TS Đàm Hữu Đắc
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT Việt Nam
Mấy năm gần đây, các tổ chức quốc tế và một số bộ, ngành tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề già hóa dân số (GHDS), thích ứng với GHDS ở nước ta; qua đó, giới thiệu kinh nghiệm của các nước trong giai đoạn GHDS. Song các cơ quan chức năng thường quan tâm nhiều về đánh giá thực trạng, chưa tham mưu cho Chính phủ có chiến lược ứng phó, chưa có giải pháp cụ thể hoặc giải pháp còn chung chung, chưa sát thực tế, tính khả thi chưa cao.
Do mức sinh giảm liên tục và tuổi thọ ngày càng tăng nên cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam đã dịch dần sang các nhóm tuổi cao hơn. Tỉ lệ NCT tăng liên tục trong khi dân số trẻ em (0-14) giảm. Tỉ lệ dân số ở độ tuổi lao động trong nước (15-59) giảm mạnh do đi học tập, lao động ở nước ngoài; trong nhóm tuổi này có bộ phận đáng kể không tham gia lao động.
Tốc độ già hóa nước ta tăng nhanh do nhiều nguyên nhân: 1. Giảm mức sinh: Trước năm 1970 mức sinh phổ biến là 4-5 con, có vùng dân cư 6-7 hoặc 9-10 con; sau khi vận động sinh đẻ có kế hoạch, tỉ lệ sinh của phụ nữ giảm nhanh còn 1,9 vào năm 2017. 2. Tuổi thọ trung bình tăng, trước năm 1970 tuổi thọ trung bình trên 60, năm 2019 gần 74 tuổi. 3. Nguyên nhân cơ bản nhất là trong chiến tranh hàng triệu người anh dũng hi sinh cho Tổ quốc, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh; một bộ phận đáng kể sống độc thân; nhiều năm nay ở khu vực thành thị chỉ sinh một hoặc không sinh con; một số chết trẻ do tai nạn giao thông, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, ma túy, HIV/AIDS, đuối nước… và nhiều nguyên nhân khác.
Phó Chủ tịch Thường trực Đàm Hữu Đắc thăm Trung tâm Chăm sóc NCT Bách Niên Thên Đức
Dự báo đến năm 2038, nước ta có 20 triệu NCT, năm 2050 có 34 triệu NCT, tốc độ GHDS rất nhanh. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước dân số ổn định hàng chục, hàng trăm năm để đề xuất chủ trương, chính sách giảm tốc độ già hóa, dân số già trong tương lai. Nước ta hoàn toàn có thể làm được điều đó thông qua hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp và trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Thứ nhất, nước ta có đội ngũ thầy thuốc giỏi không thua kém các nước trên thế giới; trang thiết bị y tế rất tiên tiến, hiện đại; thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng nhằm nâng cao sức khỏe không thiếu. Cần làm tốt công tác truyền thông, để mọi người dân đều đi khám sức khỏe định kì, xóa bỏ nếp cũ chỉ khi ốm đau bệnh nặng mới khám, chữa bệnh thì đã muộn. Trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ thầy thuốc giỏi sẽ giúp phát hiện bệnh, chữa, phục hồi sức khỏe, kéo dài sự sống, góp phần giảm thiểu chết trẻ. Thực tế cho thấy, tình hình ốm đau, bệnh tật ở những người độ tuổi còn trẻ quá lớn, không ít gia đình lâm vào cảnh nghèo khó, do không lao động được, có khi phải bán cả tài sản để lấy tiền chăm sóc người bệnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương đều quá tải, không ít nơi phải 2-3 bệnh nhân/giường, có khi kín cả hành lang; người bệnh nặng, hiểm nghèo có thêm vài người phục vụ. Ngành Y tế cần nhìn thực tế này để có cơ chế, chính sách, giải pháp phòng ngừa, nâng cao chất lượng chữa bệnh, giảm thiểu tình trạng chết trẻ; bởi nhiều bệnh trước đây thường xảy ra ở NCT thì nay đã trẻ hóa như tai biến mạch máu, nhồi máu cơ tim gây đột qụy, đột tử…
