30/03/2017 00:54

Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

 

Buổi tập dưỡng sinh của CLB liên thế hệ tự giúp nhau huyện Quang Bình (Hà Giang).


Ðược hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo, người già yếu, neo đơn được tình nguyện viên đến nhà chăm sóc, được khám bệnh miễn phí, được giúp đỡ khi ốm đau, hoạn nạn, được tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao,… là những hoạt động thiết thực, đầy tính nhân văn của mô hình câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau. Người cao tuổi (NCT) đang rất mong chờ mô hình này được nhân rộng trong cả nước.


Bà Trần Thị Tâm, 67 tuổi, năm người con, chồng mất sớm, ở xóm 1, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) từng trải qua nhiều năm khốn khó. Một mình nuôi năm người con đang ở độ tuổi ăn học, bám mặt với ruộng đồng quanh năm vẫn thiếu đói, bà phải bỏ quê vào miền nam làm thuê, giúp việc gia đình. Sau nhiều năm đi làm ăn xa, bà trở về quê nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Năm 2010, thực hiện dự án VIE022 về "Thúc đẩy quyền của NCT, người thiệt thòi tại Việt Nam" do Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (Help Age International - HAI) hỗ trợ, Hội NCT Việt Nam triển khai, CLB liên thế hệ tự giúp nhau số 1, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) được thành lập. Bà là một trong số những người đầu tiên xin tham gia CLB. Thuộc diện hộ nghèo, bà Tâm được CLB cho vay vốn năm triệu đồng, được hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Bà đầu tư mua các con giống như: lợn sinh sản, gà, cá, chim bồ câu. Từ nguồn vốn vay ban đầu, gia đình bà đã có được đàn gia súc, gia cầm, ao cá, cho thu nhập ổn định. Tham gia CLB, bà Tâm còn được khám sức khỏe định kỳ, lập sổ theo dõi sức khỏe, được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tập dưỡng sinh, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tham quan du lịch. Bà Tâm chia sẻ: "Từ khi tham gia CLB, tôi thấy mình vui, khỏe ra, lại được vay vốn làm ăn, kinh tế gia đình được cải thiện". Nhờ tham gia CLB, bà Tâm hiện là hộ thoát nghèo bền vững. Bà còn là ủy viên ban chủ nhiệm CLB, trưởng nhóm tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe tại nhà cho NCT già yếu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ông Phạm Minh Tâm, chủ nhiệm CLB liên thế hệ tự giúp nhau số 1, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết: CLB có 60 thành viên, trong đó phần lớn là nữ, có độ tuổi từ 60 trở lên, 20 thành viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Từ nguồn vốn ban đầu được hỗ trợ là 100 triệu đồng, CLB tổ chức cho các thành viên vay vốn xoay vòng, từ ba đến năm triệu đồng/người/lần để hỗ trợ làm ăn, tăng thu nhập. Ðến nay cả bảy hộ nghèo trong CLB đều đã thoát nghèo, nguồn vốn vay của CLB không những được duy trì mà còn tăng lên 133 triệu đồng. CLB có năm tình nguyện viên thường xuyên chăm sóc 18 đối tượng NCT già yếu, hoàn cảnh neo đơn như: giúp việc nhà, chăm sóc y tế, hỗ trợ tiền, hiện vật… CLB cũng duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tập thể dục dưỡng sinh, khám và tư vấn sức khỏe,…

