có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của những người già.
Bên cạnh những đánh giá tích cực, còn có những đánh giá trái chiều trong suy nghĩ của các cụ. Trung tâm Nuôi dưỡng người già không chỉ dành riêng cho những người không nơi nương tựa, không còn người thân chăm sóc, mà kể cả các cụ vẫn còn con cháu. Đối với các cụ còn con cháu thì Trung tâm Nuôi dưỡng người già lại là nơi các cụ chọn nhằm được giải thoát khỏi những xung đột, mâu thuẫn đối với con cháu và trong khi đó có tới 67,3% các cụ hoàn toàn tán thành quan niệm: Trung tâm Nuôi dưỡng người già là nơi để con cháu các cụ dễ dàng thoái thác trách nhiệm trực tiếp chăm sóc các cụ cho người khác; 52,7% hoàn toàn tán thành quan niệm: Trung tâm Nuôi dưỡng người già là nơi tập trung các cụ lại để tránh cho nhiều người phải mất thời gian chăm sóc các cụ khi ốm đau; 40% hoàn toàn tán thành quan niệm: Trung tâm Nuôi dưỡng người già là nơi giải phóng các cụ thoát khỏi những xung đột với con cháu; Trung tâm Nuôi dưỡng người già là nơi để những người già không nơi nương tựa, không có người thân chăm sóc nhận được sự thương hại của người khác, của xã hội một cách có tổ chức chiếm 29,1%.
Trong suy nghĩ sâu xa của nhiều cụ thì con cháu các cụ hiện tại không còn là chỗ dựa, là nơi nương tựa cho các cụ trong những năm cuối cùng của cuộc đời mình, các cụ đã tự coi mình không còn có giá trị gì cho cuộc sống hiện tại và bản thân nữa và cũng như là không còn người thân chăm sóc cho tuổi già nữa. Chính điều này đã góp phần không nhỏ thôi thúc, thúc đẩy phần lớn các cụ vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già.
Cụ bà Đ.T.T cho biết “Tôi vào đây sống là mong tránh được sự va chạm với con cháu của mình, vào Trung tâm Nuôi dưỡng mong có cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh, sống có ích để nâng cao tuổi thọ, không muốn phụ thuộc vào con cháu của mình”; “Các thế hệ ở cùng với nhau dần dần sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, nên Trung tâm Nuôi dưỡng sẽ giúp cho người già có chỗ dựa về mặt tinh thần và tự giải phóng bản thân và con cháu, không muốn có mâu thuẫn với con cháu thì người già đã có Trung tâm Nuôi dưỡng để làm chỗ dựa cho tuổi già”.
Cụ còn cho biết thêm: “Cuộc sống hàng ngày nhu cầu của người già rất khác so với thế hệ trẻ, giá trị cuộc sống cũng thay đổi không giống như thế hệ con cháu, nếu con cháu không hiểu được, không đáp ứng được những nhu cầu đó của người già thì dẫn đến xung đột hoặc con cháu mải làm ăn không có thời gian quan tâm chăm sóc cho những người già như chúng tôi, chính nhận rõ được những khó khăn nêu ở trên và thấy được vai trò quan trọng của các Trung tâm Nuôi dưỡng người già, mà tôi đã có sự lựa chọn cuối cùng là vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng này, đành chấp nhận không được sống cùng cháu con - trẻ thì được cậy cha, nhưng về già thì không được cậy con”, ý này phần nào đã đúng so với cuộc sống của xã hội hiện đại ngày nay.
Tóm lại, phần đông các cụ tham gia cuộc khảo sát đều nhận thức rằng, Trung tâm Nuôi dưỡng người già có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cụ, vì nó có tác dụng giúp các cụ giải quyết khó khăn trong những tình huống rất cụ thể của mình. Nhưng Trung tâm Nuôi dưỡng người già cũng không thể hoàn toàn thay thế được chức năng của một mái ấm gia đình, đảm bảo cho những ngày cuối còn lại của cuộc đời các cụ hoàn toàn hạnh phúc, mà nó chỉ có tác dụng giải quyết các vấn đề có tính chất tình huống của các cụ mà thôi.
Khảo sát cho thấy, trước khi vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già, các cụ hình dung ra cuộc sống ở đó với những tâm trạng rất khác nhau nhưng suy cho cùng, nguyên nhân cuối cùng của việc lựa chọn vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng của các cụ đó chính là mong muốn tìm được sự bình an, sự thanh thản cho cuộc sống của bản thân đối với những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.
Nhưng khi có quyết định được vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già thì các cụ đã trải nghiệm tâm trạng “vui buồn lẫn lộn” trong một vài ngày chiếm tới - 87,2%.
