Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thách thức từ già hóa dân số

Năm 2013, tỉ lệ người già trên 65 tuổi tại Việt Nam chiếm 7,3% dân số. NCT ngày càng đông, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành Y tế nói riêng và cả xã hội nói chung…

 

alt
 TS. Đàm Hữu Đắc, PCT Thường trực Trung ương Hội NCTkhai mạc Hội thảo

 

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Hội NCT Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe NCT Việt Nam”. TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam, cho biết: Việt Nam bước vào thời kì già hóa dân số nhanh với gần 9 triệu NCT đang đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống chính sách an sinh xã hội. Số NCT mắc từ 2 bệnh trở lên chiếm tỉ lệ trên 70%, trung bình một người mắc 2,7 bệnh. Tuổi càng cao càng nhiều nguy cơ mắc bệnh, nhất là bệnh mạn tính và thoái hóa; trên 53 % NCT sức khỏe kém. Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe mang tính cấp bách, lâu dài. Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới NCT, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT, trong đó chú trọng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, công tác chăm sóc NCT còn nhiều tồn tại: Việc tổ chức thăm, khám sức khỏe định kì cho NCT tại nơi cư trú chưa nhiều; nhiều địa phương chưa thực hiện được việc cử cán bộ y tế đến tận nhà khám, chữa bệnh cho NCT bị bệnh nặng, tàn tật, cô đơn; việc thành lập các Khoa Lão tại Bệnh viện tỉnh còn chậm chễ.

 

Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 93,58% NCT được khám, chữa bệnh và hưởng chăm sóc của gia đình. Trong khi, thực hiện BHYT cho NCT mới đạt khoảng 46%, thực hiện đầy đủ đối với NCT có lương hưu và thuộc đối tượng chính sách, tỉ lệ NCT tham gia BHYT tự nguyện còn thấp dẫn đến việc khám, chữa bệnh cho NCT ở vùng sâu, vùng khó khăn còn thấp, chủ yếu là chăm sóc tại gia đình.

 

GS, TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương khẳng định: Trung bình một người già mắc gần 3 bệnh mạn tính, có trường hợp mắc 6, 7 bệnh mạn tính, phải điều trị suốt đời. Chi phí y tế cho NCT gấp 7 – 10 lần so với người trẻ, sử dụng 50% tổng lượng thuốc và xu hướng tử vong tăng. Tại các bệnh viện, tỉ lệ bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng lão khoa rất hiếm, việc chăm sóc NCT tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà, người chăm sóc không được đào tạo. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, GS, TS Phạm Thắng khẳng định: Cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn NCT kĩ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc bản thân, phát triển các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Cần tăng cường các nguồn lực quốc gia về chăm sóc sức khỏe như hệ thống bệnh viện, nhà dưỡng lão…

 

Sau 10 năm triển khai Thông tư 35/2011/TT-BYT của Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện tuyến tỉnh thành lập Khoa Lão, hiện có trên 28/63 tỉnh thành lập, nhiều bệnh viện chưa vận động triển khai Khoa Lão. Tình trạng cũng tương tự với bệnh viện tuyến huyện, khi các bệnh nhân cao tuổi phải nằm “lẫn” tại các khoa khác. Về các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT, đại diện Cục Quản lí khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, phải tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, tăng cường năng lực quốc gia về chăm sóc sức khỏe NCT, cần thành lập các bệnh viện chuyên lão khoa, thành lập Khoa Lão khoa tại các bệnh viện (trừ Bệnh viện Nhi). Theo quy hoạch phát triển của Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã được Bộ Y tế phê duyệt, đến năm 2015 sẽ xây dựng Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2 với quy mô 500 giường bệnh. Tiếp đến sẽ thành lập Bệnh viện Lão khoa tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. “Tới đây, chúng tôi đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế về chức năng rất quan trọng của hệ thống bác sĩ gia đình là quản lí sức khỏe NCT ở cộng đồng. Tại các nước phát triển (Anh, Bỉ…), 90% các bệnh của NCT có thể giải quyết ở tuyến cơ sở và bác sĩ gia đình, số còn lại mới chuyển lên tuyến trung ương”.

 

Năm 2013 có khoảng 2 triệu lượt NCT được khám sức khỏe định kì và lập hồ sơ theo dõi (chiếm khoảng 22%). Do đó, để thúc đẩy chăm sóc sức khỏe, Hội NCT các cấp đang xây dựng mô hình đội ngũ tình nguyện viên chăm sóc NCT già yếu, cô đơn, tàn tật tại nhà; hình thành CLB liên thế hệ với nhiều hoạt động phong phú, để NCT rèn luyện, ổn định sức khỏe, thể chất và tinh thần, thu hút khoảng 20% NCT ở nông thôn và trên 60% ở trị trấn, thành phố.

Theo Hà Anh (Báo Người cao tuổi). Ảnh: Võ Đồng Hội