08/12/2015 01:16

Chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng: Góp phần nâng cao sức khỏe người cao tuổi

Mô hình Tư vấn chăm sóc người cao tuổi (NCT) dựa vào cộng đồng được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền...

Mô hình Tư vấn chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền, ngành y tế, người dân, đặc biệt là NCT. Mô hình không chỉ góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho NCT mà còn phát huy vai trò của NCT trong cộng đồng xã hội.

 

Chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng. (nguồn internet)

Đã 3 năm nay đều đặn ông Nguyễn Biền, khu phố Lai Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà (Quảng Trị) gắn bó với các buổi sinh hoạt của Chi hội NCT khu phố nơi ông sinh sống. Từ khi tham gia vào Câu lạc bộ, ông thấy mình trẻ khỏe và cởi bỏ hoàn toàn suy nghĩ tuổi già là tuổi vô ích. Thông qua các buổi hội thảo, ông và nhiều người bạn trong câu lạc bộ không chỉ được tìm hiểu về các chính sách mới của Đảng, Nhà nước mà thông qua các đợt khám, truyền thông của ngành y tế, ông và những người bạn già đã biết nhiều thông tin về phòng chống dịch bệnh như tiểu đường, hô hấp, tăng huyết áp... Câu lạc bộ chính là nơi để trao đổi kinh nghiệm, phương pháp nuôi dạy con cháu tránh xa các tệ nạn xã hội. Đây là hoạt động thường xuyên được cán bộ dân số phối hợp với trạm y tế, Hội NCT tổ chức trong khuôn khổ của mô hình Tư vấn chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng của tỉnh Quảng Trị được triển khai từ năm 2012. Cũng giống như ở Quảng Trị, tại Quảng Ninh, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ triển khai mô hình Chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng. Sau 5 năm, hiệu quả của mô hình đã được nhân rộng tại 6/17 xã, phường và ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát huy vai trò NCT trong cuộc sống cộng đồng. Ông Vũ Thế Kỳ - Trưởng Ban Đại diện Hội NCT TP. Móng Cái khẳng định: “Qua 5 năm thực hiện mô hình chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng, NCT chúng tôi thực sự phấn khởi. Ghi nhận tại tất cả 6 xã phường, những hoạt động trong mô hình đã giúp NCT phát huy vai trò to lớn của mình. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục được tỉnh và thành phố hỗ trợ, đặc biệt là hướng tới đối tượng NCT ở khu vực xa trung tâm để tạo sự bình đẳng hơn...”. Theo bà Hoàng Thị Xuyến, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Móng Cái, những hoạt động tích cực này không chỉ có tác dụng to lớn đến đời sống sức khỏe, tinh thần của NCT mà quan trọng hơn đã góp phần nâng cao nhận thức của NCT nói riêng, cộng đồng nói chung trong giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, phòng chống bạo lực gia đình. Các cụ không chỉ là đối tượng được trực tiếp hưởng lợi mà còn là những tuyên truyền viên tích cực trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng. Bà Lê Thị Hải Lộc - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Đông Hà cho rằng, để nâng cao hiệu quả của các mô hình này, thời gian tới ngành DS-KHHGĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của NCT đến với các thành viên trong hộ gia đình. Đặc biệt, tiếp tục hướng dẫn các cụ triển khai sinh hoạt câu lạc bộ định kỳ, thường xuyên để các cụ nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân, đồng thời đây là lực lượng truyền thông trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn.

Có thể khẳng định, hiệu quả lan tỏa của mô hình đã thực sự phát huy được sức mạnh của những “cây cao bóng cả”. Điều này cũng cho thấy những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với NCT. Trước đây chúng ta thường chỉ quan tâm nhiều hơn đến đối tượng là phụ nữ, trẻ em mà chưa có sự quan tâm đúng mức tới một bộ phận quan trọng là NCT, do đó, việc thực hiện hiệu quả mô hình Chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng là một giải pháp hiệu quả trong giải quyết nhiều vấn đề xã hội, không chỉ tác dụng trực tiếp cho đối tượng trực tiếp hưởng lợi mà còn có tác dụng lan tỏa khi mỗi cụ là một kênh thông tin lý tưởng cho vấn đề DS-KHHGĐ...