Lễ mừng thọ là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt từ lâu đời. Ở Bắc Ninh, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, hầu khắp các địa phương trong tỉnh đều tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi với ý nghĩa nhân lên truyền thống “kính già, trọng lão” trong cộng đồng dân cư. Việc khao lão, mừng thọ đơn giản, gọn nhẹ theo nếp sống văn minh đang được các địa phương thực hiện tốt, càng làm cho việc khao lão, mừng thọ thêm ý nghĩa.
Người cao tuổi nêu gương sáng ở Yên Phong.
Sống lâu, sống thọ là một ước mong chính đáng của tất thảy mọi người. Người xưa có câu “kính già, già để tuổi cho”. Trước kia, chỉ 50, 60 tuổi đã được tổ chức lễ mừng thọ. Nhưng ngày nay, do điều kiện sống ngày một cải thiện nên tuổi thọ con người cũng dần được nâng cao. Thông thường, lễ mừng thọ được tổ chức từ 70 tuổi trở lên.
Trong tâm thức dân gian thì những người sống thọ là nhờ gia đình có phúc lớn, làm nhiều việc thiện nên mới được trời ban cho sống lâu, sống khỏe, con cháu đề huề. Lễ mừng thọ, chúc thọ vừa để mừng cho cái phúc ấy mãi bền vừa cầu chúc người già sống lâu muôn tuổi. Do vậy, hầu hết gia đình Việt đều rất coi trọng việc tổ chức lễ mừng thọ ông bà, cha mẹ làm sao cho thật chu đáo, vừa để làm đẹp lòng người già vừa để bày tỏ lòng hiếu kính, biết ơn với các bậc sinh thành.
Thực hiện việc mừng thọ cho người cao tuổi thời gian qua được địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là tới hội viên Hội Người cao tuổi thực hiện theo tinh thần nếp sống văn minh nên đã có những chuyển biến rõ nét. Nếu như trước đây, nhiều gia đình tổ chức việc mừng thọ vẫn còn rườm rà, tổ chức ăn uống linh đình thì nay hầu như được tổ chức đơn giản, việc mời khách ăn uống đã giảm rõ nét.
Nhiều địa phương đã làm rất tốt. Khu 10, phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh) việc khao lão cho những người cao tuổi được tổ chức tập trung, buổi lễ trang trọng, giản dị nhưng ấm áp. Các cụ đại thọ và thượng thượng thọ mặc áo dài đỏ ra dự lễ, nhận lời chúc sức khỏe, chúc sống lâu muôn tuổi của người dân trong khu phố.
Trước năm 2012, xã Đông Cứu (Gia Bình) còn nhiều người tổ chức mừng thọ ở tuổi 50, 55, 60... với thủ tục rườm rà, ăn uống linh đình, thậm chí có gia đình mở từ 40-50 mâm cỗ mời họ hàng, làng xóm đến chia vui. Trước thực trạng trên, Đảng ủy xã chỉ đạo xây dựng quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; việc tang; trong việc cúng, giỗ thường niên, khao lão, mừng thọ; tân gia và đầy cữ cho con, cháu theo tinh thần Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh.
Trên cơ sở quy định của xã, các đoàn thể, các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện, nhờ vậy đã có chuyển biến rõ nét. Từ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 những người ở tuổi 50, 55, 60, 65 chỉ trình làng với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ. Các thôn tổ chức khao lão cho những người từ 70 tuổi trở lên và tổ chức tập trung vào một thời điểm nhất định. Sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh ở Đông Cứu đã tạo dư luận tốt trong nhân dân…
Lâu nay, những nghi thức trong lễ mừng thọ, chúc thọ phụ thuộc vào phong tục mỗi địa phương và điều kiện hoàn cảnh mỗi gia đình. Nhưng để lễ mừng thọ thật sự là một nét đẹp văn hóa với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành một số văn bản quy định cụ thể về độ tuổi, địa điểm, quy mô tổ chức và thậm chí cả thành phần mời dự trong lễ mừng thọ.
Theo đó, người cao tuổi từ đủ: 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên được tổ chức lễ mừng thọ. UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội Người cao tuổi địa phương và các gia đình tổ chức mừng thọ người cao tuổi vào một ngày trong năm và chỉ tổ chức tại một địa điểm. Với những địa phương có nhu cầu tổ chức mừng thọ theo địa bàn thôn, làng, khu phố phải được sự đồng ý của UBND xã, phường, thị trấn và tổ chức thống nhất vào cùng 1 ngày trong toàn xã.
Đối với việc tổ chức lễ mừng thọ tại gia đình phải bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, hoàn cảnh của gia đình và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và địa phương. Đặc biệt là tổ chức lễ mừng thọ gọn trong một buổi tại một địa điểm và không làm cỗ mời khách.
Không ai phủ nhận ý nghĩa nhân văn của việc tổ chức lễ mừng thọ. Tuy vậy không phải cứ tổ chức lễ mừng thọ linh đình với những thứ vật chất phô trương, rườm rà mới là giữ trọn đạo hiếu nghĩa, mới là “kính già, trọng lão”. Lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ chính là trong tâm tưởng, suy nghĩ và sự chăm sóc thường xuyên mỗi ngày. Người cao tuổi cũng phát huy truyền thống “tuổi cao gương sáng” để tuyên truyền, vận động con cháu thực hiện đúng quy định của địa phương.
Lê Đại-Trần Thảo
(baobacninh*com*vn)