Và trên thực tế thì khi về già, đa số người già muốn tìm về sống tại quê hương bản quán của mình, nơi đã gắn bó thân thiết, được sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình vì con cháu với cả cuộc đời các cụ đã hy sinh cho chúng, có thể nói đó cũng là một trong những giá trị cuộc sống quan trọng của các cụ, đã khiến các cụ rơi vào tâm trạng xáo trộn giữa buồn và vui, giữa cô đơn, thất vọng và những khát khao, nuối tiếc. Khi mà chính những đứa con của cụ mà trước đây các cụ chăm sóc để mong sau này tuổi già nương tựa vào chúng thì chúng lại đẩy các cụ vào một Trung tâm Dưỡng lão để an dưỡng tuổi già và sống cuộc đời còn lại chỉ còn những người có chung cảnh ngộ với mình.
Khi phỏng vấn sâu, chúng tôi nhận được khá nhiều ý kiến của các cụ về việc đời sống tình cảm của mình ở trong trung tâm đã làm các cụ thất vọng với những gì các cụ đã suy nghĩ trước đây.
Cụ bà Đ.T.T cho biết: “Trước khi vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già - khi tôi mong đợi có ngày được vào đó sống - tôi nghĩ cuộc sống ở đó rất vui vẻ, thoải mái, có bạn bè tâm sự, chia sẻ nỗi vui, buồn với nhau, được thỏa mái làm những công việc mình thích, không bị ai làm phiền cũng như không làm phiền đến cháu con của mình. Nhưng thực tế, khi vào đây sống thì không được như mong đợi của tôi, có lẽ tôi đã nhầm, nhưng đã vào đây sống rồi thì đành ở vậy, tôi nghĩ Trung tâm Nuôi dưỡng không khác nào là một nhà tù giam lỏng những người già như chúng tôi, ở Trung tâm Nuôi dưỡng thực sự tôi không dám nói gì cả, sinh hoạt chỉ quanh quẩn trong phòng, hết ngồi lại đứng, nằm, ngủ, buồn chán lắm, hai phòng cạnh nhau có khi còn không hề biết nhau, chẳng thân thiện chút nào, tôi bị hụt hẫng quá, do đó ở Trung tâm Nuôi dưỡng tôi thường không nghe, không nói, không truyền tin, không bàn luận, không chuyện trò v.v…”.
Như vậy có thể thấy, những phàn nàn về sự thất vọng, hụt hẫng, không đem lại những điều suy nghĩ như mong đợi của các cụ nêu trên cũng chứng tỏ các cụ chưa có sự tìm hiểu thông tin chuẩn xác về các Trung tâm Nuôi dưỡng người già mà chỉ nghe qua các luồng thông tin khác nhau nên khi quyết định vào sống trong đó thì điều kiện sống khác xa với những mong mỏi, suy nghĩ của các cụ. Chính vì vậy, khi trải nghiệm cuộc sống thực tại trung tâm thì các cụ thấy chán nản và không còn muốn sống tại trung tâm nữa.
Mặc dù một số cụ có tâm trạng chán nản, nhưng trên thực tế, trước khi vào trung tâm nhiều cụ đã có sự tìm hiểu thông tin.
Kết quả khảo sát cho thấy, các cụ đã có tìm hiểu các thông tin. 30,9% các cụ chọn phương án "hoàn toàn đúng" và 32,7% các cụ chọn "đúng một phần" khi được hỏi "Trước khi vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già hàng ngày tôi thường tìm đọc sách, báo, xem ti vi hoặc tìm hiểu qua những người khác về Trung tâm Nuôi dưỡng này". Có 23,6% các cụ đã đến hỏi trực tiếp một người trong Trung tâm Nuôi dưỡng để tìm hiểu sâu hơn về trung tâm, và 30,9% chọn "đúng một phần" với phương án này (bảng 3).
Có thể thấy, đa phần đối với những cụ đã chủ động về mặt tâm lý để vào sống trong các Trung tâm Nuôi dưỡng người già thường đã tìm hiểu về cuộc sống trong đó sau đó mới quyết định. Tuy nhiên, có cụ hài lòng với trung tâm, có cụ có những điều còn chưa thoả mãn, có cụ lại bức xúc về mặt nào đó, nhưng nhìn chung, Trung tâm Nuôi dưỡng người già vẫn được đa số các cụ đánh giá là có vai trò quan trọng đối với các cụ ở tuổi già gặp những hoàn cảnh éo le trong cuộc sống gia đình.
Một trong những biểu hiện những suy nghĩ của người già khi vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già của các cụ là do muốn thỏa mãn nhiều mối quan hệ khác nhau trong cuộc sống thực của mình. Trước khi vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già, đa số các cụ đều có tâm trạng “Vui buồn lẫn lộn” (nửa muốn vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già, nửa khác thì lại muốn ở nhà sống gần con cháu, họ hàng, làng xóm, láng giềng…). Điều này chứng tỏ trong các cụ đã diễn ra một cuộc đấu tranh về mặt tư tưởng.
