Hiện nay, người cao tuổi (NCT) nước ta chủ yếu sống ở nông thôn (chiếm 70%), cao gấp 2,6 lần so với NCT sống ở thành thị. Theo số liệu điều tra của cơ quan chức năng, vùng đồng bằng sông Hồng là nơi có tỷ lệ NCT cao nhất trong cả nước. Số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy: tỷ lệ NCT của tỉnh Thái Bình chiếm gần 14,4% với 90% NCT sống tại nông thôn; tại Hải Phòng, NCT chiếm gần 12% dân số, trong đó NCT sống ở nông thôn chiếm tỷ lệ gần 70%.
Hiện nay, hầu hết NCT ở khu vực nông thôn đang tự tạo công ăn việc làm trong nông nghiệp với thu nhập không ổn định và là nông dân. Theo số liệu từ Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam (2008) có khoảng 43% NCT hiện vẫn đang làm việc. Tỷ lệ NCT ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động cao hơn đáng kể so với NCT sinh sống tại khu vực đô thị và nam giới cao tuổi. Đời sống vật chất của NCT còn gặp rất nhiều khó khăn: chỉ có 35,6% NCT ở thành phố và 21,9% NCT ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ Nhà nước. Có tới 70 - 80% NCT phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái. Tỷ lệ NCT tham gia bảo hiểm y tế quá thấp: 30% ở đô thị và 15% ở nông thôn.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, mô hình gia đình “tứ đại đồng đường” là mô hình phổ biến, và do đó, các con, cháu có bổn phận và thực hiện việc chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ thuận lợi. Ngày nay, ở xã hội hiện đại, xu hướng gia đình Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Với cấu trúc gia đình hạt nhân, con cái khi trưởng thành có xu hướng sống tách khỏi cha mẹ, các cháu ít được sống gần ông bà. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi kinh tế - xã hội cũng có tác động đến việc chăm sóc NCT trong gia đình. Đó là: việc con, cháu di cư để mưu sinh, học tập; phụ nữ có ít thời gian hơn trong việc chăm sóc người thân trong gia đình, nhất là đối với NCT bởi họ tham gia ngày càng nhiều vào công tác xã hội đã dẫn đến sự suy giảm trách nhiệm chăm sóc của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Nói cách khác, tác động của di cư đã làm cho cuộc sống của hộ gia đình NCT có nhiều xáo trộn, nhiều NCT phải sống cô đơn, nhiều hộ gia đình chỉ có NCT; tình trạng hộ gia đình khuyết thế hệ chỉ có ông bà sống cùng cháu chưa có khả năng tự lập và đang rất cần có sự chăm sóc của người lớn. Vì thế, số người có thể chăm sóc NCT trong hộ gia đình ngày càng giảm, trong khi đó, không ít NCT trong gia đình lại chính là người phải trực tiếp chăm sóc, thậm chí là trụ cột gia đình – làm kinh tế để tự nuôi bản thân, nuôi con tật bị nguyền và chăm sóc các cháu nhỏ của mình. Thực trạng này dễ nhận thấy nhất và là phổ biến ở vùng nông thôn nước ta hiện nay. Ở nhiều vùng quê, số NCT sống cùng cháu đang tăng lên do các con của họ đi làm xa hết. Thậm chí có những thôn, xã, nhất là ở khu vực nông thôn miền Trung, chỉ toàn người già và trẻ em, vắng bóng thanh niên. Vì thế, không ít NCT ở nông thôn vừa phải lo công việc đồng áng, vừa phải lo chăm sóc cháu và do đó, họ phải chịu gánh nặng kép.
Ở nông thôn, không ít NCT có hoàn cảnh khó khăn cả về kinh tế, sức khoẻ, người chăm sóc, sống một mình nhất là với những NCT thuộc hộ nghèo, cô đơn, có con cái tật nguyền phải dựa vào sự nuôi dưỡng của cha mẹ thì việc chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng, vào đội ngũ tình nguyện viên, vừa phù hợp với truyền thống dân tộc với đạo lý “kính lão, trọng thọ”, tương thân tương ái, chia sẻ ngọt bùi, tình làng nghĩa xóm vừa phù hợp với thực tế ở Việt Nam khó có đủ điều kiện áp dụng mô hình chăm sóc NCT như ở các nước phát triển bằng các nhà dưỡng lão. Nói cách khác, trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc áp dụng mô hình chăm sóc sức khoẻ NCT tại cộng đồng nói chung, ở nông thôn nói riêng là phù hợp và có tính khả thi cao.
Trong những năm gần đây, mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng được triển khai và đem lại những hiệu quả thiết thực. từ các Đề án “ Tư vấn, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” được triển khai tại tỉnh Thái Bình, Hải Phòng từ năm 2011 đến nay. Đề án này với mô hình câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi” được thành lập tại 21 xã, thị trấn thuộc 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình; 48 câu lạc bộ thuộc 16 xã , phường của 6 quận. huyện toàn thành phố Hải Phòng. Dự án “Thúc đẩy quyền của người cao tuổi bị thiệt thòi tại Việt Nam” do Trung tâm Trợ giúp người cao tuổi và Phát triển cộng đồng phối hợp với Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai tại 320 cộng đồng thuộc 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ an, Hà Tĩnh và Quảng Bình từ năm 2010 – 2014. Tại 320 cộng đồng này đã thành lập 320 câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau với gần 3.000 tình nguyện viên thường xuyên chăm sóc cho hàng nghìn NCT tại cộng đồng, trong đó có cả NCT không phải là thành viên của câu lạc bộ nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Có thể nói các mô hình trên đã góp phần thực hiện việc chăm sóc NCT một cách thiết thực, hữu ích; đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đối với NCT của dân tộc, mang tính thực tiễn. Đây là những mô hình tốt, cần được nhân rộng trong thời gian tới đến tất cả các tỉnh/thành phố nói chung, đối với khu vực nông thôn trong cả nước nói riêng. Bên cạnh đó, rất cần và sớm xây dựng chế độ Bảo hiểm chăm sóc tuổi già nhằm tạo điều kiện tốt để sau này NCT có thể vào sống trong các Trung tâm chăm sóc NCT mà không phải lo chi phí, nhất là đối với NCT ở nông thôn phần lớn không có lương hưu, thu nhập thấp và không ổn định, phải sống dựa vào nông nghiệp và con cháu./.
Nguyễn Thị Mỹ Trang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.