Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, thời gian quá độ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ở nước ta là 15 năm.
Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về NCT, năm 2016 cả nước có 10.144.400 NCT, chiếm 10,94% dân số, trong đó có 1.892.900 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 18,6% tổng số NCT). Ngân hàng Thế giới dự báo đến năm 2050, số NCT của Việt Nam sẽ tăng lên 32 triệu người, đưa nước ta trở thành quốc gia “siêu già” trên thế giới.
Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền
phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam
Kết quả Điều tra Quốc gia về NCT năm 2011 cho thấy, hơn 60% số NCT có tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc. Các bệnh mãn tính thường gặp ở NCT là bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ... cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời. Bên cạnh đó, già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi về hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, khoảng 70% số NCT Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; hơn 70% số NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% số NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội, khiến cơ hội điều trị bệnh tật càng khó khăn. Phần lớn NCT chưa có thói quen khám sức khỏe định kì, đến năm 2014, tỉ lệ NCT được khám sức khỏe định kì chỉ đạt 27,5%. Hiện có khoảng 60% số NCT tham gia BHYT, nghĩa là 40% số NCT còn lại sẽ phải chi trả hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh, trong khi chi phí khám chữa bệnh đang ngày một tăng. Điều này sẽ tạo ra những thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của quốc gia và nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe NCT.
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Đàm Hữu Đắc tặng quà
cụ Nguyễn Văn Nha (105 tuổi), tại xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên
Để có các giải pháp nhằm ứng phó với già hóa dân số, ngày 30/12/2016, Bộ Y tế đã ra Quyết định phê duyệt “Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025”. Đây là một giải pháp kịp thời nhằm chăm sóc sức khỏe NCT, góp phần phát huy vai trò NCT, ứng phó những thách thức của một xã hội già hóa.
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia về Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đề án được triển khai trên toàn quốc, tập trung ở các tỉnh, thành phố có tỉ lệ NCT cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề án được thực hiện từ 2017 đến 2025 và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2017 – 2020) tập trung chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng. Giai đoạn 2 từ (2021-2025) sẽ tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của Đề án đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT...
Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025 đề ra mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; nâng cao sức khỏe của NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu với các chỉ tiêu quan trọng như: Đến năm 2025 có 100% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT và các kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT; 80% NCT được khám sức khỏe định kì ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lí sức khỏe; 100% NCT có thẻ BHYT; tăng ít nhất 2 lần số NCT cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà và không có điều kiện chi trả được chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung so với năm 2016...
Đáng chú ý Đề án cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển mô hình sử dụng bác sĩ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; triển khai thí điểm mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT dài hạn, mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT ban ngày và xây dựng các CLB chăm sóc sức khỏe NCT, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe NCT vào các CLB liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình CLB của NCT khác.
Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 của Bộ Y tế sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội với NCT. Theo đó, các giải pháp, nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu chú trọng vào các nội dung: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho NCT; xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe NCT./.