Cùng với kết quả thu được ở trên, trong quá trình phỏng vấn, chúng tôi cũng nhận được ý kiến của cụ ông N.K.T như sau: “Lúc tôi có quyết định vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già, tôi bị xa sút sức khỏe phải đi cấp cứu, đầu óc căng thẳng, tinh thần hoảng loạn, trước đây tôi được 60 kg nhưng vào đây chưa được tháng tôi còn 54 kg”. Chứng tỏ các cụ nhận thức được Trung tâm Nuôi dưỡng người già là rất quan trọng, nhưng thực chất một điều có thể nói, ở đây là cuộc sống ở trong này không thể thay thế hoàn toàn mái ấm gia đình của các cụ. Nhiều cụ vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già chỉ để giải quyết tình huống tức thời, giải tỏa những bức xúc hay căng thẳng tâm lý khi sống chung cùng con cháu mà thôi.
Trong khi trò chuyện, cụ ông N.H cho biết: “Tôi rất muốn về nhà ở với các cháu, ở nhà mình thì được thoải mái hơn, muốn về nhà ở cùng con cháu nhưng con không đón về, có điều kiện được sống cùng con cháu là tốt nhất… gần tết rồi, tôi muốn ăn tết ở nhà với con cháu, rồi mới vào trung tâm mà con cháu bắt tôi vào trung tâm trước tết, tôi không thể làm gì được nên đành lau nước mắt vào trung tâm, vào đây không có người chuyện trò nên buồn và cô đơn, tôi khóc rất nhiều”. Ngoài ra, cụ còn cho biết: “Phần lớn các cụ đang sống trong trung tâm là không muốn vào đâu, nhưng mỗi người một hoàn cảnh cho nên họ đành phải vào thôi. Vào trong trung tâm tôi chẳng biết làm gì, chỉ biết làm thơ cho khuây khỏa đầu óc, để cho thời gian trôi đi”. Chúng ta có thể nhận thấy rằng, các cụ đa phần vào đây đều do hoàn cảnh bắt buộc mà phải vào sống trong trung tâm chứ thực tâm các cụ đều không mong muốn. Vì sống cùng con cháu trong giai đoạn cuối cuộc đời vẫn là niềm mơ ước của các cụ và nó cũng phù hợp với quan niệm của người Á Đông “Trẻ cậy cha, già cậy con”.
Tóm lại, nghiên cứu cho thấy suy nghĩ của các cụ khi quyết định vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già, là một quyết định tương đối khó khăn đối với nhiều cụ, việc này đòi hỏi các cụ phải giải quyết nhiều mối quan hệ phức tạp luôn đan xen lấy nhau trong cuộc sống thực tại của mỗi cụ, điều đó làm cho những nguyên nhân, suy nghĩ của các cụ khi vào sống Trung tâm Nuôi dưỡng người già đều được bộc lộ của mỗi cụ rất khác nhau. Và hoàn cảnh của mỗi cụ cũng tương đối khác khi mà cùng sống chung dưới một mái ấm xa gia đình là Trung tâm Nuôi dưỡng người già cao tuổi. Điều này làm cho nguyên nhân và cảm xúc khi vào sống trong Trung tâm Nuôi dưỡng người già của mỗi cụ rất khác nhau. Về mặt tâm lý, nếu không do hoàn cảnh bắt buộc thì đa phần các cụ đều không muốn sống trong các trung tâm. Điều này cho thấy, các thế hệ con cháu cần phải quan tâm đến ông bà mình nhiều hơn nữa.
Duy Hưng (tamly*com*vn)
Tài liệu tham khảo
1. Tài liệu tập huấn “Hỗ trợ tâm lý xã hội cho những người dễ bị tổn thương”, Trường Cán bộ Lao động xã hội, năm 1996.
2. Bùi Thế Cường, Khảo sát người cao tuổi Đồng bằng Sông Hồng, Viện Xã hội học - Phòng Chính sách xã hội và Công tác xã hội, 1997.
3. Vũ Dũng (chủ biên), Từ điển Tâm lý học, NXB KHXH, 2009.
4. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Người cao tuổi Việt Nam thực trạng và giải pháp, NXB LĐXH.
5. Nguyễn Kim Lân, Ứng xử với người cao tuổi trong gia đình, NXB Phụ nữ, 2005.
6. Thiện Nhân, Những mối quan tâm của người cao tuổi, Tạp chí Tâm lý học, 2003.
7. Phạm Khắc Chương, Người già - Tiềm năng to lớn trong giáo dục gia đình, Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước KX-07, Hà Nội, 1996.
8. Tri thức Bách khoa về người cao tuổi, NXB VH - TT.
9. Đàm Hữu Đắc, “Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, số 228, 2006.