23/06/2015 08:53

Bảo đảm người cao tuổi có thu nhập bền vững

Theo Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, gần nửa số người cao tuổi (NCT) hiện nay không có lương hưu và không nhận được bất kì một khoản trợ cấp nào; họ vẫn làm việc, lao động hoặc sống phụ thuộc vào gia đình, anh em, họ hàng, con cháu. Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam sắp vào giai đoạn già hóa dân số nhanh, cần thiết có những đề án, chính sách nhằm bảo đảm thu nhập ổn định cho cuộc sống NCT.

 


 Bệnh viện 354 tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho NCT ở xã Quảng Thạch,
huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Duy Thành.

 

Theo số liệu thống kê, năm 2014, cả nước có hơn 9,5 triệu NCT, nhưng độ bao phủ của các chính sách an sinh xã hội đối với NCT hiện nay chưa được phủ kín. Chỉ có khoảng 1,4 triệu NCT nhận trợ cấp người có công, đối tượng chính sách hằng tháng; hơn 1,4 triệu NCT trên 80 tuổi nhận trợ cấp xã hội (mức sàn 180.000 đồng/người/tháng); chỉ hơn 2 triệu NCT (chiến 19%) có lương hưu. Hiện, có gần 4,6 triệu NCT không được hưởng các chính sách an sinh xã hội.

Theo khảo sát của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), nhiều NCT vẫn tham gia lao động, sản xuất; khoảng 35% phụ nữ, 45% nam giới là NCT vẫn làm việc, chủ yếu là tự lao động, sản xuất, kinh doanh hoặc làm việc nhà không được trả công. Nam giới làm việc khoảng 35 tiếng/tuần, phụ nữ làm việc 32 tiếng/tuần, hầu hết thu nhập không đủ cho chi tiêu.

Đánh giá về những khó khăn kinh tế hiện nay của NCT, bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HelpAge International Việt Nam cho rằng, trong thị trường lao động, lao động nữ làm việc ở khu vực không chính thức nhiều hơn nam giới, lương tháng bình quân của phụ nữ cũng thấp hơn nam, dẫn đến lương hưu cũng thấp hơn và rất ít phụ nữ cao tuổi có lương hưu. Vì vậy, khi về già, phụ nữ cao tuổi gặp khó khăn nhiều hơn nam giới trong cuộc sống.

Hiện nay, tại một số địa phương (Thanh Hoá, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh...) được các tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai hiệu quả các mô hình nhằm tăng thu nhập cho NCT, các mô hình hiệu quả đang được rút kinh nghiệm nhân rộng, nổi bật như: Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; Chương trình tín dụng của Hội phụ nữ cho phụ nữ cao tuổi vay vốn phát triển kinh tế; Mô hình chăm sóc và phát huy khả năng của NCT dựa vào cộng đồng…Tuy vậy, trong các chính sách, chương trình cho vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật, tạo việc làm…vẫn còn vướng mắc đối với NCT, nên NCT khó nhận được sự hỗ trợ về vốn vay. Hướng đến mở rộng độ bao phủ của hưu trí, bảo đảm cho NCT có thu nhập bền vững, các cấp chính quyền cần phải vận động mở rộng chính sách hỗ trợ NCT, khảo sát cụ thể những số liệu về tài chính, khả năng lao động…của NCT để có chính sách hỗ trợ đúng và trúng.

Nguồn: Báo Người cao tuổi/ Mai Chi