Về công tác tại Báo Người cao tuổi (nay là Tạp chí) 5 năm, tôi có nhiều lần được theo các lãnh đạo Trung ương Hội đi công tác địa phương. Đối với bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, đây là lần đầu tôi được theo bà đi tặng quà NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại tỉnh Tuyên Quang và chuyến đi này để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.
Đó là những ngày đầu tháng 6/2020, trời nắng nóng như đổ lửa. Theo kế hoạch, bà Phạm Thị Hải Chuyền sẽ đi tặng quà 4 NCT ở huyện Yên Sơn và TP Tuyên Quang trước khi dự và chỉ đạo Hội nghị biểu dương cán bộ Hội NCT tiêu biểu của tỉnh. Tuy nhiên, sau khi nghe bà Hà Thị Ngọ, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh và ông Vũ Đình Lưu, Trưởng ban Đại diện Hội NCT TP Tuyên Quang đề xuất, bà quyết định đi thăm thêm 1 trường hợp nữa. Bà bảo: “Các cụ mong mình đến, không có điều kiện thì phải chịu, chứ có thì mình phải đến với các cụ chứ!”.
Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền tặng quà cụ Tạ Thị Thanh, 95 tuổi, tổ 9, phường Hợp Thành, TP Tuyên Quang
Về huyện Yên Sơn, vào thăm ông Vi Văn Chính, 75 tuổi, dân tộc Dao, ở làng Chẩu, xã Thắng Quân, bà xót xa với cảnh vợ chồng ông Chính ở trong ngôi nhà sàn mái cọ, liếp nứa, sàn lát chủ yếu bằng dát bương, nhìn lên thấy trời, nhìn xuống thấy đất. Lãnh đạo Hội NCT xã báo cáo, làng thuộc diện Chương trình 135, có 60 hộ nghèo và cận nghèo, Chi hội có 80 hội viên thì 14 hộ NCT thuộc đối tượng nghèo và cận nghèo. Gia đình ông Chính, các con ở riêng nhưng cũng rất nghèo. Ông bà sức yếu, không làm được ruộng nương, nên không có nguồn thu gì ngoài vườn nhà. Trao quà cho vợ chồng ông Chính xong, bà Chuyền nói: “Chút quà nhỏ vừa rồi là của Trung ương Hội tặng ông bà Chính. Riêng tôi vì không đi thăm hết các cụ trong làng được, nên có chút quà cá nhân gửi Chi hội NCT làng, nhờ các bác tổ chức giúp một buổi gặp mặt các cụ, nói hộ là Trung ương Hội NCT và cá nhân tôi mong các cụ khắc phục khó khăn, cùng các con cháu phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”. Nói rồi bà Chuyền rút tiền trong ví ra trao trực tiếp cho cán bộ Chi hội NCT làng, khiến tất cả những người có mặt đều bất ngờ.
Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền, thăm và tặng quà ông Vi Văn Chính, 75 tuổi, dân tộc Dao, ở làng Chẩu, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, TP Tuyên Quang
Đến thăm cụ Phạm Thị Dậu, 88 tuổi, ở tổ 10, phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang, bà Phạm Thị Hải Chuyền lại một lần nữa khiến chúng tôi ngạc nhiên. Chồng cụ Dậu ngày còn sống là lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang. Hai cụ có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Hai người con trai lành mạnh, giỏi giang, 1 là phi công, 1 công tác ở Liên đoàn Lao động tỉnh thì không may đều mất sớm. Hai người con còn lại, người chị sinh năm 1956, người em sinh năm 1967, đều bị thiểu năng trí tuệ, không làm được gì. Cụ Dậu nay tuổi cao, sức yếu, muốn di chuyển phải cầm theo chiếc ghế để bò đi, vậy mà hằng ngày vẫn phải phục vụ 2 người con. Nguồn sống của 3 mẹ con trông vào trợ cấp bảo trợ xã hội NCT từ 80 tuổi trở lên của cụ và trợ cấp cho người khuyết tật của người con gái, còn người con trai thì chưa làm được chế độ. Xúc động trước hoàn cảnh của cụ, bà Chuyền nói: “Đến thăm cụ, thấy nhà mình thế này thương quá! Quà của Trung ương Hội thì chỉ có 1 suất, con xin gửi thêm chút tiền tặng cho 2 con của cụ, để chia sẻ phần nào khó khăn với gia đình mình”. Nói rồi, bà lại lấy tiền ra trao cho cụ Dậu. Quay sang các cán bộ địa phương có mặt tại đó, bà thân tình trao đổi: “Tôi trước đây là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên biết có chính sách trợ giúp cho người thiểu năng, yếu thế. Các đồng chí cần quan tâm và báo cáo với trên về trường hợp cụ thể này. Cố gắng sao cho cuộc sống của gia đình cụ khá lên được chút nào hay chút ấy, chứ thế này thì khổ quá”.
Đi thăm thêm 3 trường hợp nữa là cụ Nguyễn Thị Diệp, 103 tuổi, mẹ liệt sĩ ở tổ 5, phường Phan Thiết; cụ Tạ Thị Thanh, 95 tuổi ở tổ 9, phường Hưng Thành và cụ Lê Thị Sửu, 95 tuổi ở tổ 3, phường An Tường, tuy mỗi nhà mỗi cảnh nhưng cũng đặc biệt khó khăn tương tự. Cụ Tạ Thị Thanh, có 2 con trai đều mất sớm cứ xúc động ôm lấy bà Chuyền mà khóc nức nở, khiến bà cũng rơi nước mắt nghẹn ngào: “Mẹ ơi, mẹ làm con cũng khóc đây này”, khiến tất cả lặng đi…
Trên đường trở về nhà khách của tỉnh, tôi có cảm nghĩ là bà vẫn chưa nguôi cảm xúc về hoàn cảnh của những NCT vừa được tặng quà. Bà nói với chúng tôi mà như tự nói với mình: “Các cụ khổ quá! Hội thì lại không có nhiều tiền để giúp. Thôi thì, chúng ta đến với các cụ bằng tấm lòng vậy”.
Với ai thì tôi không biết, nhưng với bà Phạm Thị Hải Chuyền, qua những gì tôi được chứng kiến trong chuyến công tác này, thì đó là những lời được thốt ra từ trái tim. Bởi những cử chỉ, hành động và những giọt nước mắt của bà với NCT đã nói lên tất cả.