Phó Chủ tịch Thường trực Đàm Hữu Đắc động viên NCT đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Thứ hai, cần có chủ trương, chính sách khắc phục tình trạng giảm nhanh mức sinh. Kĩ thuật, công nghệ tiên tiến sẽ giúp một bộ phận dân cư hiếm muộn, vô sinh, khó sinh. Cần vận động những cặp vợ chồng không chịu sinh đẻ, chỉ sinh một con, nhất là những gia đình điều kiện kinh tế khá; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh từ 2-3 con. Ngành Y tế cần phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ có giải pháp cụ thể giảm thiểu tốc độ GHDS ở nước ta, để 10 năm, 20 năm tới không nằm trong những nước có dân số già. Bởi nguyên nhân gia tăng tốc độ GHDS ở nước ta ai cũng rõ, chỉ cần có cơ chế, chính sách phù hợp, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, vì mục tiêu ổn định và phát triển đất nước bền vững, chủ động chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ và rút kinh nghiệm về những thách thức, khó khăn của những nước đang dịch chuyển đến hoặc ở giai đoạn dân số già.
Thứ ba, sớm có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân, xã hội đầu tư xây dựng các trung tâm, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng NCT như cấp đất xây dựng, vay vốn ưu đãi, giảm thuế, cấp điện nước. Đây là điều kiện rất quan trọng để giảm giá dịch vụ, thì số đông NCT mới có điều kiện vào được các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tư nhân. Nước ta đã có hàng chục trung tâm, cơ sở tư nhân chăm sóc nuôi dưỡng NCT, nhưng vì không được hưởng ưu đãi nên giá dịch vụ cao.
Cả nước có 418 cơ sở bảo trợ xã hội cũng chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng chưa được chục nghìn NCT cô đơn, không nơi nương tựa, các đối tượng cao tuổi khác không vào được. Nếu chỉ có cơ sở nuôi dưỡng của Nhà nước sẽ không đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của NCT. Hiện có nhiều tổ chức, cá nhân muốn đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng NCT nhưng không được quan tâm tạo điều kiện.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng NCT. Ngay cả các nước có nền kinh tế phát triển, chủ yếu là các cơ sở tư nhân chăm sóc, nuôi dưỡng NCT. Bên cạnh đó, các trung tâm, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng NCT cần đổi mới phương thức hoạt động. NCT vào cơ sở không chỉ được nuôi dưỡng chăm sóc chu đáo khi ốm đau, bệnh tật mà còn được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp. Những NCT có sức khỏe, kiến thức, kĩ năng, nhiệt huyết thì tham gia lao động công ích như chăm sóc vườn hoa cây cảnh, trồng rau, chăn nuôi, dọn vệ sinh, nấu ăn… tạo ra niềm vui, hạnh phúc, vừa nâng cao sức khỏe, vừa giảm thiểu chi phí thuê nhân công, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCT.
Thứ tư, trong thời gian tới, việc chăm sóc NCT ở gia đình và cộng đồng vẫn là cơ bản. Nhà nước, chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện phát triển nhà xã hội mở, sử dụng một phần nhà văn hóa, trung tâm giáo dục cộng đồng để ban ngày NCT được tham gia sinh hoạt, vui chơi giải trí, được nhân viên trông nom có nghiệp vụ, kĩ năng hướng dẫn, chăm sóc. Chính quyền cơ sở khuyến khích gia đình có điều kiện nhận trông nom NCT, hằng tháng gia đình NCT đóng góp một khoản phí nhất định; con cháu vừa yên tâm công tác, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương. Làm được việc đó sẽ mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội, NCT được sống vui, sống khỏe, tốt hơn sống một mình ở nhà khi con cháu phải đi làm việc, công tác cả ngày.