Từ năm 2005, với sự trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức hỗ trợ NCT Quốc tế và sự tài trợ của một số dự án, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội NCT và một số tổ chức khác đã phối hợp chính quyền một số địa phương xây dựng thí điểm CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Mỗi CLB được hỗ trợ ban đầu số tiền hoặc hiện vật trị giá từ 50 đến 100 triệu đồng để làm quỹ cho các thành viên vay tăng thu nhập, với lãi suất tối đa là 1%/ tháng. Toàn bộ số tiền lãi nộp vào quỹ của CLB để duy trì các hoạt động chung. Thanh Hóa là tỉnh đi đầu trong việc thành lập CLB và duy trì hoạt động hiệu quả, với 434 CLB, ở 304 xã, phường, thị trấn, bao gồm 23.464 thành viên, trong đó hơn 71% là NCT, 64% thuộc diện nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Kết quả nghiên cứu đánh giá về tác động của CLB liên thế hệ tự giúp nhau của Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho thấy, CLB là mô hình có tác động toàn diện tới NCT và cộng đồng. Cụ thể là: Thành viên được vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, có thể tăng 50% thu nhập sau ba năm, góp phần giảm nghèo cho NCT và gia đình. Sức khỏe của thành viên tốt lên do rèn luyện và có kiến thức tự chăm sóc. Ðời sống tinh thần được nâng cao, có cơ hội giao lưu, nâng cao nhận thức. Thúc đẩy sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, các thế hệ, giữa người khó khăn và không khó khăn; gắn kết tình làng nghĩa xóm, thúc đẩy các phong trào tại cộng đồng và thực hiện tốt luật pháp, chính sách về NCT. Hoạt động của CLB còn làm thay đổi cách nhìn về NCT, về sự đóng góp và phát huy nội lực của NCT; góp phần làm tốt công tác NCT. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng công nhận CLB liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình có tính nhân văn cao, hỗ trợ toàn diện NCT và có hiệu quả nhất, tạo điều kiện hỗ trợ NCT nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Tại Quyết định số 1781/QÐ-TTg, ngày 22-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên ở nước ta, mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau đã được đưa vào thành một chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020. Ngày 2-8-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1533/QÐ-TTg, phê duyệt Ðề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020. Ðề án đặt chỉ tiêu đến năm 2020, xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 3.200 CLB ở ít nhất 45 tỉnh, thành phố (có ít nhất 100.000 thành viên, trong đó có 65.000 NCT tham gia).

Tuy nhiên, đến nay việc nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau vẫn còn chậm. Hiện mới có 18 tỉnh triển khai được hơn 1.000 CLB, tập trung nhiều ở một số tỉnh được các tổ chức quốc tế tài trợ như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Nguyên. Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hạnh cho biết: Ðến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình mới xây dựng được năm CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Mỗi CLB tự huy động được từ 15 đến 20 triệu đồng, chỉ đủ mua một số thiết bị y tế, chưa có nguồn vốn ban đầu cho các thành viên vay để xóa đói, giảm nghèo và khó khăn trong việc triển khai các hoạt động.

Để nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, sức khỏe cho NCT, theo Phó trưởng Ban Ðối ngoại - Trung ương Hội NCT Việt Nam Phạm Tuyết Nhung, trước hết cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các CLB đã thành lập. Hội Người cao tuổi các cấp phối hợp các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng "Ðề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt; đồng thời rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các cấp ủy Ðảng, chính quyền cơ sở để Hội NCT xây dựng nguồn lực và nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của NCT cả nước.


"Hiện, một số tỉnh đang có vướng mắc trong việc giao đơn vị chủ trì triển khai Ðề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau, vì thế, cần có quy định cụ thể, thống nhất để tháo gỡ".

LÊ MINH GIANG

Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia NCT Việt Nam

 

"Những tỉnh không được hỗ trợ vốn từ dự án của các tổ chức quốc tế, mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau đang rất khó khăn về nguồn lực. Vì vậy, chúng tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn ban đầu".

NGUYỄN THỊ THU HẠNH

Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Ninh Bình

"Thời gian qua, có rất nhiều người làm đơn xin tham gia CLB liên thế hệ tự giúp nhau nhưng do nguồn vốn có hạn, cho nên ban chủ nhiệm rất khó giải quyết".

PHẠM MINH TÂM

Chủ nhiệm CLB số 1, xã Dân Quyền 
(Triệu Sơn, Thanh Hóa)

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử (ngày 02/3/2017)