Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống kính trọng người già. Trong kho tàng tục ngữ, rất nhiều những câu như "Kính già, yêu trẻ", "Kính già già để tuổi cho", "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ"…
Một sự kiện quan trọng trong tuần này, đó là Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10). Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống kính trọng người già. Trong kho tàng tục ngữ, rất nhiều những câu như "Kính già, yêu trẻ", "Kính già già để tuổi cho", "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ"… nói lên tấm lòng, thái độ của xã hội với người già. Nhưng hiện tại, có thể vì còn nghèo, có thể vì chưa chú ý nên việc chăm sóc người già ở ta vẫn chưa bằng nhiều nước khác.
Luật Người cao tuổi đã được Quốc hội Khóa XII thông qua gần 6 năm. Trong thời gian ấy, Chính phủ, các ngành và địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho người cao tuổi và cuộc sống của người cao tuổi đã được cải thiện rất nhiều từ các chính sách này, nhất là đời sống tinh thần. Nhiều người cao tuổi đã hăng hái tham gia các công việc xã hội như công tác đảng, đoàn thể, chính quyền ở cơ sở, vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho mình và cho đất nước, sống vui sống khỏe sống có ích… Nhiều tấm gương người cao tuổi đã được xã hội thừa nhận, tôn vinh, con cháu noi theo.
Nhưng bên cạnh những thành tựu đó, nhiều chính sách, nhất là chính sách, chủ trương về kinh tế đối với người già vẫn chưa được chú ý. Theo một thống kê mới đây, trên 44% người già vẫn phải lo toan về kinh tế; 40% số người nghèo là người già yếu, mất sức lao động. Nhiều gia đình Việt Nam vẫn do người già từ 60 tuổi trở lên gánh vác nguồn sống chính. Với một đất nước gần 100 triệu dân, những con số trên là rất lớn. Khó khăn lớn nhất cả về vật chất và tâm lý với người già Việt Nam là bị gạt ra khỏi đời sống lao động, đời sống xã hội khi năng lực trí tuệ, sức khỏe vẫn chưa hết. Nhiều người già bị con cái, người thân bỏ rơi; sống trong cảnh thiếu thốn, cô đơn, không nơi nương tựa. Hệ thống chăm sóc người già yếu, không nơi nương tựa chưa phát triển, thiếu vắng vai trò của Nhà nước. Chất lượng các trung tâm an dưỡng cho người già còn yếu kém, đơn điệu, chạy theo lợi nhuận.
Trong khi đó, ở nhiều nước, có cả hệ thống đào tạo, thậm chí nhập khẩu những điều dưỡng viên có nghề, có kinh nghiệm; hệ thống kinh doanh, cửa hàng phục vụ người già ngày càng lớn mạnh. Ví như, ở Nhật Bản, đã hình thành xu hướng kinh doanh games, kinh doanh nhà ở, kinh doanh rèn luyện thân thể cho người già thì ở Việt Nam chưa có nhà kinh doanh nào, cửa hàng nào, nhà máy sản xuất đồ dùng và thiết bị nào dành cho người già. Tập quán xã hội chăm sóc, nhường nhịn, kính trọng người già ở trong gia đình và nơi công cộng cũng chỉ là bước đầu. Cùng với đó xu hướng sống nhanh, hiện đại, gia đình, nơi nương náu của người già cũng đang bị phá vỡ.
Từ năm 2017 trở đi, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già với trên 50% dân số là người 60 tuổi trở lên, kéo theo những thách thức lớn như hệ thống chăm sóc người già ngày một phình to, quỹ BHXH nhất là lương hưu, mất sức, chăm sóc y tế bị quá tải nếu không khẩn trương cải tiến; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên, quỹ phúc lợi ngày càng cao trong khi lao động trẻ lại thiếu. Vì vậy, cần đổi mới tư duy trong chính sách kế hoạch hóa gia đình, tuổi nghỉ hưu, nghỉ mất sức, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao để giảm bớt sự thiếu hụt nhân lực.
Vì vậy, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho Nhân dân về tầm quan trọng, ích lợi của việc chăm sóc, khai thác những mặt mạnh của người già đối với xã hội. Ngay từ giờ, nên khuyến khích xây dựng, từng bước hình thành các trung tâm nghỉ ngơi, an dưỡng, chăm nom người già để chuẩn bị cho việc chủ động đón thời kỳ dân số già sắp tới.