Già hóa dân số hiện đang là thách thức của hệ thống y tế Việt Nam. Với Hà Nội – một TP đông dân có tới hơn 800.000 người cao tuổi (NCT), vấn đề chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho đối tượng này đòi hỏi phải có những thay đổi cả về chất và lượng.
Việc thành lập khoa Lão tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Đống Đa kỳ vọng sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu CSSK NCT trên địa bàn.
Vấn đề cấp bách
Theo ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu chất lượng dân số, Tổng cục Dân số, chỉ số già hóa dân số của Hà Nội là 49,9%, cao hơn mức trung bình của cả nước 43,3%. Trong khi đó, ngành y tế Hà Nội có tới 41 BV Đa khoa và chuyên khoa, 26 BV ngoài công lập nhưng chỉ có 5 BV thành lập khoa Lão. Theo lý giải của Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Nội Vũ Duy Hưng, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do số nhân viên y tế được đào tạo lão khoa còn ít, chỉ có 111 cán bộ. Tổng số giường bệnh điều trị nội trú ưu tiên cho NCT của cả TP cũng chỉ là 459 giường. Do vậy, nhu cầu CSSK cho NCT hiện nay đang là một vấn đề cấp bách cho ngành y tế và ngành dân số Thủ đô.
Chăm sóc người cao tuổi tại khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Hà Ngân
TS Phạm Thắng - Giám đốc BV Lão khoa T.Ư chia sẻ, không chỉ tại Hà Nội mà trên cả nước, hệ thống lão khoa còn rất yếu. Đến nay, cả nước mới chỉ có 36% các BV tuyến tỉnh thành lập khoa Lão. BV đã có thì mới chỉ dừng lại ở công tác chăm sóc y tế cho NCT, chưa triển khai chăm sóc toàn diện nên dẫn đến tình trạng cứ một NCT nằm viện lại có 3 hoặc 4 người nhà đi kèm. Theo khảo sát của BV Lão khoa T.Ư tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trung bình một người già trên 80 tuổi mắc tới 6 - 9 bệnh mãn tính cần được điều trị một lúc. Trong khi tại các BV theo từng chuyên khoa, mỗi một bệnh lại có một phác đồ điều trị khác nhau. Vì vậy, việc thành lập khoa Lão để hợp nhất các phác đồ điều trị, cắt giảm thuốc cho NCT là rất cần thiết.
Đầu tư cả chất và lượng
Là một trong những bệnh nhân đầu tiên được tiếp nhận vào khoa Lão, BV Đa khoa Đống Đa, bà Vương Thị Bích Liệu (83 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “20 năm nay tôi đã khám và điều trị huyết áp, tiểu đường, mỡ máu tại BV Đa khoa Đống Đa nhưng mỗi lần khám phải qua nhiều khoa phòng nhưng từ khi có khoa Lão chúng tôi chỉ cần đến gặp một bác sĩ là giải quyết được mọi bệnh”. TS Lê Hưng – Giám đốc BV Đa khoa Đống Đa cho biết, học tập kinh nghiệm từ BV Lão khoa T.Ư, các buồng bệnh trong khoa Lão của BV Đa khoa Đống Đa đều được thiết kế khép kín, nhà vệ sinh có sàn chống trơn trượt, có tay vịn gần bồn cầu để đảm bảo an toàn cho người bệnh là NCT khi điều trị tại đây.
Đánh giá cao về mô hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn mong muốn trong thời gian tới các mô hình CSSK cho NCT trên địa bàn Thủ đô sẽ phát triển hơn nữa cả về số lượng và chất lượng. Theo Thứ trưởng, cần lồng ghép CSSK NCT tại các trạm y tế và BV tuyến huyện, nhất là trong mô hình bác sĩ gia đình. Đặc biệt, chú trọng đến công tác phòng bệnh cho NCT từ chế độ dinh dưỡng, tập luyện cho người già “khỏe mạnh”, cách kiểm soát để không xảy ra biến chứng với người già có bệnh và cách để những biến chứng không gây ảnh hưởng đến khả năng tự chủ sinh hoạt đối với những người già có bệnh đã chuyển sang biến chứng. “Phải hướng tới CSSK NCT toàn diện tại BV để người nhà không phải trông nom nhiều như hiện nay. Bộ cũng sẽ nghiên cứu cơ chế tài chính hỗ trợ tối đa trong điều trị cho NCT” - Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.
TS Phạm Thắng cho biết, từ nay đến cuối năm 2016, BV Lão khoa T.Ư sẽ phối hợp cùng ngành y tế Hà Nội đến thăm các nhà dưỡng lão, các trung tâm bảo trợ xã hội có người già sinh sống để tư vấn hỗ trợ về chuyên môn, kỹ năng chăm sóc NCT. TS Thắng khẳng định, BV nào trên địa bàn TP có đầy đủ điều kiện và mong muốn thành lập khoa Lão, BV Lão khoa T.Ư sẽ giúp đỡ về mô hình tổ chức và chuyên môn.
Nguồn: Trần Nga/Báo kinh tế & Đô thị điện tử (ngày 12/8/2016)