14/02/2017 01:36

Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau - điểm tựa vững chắc cho người cao tuổi

Sau 3 năm triển khai, thực hiện mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau thực sự đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi (NCT) với sự phát triển chung của xã hội.

Là một tổ chức dựa vào cộng đồng, được tổ chức ở cấp thôn, mỗi CLB Liên thế hệ tự giúp nhau có từ 50 - 70 thành viên, trong đó 70% là NCT, 30% là các đối tượng trẻ tuổi hơn và có điều kiện kinh tế khá giả. 70% là đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình nhằm thực hiện 2 mục tiêu: Tạo cơ hội cho NCT được cải thiện đời sống của bản thân, gia đình và cộng đồng; giúp NCT tăng cường vai trò và sự đóng góp của họ trong cải thiện sức khỏe, thu nhập và phát triển ở địa phương.


Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là một trong những hoạt động chính
được CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện có hiệu quả
(Ảnh: Thanh Nhã)

Được triển khai từ năm 2010, đây là mô hình duy nhất hỗ trợ NCT nghèo vươn lên tăng thu nhập, thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Dưới sự tài trợ của tổ chức hỗ trợ NCT quốc tế, với 500 CLB được thành lập thí điểm tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, sau một thời gian thực hiện đã mang lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Điểm nổi bật của CLB là tính chất liên thế hệ và tự giúp nhau, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của chính NCT và cộng đồng giúp nhau thoát nghèo, tăng cường đoàn kết, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm.

Sau 3 năm thực hiện mô hình đã có 17.000 người cao tuổi được hưởng lợi từ việc được vay vốn xóa đói giảm nghèo (mỗi câu lạc bộ được hỗ trợ 100 triệu đồng để làm vốn cho các thành viên). Sau khi được hỗ trợ vốn vay, các thành viên CLB đã tổ chức được 845 buổi nói chuyện, 248 lớp tập huấn, gần 800 buổi chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tăng thu nhập cho hơn 60.000 lượt hội viên, giúp hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay.

Tính đến ngày 31/3/2013 có trên 7.000 thành viên CLB được hỗ trợ hơn 22 tỉ đồng, bình quân khoảng trên 3 triệu đồng/người. Qua kiểm tra, giám sát, các thành viên được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, bước đầu cải thiện đời sống gia đình, nhiều thành viên thoát nghèo, vượt khó làm giàu bằng nhiều mô hình kinh tế như nuôi ếch lồng, nuôi cá, nuôi chim bồ câu nhốt, nuôi bò, trồng cây cao su, cây cảnh, trồng nấm, rau màu, dưa hấu, làm mây tre đan…

Ngoài vốn dự án, để bảo đảm tính bền vững, hằng tháng các CLB xây dựng quỹ từ nguồn lãi, phí thành viên, tiền tiết kiệm, vận động nguồn lực tại địa phương, vận động thông qua sổ "Tấm lòng vàng"…Đến nay, tổng số quỹ tại các địa phương là 3,7 tỉ đồng, đạt chỉ số: "100% CLB có các hoạt động tạo nguồn lực cho CLB". Quỹ của CLB một phần được sử dụng cho thành viên vay, số còn lại mua áo quần đồng phục, thăm hỏi thành viên, mời báo cáo viên các ngành liên quan đến nói chuyện hoặc giới thiệu tư vấn. Từ cách làm sáng tạo này, có thêm 1.253 thành viên được vay hơn 2,2 tỉ đồng. 160 CLB (đạt tỉ lệ 100%) hoạt động thường xuyên và có người được vay mới hằng năm từ nguồn quỹ của CLB.

Song song với hoạt động xóa đói giảm nghèo cho NCT, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe cho các hội viên thông qua các hoạt động thể dục, thể thao; nâng cao hiểu biết về chế độ, chính sách, khám sức khỏe định kỳ miễn phí và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, là hoạt động chăm sóc sức khỏe tại nhà dựa vào tình nguyện viên. Công tác này ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn thông qua các đợt tập huấn và các buổi sinh hoạt tại CLB. Hiện mỗi CLB có từ 8 - 10 tình nguyện viên; tình nguyện viên của CLB cung cấp nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe, động viên, giúp đỡ cho NCT thiệt thòi như làm bạn, giúp việc nhà, việc đồng áng, chăm sóc y tế đơn giản; hỗ trợ tiền cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Nét nổi bật của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là việc đề cao vai trò của hoạt động tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng. Các hội viên đã giúp đỡ nhau, giúp đỡ người dân bằng nhiều hình thức như làm cỏ, làm đất, thu hoạch mùa màng cho các thành viên bị ốm, hoạn nạn; phối hợp với các cấp ủy, chính quyền tại địa phương đảm nhận việc thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh, canh tác trên vùng đất bỏ hoang lấy kinh phí đóng góp vào Quỹ CLB. Những hoạt động này đã phát huy vai trò của các thành viên CLB nói riêng, NCT nói chung và được các cấp, các ngành chức năng ghi nhận và đánh giá cao.

Có thể nói, các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã thực sự phát huy hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng ủng hộ vì tính nhân văn sâu sắc, góp phần thiết thực chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò NCT, phát huy hiệu quả hỗ trợ NCT nghèo và cận nghèo.

Không chỉ vậy, những hoạt động của CLB đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương, thành viên, người dân về quyền của NCT trong tham gia các hoạt động tại địa phương. Vị thế của NCT trong xã hội bước đầu được quan tâm, được chính quyền, địa phương nhìn nhận và đánh giá cao, nhất là trong hoạt động phát triển mô hình làm kinh tế tăng thu nhập, hoạt động tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng… Đặc biệt, lần đầu tiên ở Việt Nam, mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã được đưa vào thành một chỉ tiêu trong chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020./.

 

Theo Hoàng Mẫn (Nguồn: ĐCSVN, 11/2013).